Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Việt Bắc.
Từ duyên đất, hóa duyên nghề
Năm 2004, chàng trai Chu Việt Bắc (quê ở tỉnh Phú Thọ) lần đầu tiên đặt chân đến Hoàng Su Phì - mảnh đất phía Tây của tỉnh Hà Giang, nay là Tuyên Quang. “Chứng kiến vẻ đẹp lãng mạn của biển mây bồng bềnh bao phủ đỉnh núi Chiêu Lầu Thi, ánh nắng lấp lánh trên thửa ruộng bậc thang hay ánh mắt trong veo của em bé người Dao bên bếp lửa... đã đánh thức một miền xúc cảm chưa từng có trong tôi. Lúc đó, tôi chưa biết chụp ảnh, chỉ khao khát giữ lại những khoảnh khắc ấy”, anh Bắc kể. Một năm sau, anh thành rể vùng cao. Tình yêu không chỉ gắn kết anh với mảnh đất này mà còn thắp lên đam mê với núi rừng và văn hóa bản địa.
Chiếc máy ảnh đến với anh như một người bạn đồng hành, cùng anh khám phá và chạm tới thanh âm của núi rừng. Không qua trường lớp, anh tự học từ YouTube, bạn bè, từ chính những lần chụp ảnh thất bại. Khuôn hình đầu tay còn mờ nhòe, vụng về song anh không nản trí, kiên trì học bố cục, ánh sáng, màu sắc. Những bước chân lặng lẽ len lỏi khắp bản làng dần đưa anh từ người “tay ngang” thành nghệ sĩ. Năm 2017, anh chính thức trở thành hội viên Hội NSNA Việt Nam.
Anh Bắc chia sẻ: “Tôi không kể chuyện bằng lời. Tôi đợi khoảnh khắc mà ánh sáng, con người và cảm xúc hội tụ để bấm máy. Chỉ cần một ánh nhìn lặng lẽ, một cử chỉ dung dị, một khoảnh khắc đời thường chạm tới cảm xúc, thế là đủ để hình ảnh cất tiếng nói từ bên trong”. Thực tế cho thấy, từ phiên chợ mờ sương, ruộng bậc thang mùa nước đổ, mái nhà trình tường đến sự huyền bí trong nhảy lửa của đồng bào Pà Thẻn… qua ống kính của NSNA Chu Việt Bắc đều mang một nhịp thở riêng. Anh không chụp để giữ cái đẹp mà lưu ký ức và bản sắc - những giá trị dễ phai nhòa giữa nhịp sống hiện đại.
Cô giáo Nguyễn Thúy Hiền, Trường Tiểu học Mạn Lạn (tỉnh Phú Thọ) xúc động kể: Tôi vô tình thấy bức “Canh tác trên hoang mạc đá” của NSNA Chu Việt Bắc khi tìm hình minh họa cho bài giảng. Hình ảnh hai người đàn ông dốc sức điều khiển hai chú bò kéo cày trên nương đá tai mèo khiến tôi nghẹn ngào. Không cần lời hoa mỹ hay chú thích dài dòng, bức ảnh tựa bản hùng ca về ý chí mưu sinh của đồng bào Mông - những con người sống trên đá, thoát nghèo từ đá.
Tác phẩm “Canh tác trên hoang mạc đá” của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Việt Bắc là bản hùng ca về nghị lực mưu sinh của đồng bào Mông, làm lay động lòng người.
Là người theo sát hoạt động sáng tác trong giới nhiếp ảnh, NSNA Nguyễn Xuân Chính - Trưởng ban Sáng tác và triển lãm (Hội NSNA Việt Nam) nhận định: “Chu Việt Bắc là tác giả của rất nhiều bức ảnh giàu chiều sâu, đậm chất sử thi dân tộc miền núi, được giới chuyên môn và công chúng ghi nhận, đánh giá cao. Bằng sự tinh tế cùng tình yêu với đất và người xứ Tuyên, Chu Việt Bắc đã chọn cho mình con đường không ồn ào nhưng đi đến tận cùng xúc cảm”.
Lặng thầm lan tỏa vẻ đẹp xứ Tuyên
Ở xã Hoàng Su Phì, người dân đã quen với hình ảnh NSNA Chu Việt Bắc vai mang máy ảnh, chạy xe máy số, lúc thì ngồi cạnh bếp lửa, khi thì lội ruộng, trèo đồi, leo núi, học tiếng Dao, tiếng Mông để hiểu đất, hiểu người. Bốn mùa xuân - hạ - thu - đông, anh rong ruổi khắp nẻo đường để “săn ảnh”. Xuân là hoa đào thắm trên đá tai mèo. Hạ là mùa nước đổ, bóng người in trên ruộng bậc thang. Thu là mùa gặt vàng rực núi đồi. Đông là hành trình trèo đèo săn mây.
Anh Bắc kể: “Nhiều lần, tôi dậy từ 2 giờ sáng, vượt qua cái lạnh như cắt da cắt thịt, băng rừng, leo núi suốt nhiều giờ mới lên đến đỉnh Chiêu Lầu Thi (cao 2.402 m) để chờ khoảnh khắc bình minh mở màn cho hành trình săn mây. Trải qua 8 lần di chuyển, tôi mới bắt được “khoảnh khắc vàng” - biển mây bồng bềnh cuộn trôi giữa đại ngàn. Bức ảnh ấy sau này trở thành cảm hứng để nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí sáng tác ca khúc “Khúc hát săn mây” với dòng chú thích “tư liệu Chu Việt Bắc”, khiến tôi vô cùng xúc động”.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Việt Bắc khám phá vẻ đẹp của hang động - lĩnh vực đòi hỏi sự dũng cảm và kiên trì mà ít ai theo đuổi.
Không chỉ săn mây, NSNA Chu Việt Bắc còn khám phá vẻ đẹp sâu thẳm trong lòng đất - chụp ảnh hang động, một lĩnh vực kén người chơi vì sự nguy hiểm. Để có được bộ ảnh đẹp về Hang Quả Na (xã Tùng Vài), Hang Mây (xã Tả Lủng), Hang Khun (xã Quang Bình) anh đã mang trên vai 25 kg hành lý, trang bị đồ bảo hộ chuyên dụng, “cắm trại” trong lòng đất từ 6 giờ sáng hôm trước đến sáng hôm sau để săn ảnh. Và anh trở thành NSNA đầu tiên của tỉnh Hà Giang (cũ) đưa vẻ đẹp hang động đến triển lãm quốc tế, do Hiệp hội Hang động quốc gia Hoa Kỳ tổ chức năm 2023. Ngoài ra, không ít tác phẩm của anh đoạt giải cao tại các cuộc thi ảnh khu vực và toàn quốc như: “Tuổi thơ của mẹ cũng trên lưng bà”, “Làm nhà trình tường của người Mông” (Huy chương Bạc), “Cung đàn trên núi” (Huy chương Đồng)…
Từ năm 2018 đến nay, anh thường xuyên viết bài, chụp ảnh cộng tác với Tạp chí song ngữ Việt - Anh Heritage, phát hành trên các chuyến bay Vietnam Airlines. Qua đó, góp phần lan tỏa hình ảnh đất và người xứ Tuyên đến với hành khách thông qua các chuyến bay quốc tế. Đặc biệt, hai tác phẩm của anh về Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn và Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì được UBND tỉnh chọn làm tư liệu tham dự Giải thưởng du lịch Thế giới năm 2024. Với những đóng góp tích cực cho hoạt động nhiếp ảnh, tháng 4 vừa qua, NSNA Chu Việt Bắc vinh dự được Ủy ban Toàn quốc các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam tặng Bằng khen.
Nghệ sỹ Chu Việt Bắc trải lòng: "Tôi không nhớ đã có bao nhiêu bức ảnh, nhưng ảnh nào với tôi cũng là kỷ niệm, chuyến đi nào cũng là trải nghiệm quý. Chỉ cần nghe tiếng “xạch xạch” của cửa chập vang lên là tim tôi lại rộn ràng cảm xúc. Với tôi, ảnh không chỉ là hình mà còn là ánh sáng của ký ức, ngôn ngữ của cảm xúc, lát cắt chân thực của đời sống. Tôi mong mỗi bức ảnh không chỉ được yêu mến mà còn thôi thúc người xem muốn đặt chân đến nơi tôi từng đến để khám phá, trải nghiệm và yêu hơn vùng đất này”.
Thu Phương