Người giàu ăn chuối

Người giàu ăn chuối
4 giờ trướcBài gốc
Câu chuyện có tính chất ngụ ngôn kể trên được học giả người Đức Norbert Elias viết trong cuốn La socíeté de Cour (Xã hội của Cung đình) xuất bản năm 1969, để minh họa cho việc tiêu dùng của giới quý tộc gắn với tính chất thể hiện uy quyền. Trong cuốn sách này, ông phân biệt ethos (tâm thế đạo đức) của giai cấp quý tộc là tâm thế đạo đức trong chi tiêu gắn với thứ bậc xã hội, còn tâm thế đạo đức trong chi tiêu của giới tư sản lại gắn với thu nhập và một chiến lược dài hạn (chi tiêu luôn thấp hơn thu nhập và tiết kiệm là để có nguồn lợi trong tương lai). Giới quý tộc tiêu dùng theo lối “phô trương” như một nghĩa vụ với giai cấp, họ coi thứ tiêu dùng chi chút tính toán và những bản kế hoạch ăn nay lo mai là chuyện đạo đức của kẻ khốn khó.
Những diễn giải nói trên được dẫn từ cuốn Xã hội học về tiền bạc của Damien de Blic - Jeranne Lazarus (Nguyễn Đôn Phước dịch, NXB Tri thức, 2009) là để nối sang một câu chuyện đang thời sự: Một trái chuối dán băng keo trên tường có tên Comedian của nghệ sĩ đương đại Ý Maurizio Cattelan vừa được bán tại cuộc đấu giá 6,2 triệu đô la Mỹ tại sàn Sotheby’s ở New York vào tuần cuối tháng 11-2024. Điều đáng nói, tác phẩm nghệ thuật ý niệm này được ông trùm tiền điện tử Trung Quốc Justin Sun mua và ăn luôn trong chưa đầy một phút sau đó.
“Ăn nó tại một buổi họp báo cũng có thể trở thành một phần trong lịch sử của tác phẩm nghệ thuật”, ông Sun nói sau khi ăn chuối.
Tuy vị doanh nhân này có hé lộ một chút “cảm thụ nghệ thuật” của ông rằng tác phẩm này cũng có nét tương đồng với tài sản kỹ thuật số NFT và công nghệ blockchain, nhưng kỳ thực, việc ông “ăn ngay 6,2 triệu đô la” là một màn “trình diễn” gây sốc với phần đông nhân loại trong thời điểm này.
“Thật đó, nó rất ngon”, “Đây là trái chuối ngon hơn những trái chuối khác”, ông Sun nói với báo giới. Và hình ảnh ông ăn chuối trong sự hài lòng, coi bộ cũng ngon thật. Nhưng...
Câu chuyện và hình ảnh sự kiện đó lan tỏa trên toàn cầu, với nhiều người, như một trò mua vui giữa lúc cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn đang di căn trên toàn cầu. Đúng như tên của tác phẩm, Comedian, diễn viên hài, một kịch sĩ đem lại câu chuyện, tình huống hài hước gây cười.
Tác phẩm trái chuối đơn sơ dán băng keo trên bức tường, hẳn là ai cũng có thể làm được, thậm chí ta có thể làm được không chỉ với chuối mà với nhiều thứ quả khác như nho, táo, cam và thậm chí - bưởi, nhưng chắc chắn có nằm mơ cũng không thể nghĩ ra những thứ ấy có thể bán được 6,2 triệu đô la. Nghệ sĩ đương đại sẽ nói, ừ thì đơn giản, vì cái mà mọi người làm không phải là “nghệ thuật”, cái chúng tôi làm mới là “nghệ thuật ý niệm” đích thực. Ở đây, ranh giới của “nghệ thuật” và không phải nghệ thuật nếu không được giải thích bằng một bệ đỡ lý thuyết về hệ thống diễn ngôn, không gian xuất hiện và được giới thiệu, bối cảnh trình bày... và nhiều thứ vẽ vời này-nọ-kia-khác, thì xem ra về bản chất, chúng chẳng khác nhau mấy.
Vậy, nghệ thuật ý niệm suy cho cùng là một sự mặc định có tính diễn giải về giá trị và thực hành như là một “nghi thức nghệ thuật” trong xã hội tiêu dùng. Sự mặc định giá trị nghệ thuật này đã bắt được “tần sóng” của sự mặc định giá trị giai tầng mà người tiêu thụ nghệ thuật kỳ vọng để thông qua đó, thể hiện đường biên của mình. Điều này không mới, lịch sử mỹ thuật của nhân loại đã tiến triển hết trào lưu nọ đến chủ nghĩa kia, một phần cũng nhờ giới nhà giàu dư tiền và theo cái nguyên lý về sự “gặp gỡ giá trị” này.
Vì sự gặp gỡ của các mặc định giá trị này mà người mua trái chuối dán băng keo trên tường cảm thấy xứng đáng. Sun không ăn trái chuối, như mọi trái chuối khác. Anh ta đang tiêu hóa và khẳng định một thứ giá trị (vô hình), mà anh ta chủ quan nghĩ mình đủ khả năng chạm tới: nghệ thuật đương đại. Và bảo chứng cho “khả năng chạm tới”, đó chính là 6,2 triệu đô la, chỉ một người, duy nhất, trên hành tinh này là Sun - mới có thể làm được. Từ đây về sau, những ai ăn chuối trên bàn cúng, mua ở siêu thị, mua ngoài phiên chợ và cả chuối trên bàn tiệc cũng khó có thể có cơ hội phải trả cái giá “vị nghệ thuật” như thế (trừ khi trong tương lai ai đó làm xuất hiện một trái chuối khác trong một tình huống “nghệ thuật” khác).
Điều này cũng khá giống tâm thế của giới nhà giàu chơi tranh ở thời hiện tại: người ta chơi tranh vì chứng tỏ khả năng “chạm tới” nghệ thuật, và qua đó, là thể hiện một vị trí trên đường biên đẳng cấp. Một nhà môi giới bán tranh kiêm phê bình mỹ thuật đã chỉ ra rằng, giới chơi tranh Việt Nam hiện nay đa số là nhà giàu (dĩ nhiên rồi!) và cần được người khác giải thích hay ho về những thứ họ mua!
Với người rất giàu, thì chuyện xuống tiền là đơn giản, nhưng xuống tiền ở đâu để đem lại uy thế, thì đó mới là vấn đề.
Tiền bạc vẫn nằm ở vị thế trung tâm của vấn đề vị thế xã hội và hình thái xã hội học. Và dù muốn dù không, tiền bạc cũng không thể thoát ly khỏi vấn đề ý thức đạo đức. Dù ý thức đạo đức của mỗi giai tầng trong xã hội thường được đặt trên mỗi hệ quy chiếu khác nhau. Trong khi đạo lý của vị công tước đặt vào đứa con trai đó là hãy biết tiêu dùng phô trương như một nghĩa vụ (giá mà đứa con trai của ông tìm được một quả chuối nào đó thì hay biết mấy), thì đạo lý của một người ở dưới đáy xã hội đó là một quả chuối dán trên bức tường dù có gánh vác những diễn ngôn hoa mỹ bằng trời thì cũng chẳng đủ để đi qua một cơn đói. Chính ở đây, cuộc tranh cãi về sứ mạng và chức năng nghệ thuật trở nên dai dẳng. Và cũng chính ở đây, câu hỏi về một thứ công bằng xã hội chung trở nên nan giải muôn thuở.
Bạn sẽ bảo rằng, nếu mình giàu như Justin Sun thì cũng chẳng dại gì đi mua trái chuối 6,2 triệu đô la và ăn ngay sau chưa đầy một phút. Bạn sẽ làm những điều ý nghĩa hơn, ít ra thì như Elon Musk, rải tiền vận động để bầu Donald Trump làm tổng thống nước Mỹ như báo chí nước ngoài đưa tin chẳng hạn.
Tùy bạn thôi. Rõ ràng là người giàu trong thế giới này có rất nhiều chọn lựa để chứng tỏ uy quyền, không ăn chuối thì cũng tìm thấy chỗ đứng sau lưng một vị tổng thống. Phải vậy không?
Nguyễn Vĩnh Nguyên
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/nguoi-giau-an-chuoi/