Từ sở thích đến đam mê khó cưỡng
Lê Quỳnh Anh (22 tuổi, Đà Nẵng) là fan "cứng" của bộ anime, manga One Piece (Đảo Hải Tặc).Nữ sinh bắt đầu sưu tầm thẻ bài từ một lần tình cờ thấy bạn bè chia sẻ trên mạng xã hội.
Chiếc thẻ bài của nhân vật Luffy khiến Quỳnh Anh thích thú. (Ảnh: NVCC)
“Ban đầu mình chỉ mua vài gói để thử xem sao, mỗi gói chưa đến 100.000 đồng. Nhưng khi mở ra thấy những thẻ bài có nhân vật Luffy và Zoro, mình mê luôn,” Quỳnh Anh kể lại.
Sở thích tưởng chừng nhỏ nhặt này dần trở thành một thói quen. Quỳnh Anh thường xuyên săn lùng các bộ thẻ bài mới tại các cửa hàng ở Đà Nẵng và cả trên các nhóm mua bán online. “Có hôm mình chi hơn 1 triệu chỉ để mua lại một tấm thẻ bài hiếm từ một người bạn ở TP.HCM. Cứ nghĩ chỉ chơi cho vui thôi, nhưng giờ nhìn lại, mình đã tiêu cả triệu đồng trong vòng nửa tháng,” cô nàng chia sẻ.
“Khi thấy bạn bè khoe bộ sưu tập khủng, mình cũng muốn sở hữu những tấm thẻ hiếm để không bị ‘tụt hậu’. Nhưng nếu không tự giới hạn, rất dễ rơi vào trạng thái chi tiêu mất kiểm soát,” Quỳnh Anh nói thêm.
Nguyễn Minh Anh (19 tuổi, Hà Nội), sinh viên năm nhất, chia sẻ rằng việc sưu tầm thẻ bài bắt đầu từ niềm yêu thích các nhân vật trong bộ anime nổi tiếng Demon Slayer (Thanh Gươm Diệt Quỷ). Ban đầu, Minh Anh chỉ mua một vài gói thẻ bài nhỏ lẻ tại các cửa hàng truyện tranh để thử vận may. “Nhưng càng sưu tầm lại càng không dừng được. Mỗi lần mở gói thẻ mà trúng được nhân vật yêu thích, cảm giác thật tuyệt vời,” Minh Anh chia sẻ.
Bộ sưu tập hàng "hiếm" của Minh Anh. (Ảnh: NVCC)
Chỉ sau vài tháng, bộ sưu tập của Minh Anh đã lên tới hàng trăm thẻ bài với tổng giá trị gần 10 triệu đồng. “Có lần, mình chi nguyên cả tháng tiền sinh hoạt để mua một bộ thẻ phiên bản giới hạn. Dù hơi quá tay, nhưng khi cầm trên tay những tấm thẻ đẹp mắt, mình thấy rất mãn nguyện,” cô gái trẻ hào hứng nói.
Trần Gia Huy (21 tuổi, TP.HCM) kể rằng anh chàng từng bỏ ra gần 3 triệu đồng chỉ trong một ngày để mua hàng chục gói thẻ bài từ một cửa hàng chuyên đồ anime. “Lúc đó, mình chỉ nghĩ rằng nếu mua thêm một chút nữa, chắc chắn sẽ có cơ hội sở hữu thẻ SSR (phiên bản siêu hiếm). Nhưng cuối cùng, mình chẳng trúng gì mà chỉ thấy ví tiền rỗng tuếch,” Huy thừa nhận.
Xu hướng này càng bùng nổ khi các cửa hàng liên tục tổ chức sự kiện trao đổi thẻ, tạo cơ hội cho người chơi săn lùng những tấm thẻ độc nhất. Một số bạn trẻ thậm chí còn đi khắp thành phố để tìm kiếm các cửa hàng có chương trình khuyến mãi hoặc cơ hội “trúng lớn”.
Cạm bẫy tài chính từ cảm giác chiến thắng
Theo chuyên gia tâm lý/ khoa học thần kinh, Thạc sĩ Nguyễn Nam Anh, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Đại học California tại Davis, Mỹ, việc “nghiện” sưu tầm thẻ bài có liên quan đến cơ chế dopamine trong não bộ – chất tạo cảm giác hưng phấn mỗi khi đạt được mục tiêu. “Khi bạn mở một gói thẻ bài và trúng được nhân vật yêu thích, não bộ sẽ kích hoạt cảm giác thỏa mãn. Điều này dễ khiến người chơi tiếp tục mua thêm để duy trì cảm giác đó,” ông giải thích.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng cảnh báo về cái gọi là “ảo giác kiểm soát” – hiện tượng người chơi tin rằng mình có thể kiểm soát được kết quả. “Dù việc trúng thẻ bài hiếm phụ thuộc hoàn toàn vào xác suất, nhưng người chơi thường nghĩ rằng chỉ cần thêm một lần nữa, họ sẽ thành công. Tâm lý này dễ dẫn đến việc chi tiêu quá mức,” ông nhận định.
Không thể phủ nhận, sự phát triển của các cộng đồng fan manga, anime nói riêng hay cộng đồng "văn hóa 2D" nói chung trên mạng xã hội như Facebook, TikTok đã góp phần đẩy mạnh cơn sốt thẻ bài tại Việt Nam. Những video “đập hộp” thẻ bài hiếm hay khoe bộ sưu tập tiền triệu liên tục xuất hiện, thu hút hàng trăm nghìn lượt xem.
Những hội nhóm trao đổi hàng hóa anime thu hút hàng trăm nghìn thành viên. (Ảnh chụp màn hình)
Anh Phạm Thanh Tùng, chủ một cửa hàng chuyên bán đồ anime tại Hà Nội, cho biết: “Chúng tôi nhập về các bộ thẻ bài từ Nhật Bản, mỗi bộ thường có giá từ vài trăm nghìn đến hơn 2 triệu đồng. Nhiều bạn trẻ sẵn sàng chi số tiền lớn chỉ để sở hữu các phiên bản hiếm hoặc bộ thẻ bài độc quyền.”
Ngoài ra, các sự kiện offline như buổi đấu giá thẻ bài, trao đổi thẻ cũng trở thành điểm hẹn của những người đam mê, càng khiến trào lưu này thêm sôi động.
Chuyên gia tâm lý nhấn mạnh: “Hãy coi đây là một hình thức giải trí thay vì một 'cuộc đua' để sưu tầm. Nếu bạn cảm thấy mình đang mất kiểm soát, hãy tạm dừng và tìm cách sử dụng thời gian, tiền bạc cho những hoạt động có ý nghĩa hơn, tránh gây áp lực tài chính lên bản thân.”
Hiếu Nguyễn