Người dân xóm núi tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông Nguyễn Văn Tính, sinh ra và lớn lên ở thôn Tràng Dương, xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (cũ) nay là xã Vạn Phú, tỉnh Thái Nguyên (mới). Ông là người duy nhất có duyên may ở xóm núi này còn lưu giữ những kỷ niệm riêng tư, thân thiết với anh sinh viên Văn khoa Nguyễn Phú Trọng học khóa 8, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sơ tán về đây từ năm 1965 thời chiến tranh chống Mỹ ác liệt.
Hồi ấy, anh Trọng ở nhà ông Nguyễn Văn Thoa - thân sinh ra anh Tính. Lúc đó anh Tính đang còn học cấp I, chữ viết còn như gà bới, được anh sinh viên Nguyễn Phú Trọng dành nhiều thời gian kèm cặp nhất là môn chữ viết theo phong trào “Vở sạch chữ đẹp”. Chuyện đã lâu rồi nhưng bây giờ mỗi khi nhìn các văn bản do anh Tính viết ai cũng trầm trồ, chữ đẹp thật. Anh Tính cười rạng rỡ: "Nhờ bác Nguyễn Phú Trọng đấy".
Ở xóm núi này không chỉ gia đình ông Tính nhớ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều người dân nhớ về ông qua câu chuyện của các bậc sinh thành. Họ biết và nhớ đến anh sinh viên Nguyễn Phú Trọng hồi ấy và người Tổng Bí thư sau này với tình cảm thân thương, trìu mến, xen cả tự hào vì Vạn Thọ lại có những ký niêm đậm đà tình Dân nghĩa Đảng với sinh viên Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Với bà Cao Thị Kim Tiến 79 tuổi, bà Nguyễn Thị Thành 77 tuổi, những kỉ niệm của 60 năm trước lại ùa về nhân dịp giỗ đầu của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đó là ngày 29/7/1965, bà Kim Tiến lúc đó còn rất trẻ lại có chân trong Ban Chấp hành chi Đoàn Thanh niên xã được cử đi cùng lãnh đạo xã đón đoàn sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán về Vạn Thọ - khi các anh chị vừa băng rừng về đến trung tâm xã. Hai năm học đã trôi qua. Các sinh viên lớp anh Trọng lần lượt ra trường. Anh Nguyễn Phú Trọng trong tốp sinh viên cuối cùng rời Vạn Thọ. Anh có vinh dự được kết nạp Đảng trong những ngày cuối cùng học tập tại xóm núi này.
Bà Kim Tiến, bà Thanh nhớ lại những ngày Quốc tang, cả xóm núi rưng rưng nước mắt tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thấm thoát đã đến giỗ đầu, bà Tiến bàn vời bà Thành, bà Cúc, bà Phán cùng mấy ông cựu chiến binh trong xóm tổ chức cùng nhau về Hà Nội thắp hương tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thế là một đoàn khách “đặc biệt” gồm trên 20 người dân xóm núi Tràng Dương, xã Vạn Phú đã có mặt ở nhà riêng cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Họ dâng lên bàn thờ cố Tổng Bí thư những bông sen thơm ngát, cặp bánh chưng Bờ Đậu, gói chè Tân Cương, những sản vật đặc trưng của quê hương Thái Nguyên. Tất cả quây quần xung quanh bà Ngô Thị Mận, Phu nhân cố Tổng Bí thư, để nói những lời tình nghĩa của người dân xóm núi.
Câu chuyện xoay quanh những ngày Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn sơ tán về nơi này và những lần ông trở lại xã Vạn Thọ thăm thú bà con về thắp hương tưởng nhớ ông bà Thoa, trồng cây lưu niện tại trụ sở xã… Một lần nhân chuyến công tác ở Thái Nguyên, ông Nguyễn Phú Trọng còn đến thăm xưởng nấm của người con trưởng của ông bà Thoa, một mô hình kinh tế gia đinh thành công của huyện...
Người dân xóm núi chụp ảnh kỷ niệm với bà Ngô Thị Mận, Phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ngày 19/7 là tròn 1 năm cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi xa nhưng hình ảnh mái tóc bạc, nụ cười tươi và những cử chỉ khoan dung, nhân ái của ông vẫn còn đọng lại trong tâm tưởng của người Việt Nam nói chung và những con người ở xã Vạn Phú nói riêng. Họ thương tiếc và nhớ ơn nhà lãnh đạo của mình, nguyện thực hiện những di sản tinh thần quý báu của một con người liêm chính, một tấm lòng vì dân vì Đảng. Ông đã đi xa nhưng vẫn còn đó những di sản tinh thần quý báu của một người cộng sản chân chính vẫn còn mãi trong sự nghiệp của đất nước, của nhân dân, của Đảng.
Trần Đình Thảo