Huyền thoại Benjamin Graham. (Ảnh: Sunoresearch).
Tôi luyện qua khủng hoảng
Benjamin Graham sinh năm 1894 tại thủ đô London, Anh. Vài năm sau, gia đình ông quyết định chuyển tới Mỹ và đây chính là nơi bi kịch xảy ra.
Cha ông - một doanh nhân thành đạt - qua đời vào năm 1903. Doanh nghiệp mà người cha xây dựng nhanh chóng sụp đổ. Bất hạnh hơn nữa, mẹ ông mất sạch số tiền tiết kiệm còn lại trong cuộc khủng hoảng ngân hàng năm 1907.
Vài tháng sau khi cha qua đời, Graham bắt đầu bán tạp chí trên góc phố để phụ giúp gia đình. Ông tiếp tục làm những công việc vặt để kiếm thêm thu nhập cho đến đại học và kể cả sau khi bắt đầu công việc đầu tiên trên Phố Wall.
Graham có thành tích học tập xuất sắc dù phải vừa học vừa làm thêm. Ông đạt học bổng để theo học tại Đại học Columbia và tốt nghiệp với danh hiệu Salutatorian - phần thưởng dành cho cử nhân xuất sắc thứ hai trong số tất cả sinh viên tốt nghiệp ở Mỹ.
Đại học Columbia đề nghị Graham đứng lớp dạy bộ môn toán, tiếng Anh và triết học, nhưng ông từ chối để tìm kiếm công việc trong thế giới đầu tư, quyết tâm làm giàu vì gia đình.
Graham bắt đầu sự nghiệp tại công ty chứng khoán Newburger, Henderson, and Loeb với mức lương 12 USD/giờ, ngày ngày viết giá cổ phiếu và trái phiếu lên một tấm bảng đen. Đồng thời, ông bắt đầu phát triển cách tiếp cận đầu tư dựa trên việc nghiên cứu. Ông thăng tiến rất nhanh và trở nên nổi danh nhờ biệt tài phát hiện các khoản đầu tư an toàn nhưng mang lại lợi nhuận tốt.
Tới năm 1926, ông đồng sáng lập quỹ đầu tư Graham-Newman. Hai năm sau, ông kiếm được thu nhập hàng năm vào khoảng 600.000 USD, tương đương khoảng 10 triệu USD ngày nay.
Nhưng người trèo cao quá lại dễ ngã đau. Vụ sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929 suýt khiến Graham sạt nghiệp, vợ của ông phải đi dạy múa để đem tiền về. Graham phải nhờ đến sự trợ giúp của bạn bè và bán tài sản cá nhân để giữ cho công ty tiếp tục hoạt dộng.
Nguyên tắc đầu tư của Graham
Phong cách đầu tư của Graham tập trung vào phòng thủ. Trong các cuốn sách đã xuất bản, ông coi bảo toàn vốn là ưu tiên hàng đầu, trong khi tăng trưởng gần như chỉ là thứ yếu.
Warren Buffett, người học trò nổi tiếng nhất của Graham, cũng coi trọng việc bảo toàn vốn khi đầu tư. Một trong những lời khuyên nổi tiếng nhất của Buffett là “Quy tắc thứ nhất của đầu tư là không đánh mất tiền. Quy tắc thứ hai là không bao giờ quên quy tắc thứ nhất”.
Dưới đây là 6 nguyên tắc chính trong cách tiếp cận của Graham, người được mệnh danh là "thầy của những huyền thoại Phố Wall":
Nguyên tắc 1: Hiểu rõ bản thân và đầu tư tương ứng
Graham khuyến nghị các chiến lược đầu tư khác nhau cho các kiểu nhà đầu tư khác nhau. Những người có ít kinh nghiệm hay thời gian nên gắn bó với những cổ phiếu chất lượng cao, có uy tín. Chúng khó có thể tăng trưởng vượt trội nhưng có tính ổn định cao nhất.
Những nhà đầu tư dày dặn hơn có thể mở rộng mạng lưới tìm kiếm nhưng phải dựa vào phân tích tài chính cơ bản để hỗ trợ quá trình ra quyết định. Ngay cả với những nhà đầu tư có kinh nghiệm, Graham cũng khuyến khích họ mua những công ty lớn, có tình hình tài chính đảm bảo, trả cổ tức và cổ phiếu có giá hợp lý.
Nguyên tắc 2: Đầu tư, không đầu cơ
Cuốn Security Analysis viết: “Đầu tư là hoạt động dựa trên sự phân tích kỹ lưỡng, hứa hẹn sự an toàn cho vốn gốc và đem lại lợi nhuận thỏa đáng. Những hoạt động không đáp ứng tiêu chí này đều là đầu cơ”.
Graham tin tưởng rằng việc theo đuổi thị trường mù quáng hoặc đầu tư mà không đi kèm với phân tích là một trò chơi ngu ngốc. Do đó, ông nghiên cứu các cổ phiếu kỹ lưỡng như thể đang mua lại toàn bộ công ty.
Nguyên tắc 3: Tập trung vào chất lượng và giá trị
Graham thích những bảng cân đối kế toán có tính thanh khoản cao, nhiều tài sản hữu hình và ít nợ. Ông thiên về các công ty lớn, trưởng thành thay vì những công ty nhỏ và linh hoạt hơn. Ông cũng hướng đến những công ty có lợi nhuận và cổ tức ổn định.
Tuy nhiên, chỉ riêng chất lượng là chưa đủ. Graham đặc biệt tìm kiếm những cổ phiếu chất lượng ở mức giá tốt. Để xác định giá cổ phiếu, ông nhìn vào các hệ số P/E và P/B.
Giới hạn tối đa Graham chấp nhận là 15 đối với P/E và 1,5 đối với P/B. Tuy nhiên, ông sẵn sàng mua cổ phiếu có P/B cao hơn điều kiện trên nếu P/E ở mức thấp. Ông cũng xem xét giá trị P/E nhân với P/B - đặt hạn mức tối đa cho tích số này là 22,5.
Nguyên tắc 4: Đặt biên độ an toàn
Graham chủ trương mua cổ phiếu với giá chiếu khấu so với giá trị nội tại. Ông gọi mức chiết khấu này là “biên độ an toàn” và coi đây là phương pháp phòng vệ quan trọng.
Nếu một cổ phiếu vốn đã bị định giá thấp, khả năng nó mất giá mạnh cũng ít. Thêm nữa, nếu mua cổ phiếu với giá thấp hơn giá sổ sách, nhiều khả năng nhà đầu tư sẽ thu hồi được vốn trong trường hợp tệ nhất là doanh nghiệp phá sản.
Việc xác lập biên độ an toàn đòi hỏi nhà đầu tư phải tính toán giá trị nội tại của doanh nghiệp - một quá trình tương đối phức tạp. Cách định giá của Graham dựa nhiều vào phân tích kỹ thuật nhằm cố gắng loại bỏ cảm xúc khi ra quyết định.
Nguyên tắc 5: Lợi dụng biến động
Graham nhận thấy biến động của thị trường là cơ hội mua bán cổ phiếu. Khi thị trường giảm điểm, giá cổ phiếu có thể xuống dưới giá trị thực, tạo điều kiện cho nhà đầu tư giá trị mua gom những cổ phiếu đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và biên độ an toàn.
Khi thị trường lên cơn sốt, giá của nhiều cổ phiếu sẽ tăng vượt quá giá trị thực. Những nhà đầu tư sành sỏi có thể chớp thời cơ đó để chốt lời.
Nguyên tắc 6: Đa dạng hóa để ngăn ngừa tổn thất
Graham tin rằng ngay cả khi đã phân tích kỹ lưỡng và áp dụng biên độ an toàn, nhà đầu tư vẫn sẽ mắc sai lầm. Ông khuyên nhà đầu tư thực hiện đa dạng hóa trong và giữa các loại tài sản để bảo vệ danh mục khỏi sai lầm.
Theo quan điểm của ông, đa dạng hóa kết hợp với phương pháp đầu tư có kỷ luật sẽ đảm bảo rằng theo thời gian, lợi nhuận từ đầu tư sẽ vượt trội hơn thua lỗ.
Giang