Sắp đến kỷ niệm 135 năm ngày sinh Bác Hồ kính yêu, ông Phong lại tỉ mỉ sắp xếp, đưa tư liệu ra trưng bày bên trong “bảo tàng thu nhỏ” của mình để mọi người đến tham quan, tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bên trong ngôi nhà nhỏ, ông Phong trưng bày những tư liệu, ảnh về Bác Hồ để mọi người đến tham quan, tìm hiểu
Ngôi nhà của ông Nguyễn Đình Phong nép mình bên dòng sông Gianh. Tầng 1 trong ngôi nhà này dành cho cả gia đình sinh hoạt. Đi hết cầu thang lên tầng 2, hiện ra trước mắt là một “bảo tàng thu nhỏ”. Không gian này, cả gia đình dành riêng cho ông Phong trưng bày, cất giữ các tư liệu, bức ảnh về Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những vị tướng, anh hùng liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.
Bộ sưu tập chữ ký của Bác Hồ qua các thời kỳ được ông Phong cất giữ cẩn thận
Ông Phong từng làm công nhân của tập đoàn sản xuất miền Nam sau đó được cử tham gia khóa học lái máy kéo ở Hà Nội. Cũng vào thời điểm này, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đại Phong vinh dự được Bác Hồ tặng chiếc máy cày hiệu DT54. Đây là chiếc máy cày đầu tiên của tỉnh Quảng Bình và ông Phong là một trong những người đầu tiên được lái chiếc máy cày đó. Bằng nhiệt huyết tuổi trẻ và tinh thần lao động hăng say, ông Phong đã đạt danh hiệu "Kiện tướng cày" nhiều năm liên tục. Năm 1969, ông Phong bị trúng bom khi đang cày ruộng. Cũng từ đó, đôi tai của ông không còn nghe rõ, ai muốn hỏi gì thì phải ghi ra giấy để ông đọc rồi trả lời.
Hơn nửa thế kỷ sưu tầm, ông Phong đã có hơn 3.000 bức ảnh, tư liệu về Bác Hồ
Cũng trong năm 1969, nghe tin Bác Hồ mất, ông Phong xót thương vô cùng. Khi đọc báo và thấy có những hình ảnh về Bác Hồ rất quý, ông đã nảy ra ý định sưu tầm, cất giữ như một cách tưởng nhớ vị lãnh tụ kính yêu. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, bộ sưu tập của ông Phong đã có hơn 3.000 bức ảnh, tư liệu quý về Bác Hồ qua từng thời kỳ, sinh ra, lớn lên, trưởng thành và hành trình đi tìm đường cứu nước, sự nghiệp cách mạng của Bác. Ông Nguyễn Đình Phong tâm sự, nhiều bài viết, tư liệu quý về lịch sử của quê hương và dân tộc cũng được ông sưu tầm, cất giữ cẩn thận.
“Năm 1969, đất nước còn chiến tranh, lúc đó Bác Hồ đã mất rồi. Đến năm 1975 đất nước thống nhất thì Bác không còn nữa, Bác suốt đời vì nước vì dân. Tôi đã sưu tầm những hình ảnh này để mọi người cùng biết, phải có tình yêu đối với Bác thì tôi mới sưu tầm, mới làm được điều này và việc này không hề đơn giản. Khi sưu tầm được nhiều thì tôi nghĩ đến cách lưu giữ những hình ảnh này, rồi trưng bày để mọi người cùng xem và nhất là đưa đi trưng bày lưu động tại các nhà trường để các cháu học sinh xem”.
Ông Nguyễn Đình Phong dành hơn nửa thế kỷ để sưu tầm các bài viết, hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ, quê hương, đất nước
Hành trình sưu tầm tư liệu về Bác Hồ của ông Phong cũng gặp nhiều gian nan. Ông nghỉ mất sức lao động, khi về già cũng không có lương hưu, kinh tế gia đình eo hẹp khiến ông gặp khó khăn trong việc mua sách, ảnh, ép plastic để lưu giữ. Có khi ông gặp được quyển sách hay, có những bức ảnh quý về Bác Hồ mà ông rất muốn sưu tầm nhưng chủ của quyển sách đó khi xin không cho, mua cũng không bán. Lúc đó ông năn nỉ người ta cho chụp lại bức ảnh quý, bằng nhiều cách ông cố gắng để sưu tầm cho được. Đôi lúc, chỉ vì ông thích một bức ảnh đẹp, hiếm gặp về Bác Hồ mà ông mua luôn cả quyển sách chỉ để lấy 1 bức ảnh.
Việc sưu tầm đã khó, việc bảo quản tư liệu càng khó khăn hơn khi ngôi nhà của ông Phong nằm bên sông Gianh, năm nào nước lũ cũng tràn vào nhà. Cứ đến mùa lũ, ông Phong ưu tiên di dời tài sản quý giá nhất của đời ông là bộ sưu tập tư liệu về Bác Hồ đến nơi an toàn, cao ráo.
Ông Nguyễn Hồng Sâm, người luôn giúp đỡ ông Phong trong việc tìm kiếm, sưu tầm ảnh, tư liệu về Bác Hồ
Ông Nguyễn Hồng Sâm, 90 tuổi, ở thôn Tân An, xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch là người bạn hàng xóm thường xuyên giúp đỡ ông Phong trong việc sưu tầm tư liệu về Bác Hồ. Ông Sâm biết ông Phong đam mê sưu tầm nên mỗi lần bắt gặp ảnh, tư liệu quý về Bác Hồ, ông Sâm đều báo cho ông Phong biết để tìm cách bổ sung bộ sưu tập. Theo ông Nguyễn Hồng Sâm, bộ sưu tập tư liệu về Bác Hồ đã góp phần giúp người xem hiểu thêm về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
“Nếu nói về sưu tập và trưng bày thì ít ai làm được và chỉ có ông Phong đã làm được điều này một cách tỉ mỉ. Mặc dù ông Phong không có lương hay thu nhập vì mất sức lao động nhưng ông rất đam mê, hàng tháng có khi tôi nhận lương hưu thì lại giúp đỡ ông Phong một ít để hỗ trợ mua tư liệu, ảnh về sưu tầm. Ông Phong từng đem bộ sưu tập đi trưng bày ở nhà trường để lan tỏa, giúp mọi người hiểu được về cuộc đời sự nghiệp và hoạt động của Bác Hồ, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ nối tiếp và thấu hiểu được”- ông Sâm cho hay.
Hơn nửa thế kỷ sưu tầm tư liệu, hình ảnh về Bác Hồ
Tháng 5 này là dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngôi nhà nhỏ bên bờ sông Gianh của ông Phong lại nhộn nhịp người đến tham quan, chiêm ngưỡng những tấm ảnh đẹp về Bác Hồ và các tư liệu lịch sử mà ông Phong đã dày công sưu tập. Mỗi tranh ảnh được ông chọn lọc, sắp xếp theo từng thời điểm nhất định. Bộ sưu tập có tuổi đời 55 năm của ông Phong được nhiều người biết đến. Trong những dịp lễ kỷ niệm tại địa phương, bộ sưu tập của ông được trưng bày tại trụ sở UBND xã, nhà văn hóa, trường học và trưng bày lưu động ở nhiều nơi để giới thiệu với mọi người.
Nhiều tư liệu, hình ảnh của Bác Hồ được ông Nguyễn Đình Phong sưu tầm, bảo quản cẩn thận
Chị Trần Thị Vân, đoàn viên xã Đoàn Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch nói rằng, chẳng cần phải đi đâu xa, những bạn trẻ nếu muốn tìm hiểu tư liệu lịch sử, danh nhân qua các thời kỳ và tìm tư liệu về Bác Hồ thì chỉ cần đến tham quan “bảo tàng” thu nhỏ của ông Nguyễn Đình Phong.
“Khi thấy kho tàng tư liệu này của bác Phong, tôi thấy được sự tôn kính đối với lãnh tụ kính yêu của dân tộc, góp phần lưu giữ và lan tỏa những tư liệu về Bác Hồ. Kho tàng này cũng giúp thế hệ trẻ có thể tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Người. Hàng ngàn bức ảnh về Bác Hồ được bác Phong sắp xếp có hệ thống khoa học, xâu chuỗi thành câu chuyện và chia sẻ, trình bày cho mọi người chiêm ngưỡng trong các dịp lễ, để thế hệ trẻ tìm hiểu, học tập, noi theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ”- chị Vân cho hay.
Ông Phong dán những tấm ảnh về Bác Hồ lên băng vải dài để thuận lợi cho việc trưng bày, giới thiệu