"Vũ trụ" Nguyễn Nhật Ánh trên màn ảnh
Khi nhắc đến văn học Việt Nam đương đại, người ta chưa bao giờ quên cái tên Nguyễn Nhật Ánh. Từ "hiện tượng lạ", "thầy cãi tuổi mới lớn", "hiệp sĩ của tuổi thơ" đến "nhà văn triệu đô" và trở thành một trong những tác giả thành công nhất với hơn 100 tác phẩm đa thể loại, hàng chục ấn phẩm là "Best Seller" (sách bán chạy), cây bút Quảng Nam luôn thổi vào tác phẩm làn gió tươi mát đầy chất riêng.
Chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, phim "Ngày xưa có một chuyện tình" được kỳ vọng tiếp tục tạo cú hích về chất lượng, doanh thu.
Tác phẩm của ông trở thành "miền đất hứa" được các nhà sản xuất, đạo diễn điện ảnh và truyền hình ưu ái chọn chuyển thể thành phim. Chính sự gần gũi đời thường của những câu chuyện tuổi thơ quen thuộc trong ký ức khán giả mà ở mỗi lần công chiếu, các tác phẩm đều để lại dấu ấn và tiếng vang riêng. Từ trang văn giàu chất liệu văn hóa dân tộc, những bộ phim giàu giá trị, đặc sắc về nội dung và nghệ thuật được khai sinh, góp vào điện ảnh Việt dòng chảy rất riêng mang tên "vũ trụ Nguyễn Nhật Ánh".
Từ "Kính vạn hoa" (2004) của đạo diễn Nguyễn Minh Chung và Đỗ Phú Hải ở Hãng phim Truyền hình TP. Hồ Chí Minh; "Cô gái đến từ hôm qua" (2017) của Phan Gia Nhật Linh; "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" (2015), "Mắt biếc" (2019) của Victor Vũ và gần đây nhất là "Ngày xưa có một chuyện tình" (2024) của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, “vũ trụ điện ảnh” Nguyễn Nhật Ánh vẫn không ngừng đưa khán giả đến những chuyến tàu thân thương của tuổi thơ.
Đó là những bất ngờ, hóm hỉnh làm ta bật cười, những vui buồn lắng đọng khiến ta rưng rức suy tư ở lứa tuổi "nhất quỷ nhì ma" giữa Tiểu Long, Quý Ròm, Hạnh Cận trong "Kính vạn hoa". Là hồi ức hoa niên ngọt ngào đan xen giữa quá khứ và hiện tại trong chuyện tình giữa chàng Thư "thơ thẩn" và Tiểu Ly - Việt An ở "Cô gái đến từ hôm qua". Là ký ức tuổi thơ trong như mảnh trời mùa hạ cùng những tinh cầu khôi khiết của Thiều, Tường, bé Mận, chị Vinh, chú Đàn trong "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh".
Là dáng dấp làng Đo Đo in vào tiềm thức, với những mùa hè ngây ngô, những tình yêu chớm nở, những giày vò da diết, những vụn tro huyễn mộng của Ngạn nơi "đôi mắt có hàng mi dài, lúc nào cũng mở to, hồn nhiên và ngơ ngác" của Hà Lan trong "Mắt biếc". Là cả ký ức tình đầu trắc trở giữa Vinh, Phúc, Miền trong "Ngày xưa có một chuyện tình". Tương tự như các ấn phẩm sách truyện, vũ trụ điện ảnh Nguyễn Nhật Ánh đưa khán giả về ký ức thiếu thời trong những mối tình nhiều trắc trở bằng lối kể giàu chất thơ.
Cú hích phòng vé nhiều cam go
Kỳ vọng được gửi gắm cho bộ phim "Ngày xưa có một chuyện tình" là rất lớn. Song, dự án lại khiến khán giả hụt hẫng vì chưa tạo được sự bùng nổ, bứt phá về doanh thu. Nếu "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" mang về doanh thu gần 80 tỷ đồng vào năm 2015; "Cô gái đến từ hôm qua" vươn lên đạt 70 tỷ đồng doanh thu từ kinh phí 14 tỷ đồng vào năm 2017 ; "Mắt biếc" thu về 180 tỷ đồng năm 2020 (phim chiếu cuối năm 2019), trở thành bộ phim chuyển thể "đại thắng phòng vé" từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh và có doanh thu lớn nhất đến thời điểm hiện tại; thì sau khoảng 2 tuần công chiếu "Ngày xưa có một chuyện tình" đang có tốc độ bán vé khá chậm với doanh thu tăng nhỏ giọt và nhận về nhiều phản ứng trái chiều từ công chúng.
Chuyện tình trắc trở giữa Vinh, Phúc, Miền trong "Ngày xưa có một chuyện tình" đã ra rạp.
Sau khi đẩy lịch chiếu sớm từ ngày 28/10, bộ phim chỉ thu về hơn 10 tỷ đồng trong tuần đầu ra mắt. Tính toàn bộ các suất chiếu sớm từ ngày 25/10, phim đạt doanh thu 31 tỷ đồng (tính đến sáng 8/11) theo số liệu từ Box Office. Để cán mốc doanh thu trăm tỷ, "Ngày xưa có một chuyện tình" cần giữ vững được suất chiếu lớn ở các hệ thống rạp, cùng cú hích lan tỏa, truyền miệng mạnh mẽ hơn như cách "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" hay "Mắt biếc" từng tạo ra.
Chưa kể, cuộc chiến phim tình cảm lãng mạn Việt và phim bom tấn ngoại ngày càng cam go khi trong tháng 11 "Red one: Mật mã đỏ" cũng chính thức ra rạp với sự tham gia của các ngôi sao Hollywood như The Rock, Chris Evans… cùng các phim mới gồm: "Học viện anh hùng: You're next"; "Đôi bạn học yêu", "Ai oán trong vườn xuân" (Spring Garden), "Kẻ đóng thế" (Stuntman),… khiến cơ hội lội ngược dòng hay giữ vững vị trí cho phim Việt càng hạn chế.
Về nội dung, "Ngày xưa có một chuyện tình" mang công thức chung với các tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh trước đó. Từ điểm dừng thời gian ở thập niên 1980-1990, bối cảnh nông thôn thanh bình ở một ngôi làng hoặc thị trấn nhỏ, thời gian tuyến tính, cách xây dựng tình yêu tay ba ở lối kể chuyện đến mô-típ nhân vật nam chính si tình, thơ thẩn, còn nữ chính xinh đẹp lại rung động với nhân vật nam chín chắn, trải đời để rồi vỡ mộng, khổ đau, ở thời lượng 135 phút "Ngày xưa có một chuyện tình" ít có tình tiết bất ngờ khiến người xem có cảm giác mạch phim bị dàn trải, lê thê. Bên cạnh đó, trong phim có hai cảnh nóng không quá táo bạo nhưng vẫn dán nhãn T16 khi ra rạp khiến phim bị giới hạn độ tuổi, phần nào ảnh hưởng đến doanh thu phòng vé.
Bên cạnh điểm cộng về hình ảnh và âm nhạc, có thể thấy phim còn hạn chế về chất lượng nội dung, lối kể. Do đó, dù có chung công thức làm nên hiện tượng phòng vé của "vũ trụ điện ảnh" Nguyễn Nhật Ánh ra rạp trước đó, hành trình "triệu đô" của "Ngày xưa có một chuyện tình" vẫn còn lắm cam go, gập ghềnh.
Thị trường phim chuyển thể "không dễ ăn"
Việc đưa tác phẩm văn học lên màn ảnh là "con dao hai lưỡi" có thể đem lại thành công vang dội nhưng cũng có thể khiến bộ phim bị quay lưng, tẩy chay.
"Không còn tạo được cơn sốt", "khó bứt phá" hay "cú lội ngược dòng lắm cam go" là những ý kiến nhận định về bộ phim mới nhất được chuyển thể từ truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh. Những ký ức tuổi thơ, những vùng đất tươi đẹp, những gương mặt thiếu thời của gia đình, bạn bè hiển hiện trên từng thước phim vẫn là điểm cộng cho nỗ lực của ê-kíp. Thế nhưng "công thức Nguyễn Nhật Ánh" với những "món ăn tinh thần" quá quen thuộc trên màn ảnh có lẽ đã trở thành nguyên nhân sâu xa khiến tác phẩm khó tạo được tiếng vang.
Văn học và điện ảnh là hai thế giới sở hữu ngôn ngữ nghệ thuật hoàn toàn khác nhau. Trong bối cảnh thị trường phim Việt vẫn đang cần thêm những tác phẩm vừa mang giá trị nghệ thuật vừa có sức hút với khán giả đại chúng, doanh thu khiêm tốn của "Ngày xưa có một chuyện tình" là một điều đáng tiếc đối với điện ảnh nước nhà, bỏ lỡ cơ hội tạo nên cú hích mới tại phòng vé.
Thị trường phim chuyển thể là mảnh đất màu mỡ của tính hiệu quả và khả năng sinh lời nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và không hề "dễ ăn". Tuy nhiên, nếu khai thác đúng chỗ, truyền tải đúng tinh thần nguyên tác, đồng thời khéo léo sáng tạo trong cách kể chuyện thì luôn tồn tại những tác phẩm đáng để chờ đợi cho thị trường phim Việt.
Hy vọng "Kính vạn hoa" - tác phẩm chuyển thể từ tập truyện cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh do Võ Thanh Hòa làm đạo diễn, dự kiến ra rạp vào cuối năm 2024 - sẽ tạo nên cơn sốt mới, viết tiếp giấc mơ "triệu đô" của cây bút "trót say đắm tuổi thơ". Bởi những đứa trẻ rồi sẽ lớn lên, nhưng chúng ta luôn cần những "ký ức tuổi thơ" trong trẻo, bình yên…
Phan Thiên Di