Chiều thứ Bảy, , gió giật đã xảy ra ở một số tỉnh thành miền Bắc. Tại , gió mạnh làm gãy đổ cây cối, nhiều đồ đạc ngoài trời bị gió cuốn bay, gây ngập nhiều đường phố. Dông gió đã khiến tàu Vịnh Xanh 58 bị lật trên Vịnh Hạ Long khiến nhiều người thiệt mạng, vô cùng thương tâm.
Tính chất bất ngờ và dữ dội của những cơn dông chính là lý do mà trong các bản tin dự báo thường kèm theo lời nhắc rằng người dân nếu đang ở ngoài trời mà thấy có dông cần tìm chỗ trú ngay, không cố đi tiếp dù chỉ một đoạn ngắn.
"Siêu dông" ở Hà Nội chiều thứ Bảy khiến nhiều cây gãy đổ. Ảnh: TPO.
Việc dự báo dông vốn được biết là rất khó, kể cả đối với các cơ quan khí tượng hiện đại nhất, do tính cục bộ của dông (so với bão, dông được coi là khá nhỏ), cũng như thời gian tồn tại ngắn, phát triển và tan đều nhanh, quá trình hình thành liên quan đến nhiều yếu tố phức tạp và rất thiếu ổn định. Các cơ quan khí tượng thường chỉ có thể dự báo về nguy cơ có dông trên các khu vực chung, và thời điểm dễ xảy ra dông, chứ khó có thể chỉ ra chính xác thời điểm và địa điểm có dông.
Gió mạnh trong cơn dông chiều 19/7 ở Hà Nội khiến nhiều tấm tôn ở các công trình xây dựng bị cuốn bay, rất nguy hiểm. Ảnh: TPO.
Nhưng có một số cách để mỗi người có thể nhận định là sắp có dông hay không, dông có tiến đến gần nơi mình đang ở hay không, dông đã qua hẳn chưa…
Trước khi có dông thường có một số dấu hiệu như:
- Bầu trời tối sầm, thường có sắc màu xám sẫm hoặc ngả xanh lá.
- Trên trời có những đám mây tích: Mây tích (trông như những cục bông gòn) phát triển cao.
- Xuất hiện mây thềm hoặc mây tường (dải mây thấp, trông như nằm ngang và kéo dài, có khi gần giống sóng thần).
- Gió mạnh dần, chớp lóe lên, có tiếng sấm.
Bầu trời thường đột ngột tối sầm khi sắp có dông. Ảnh: TPO.
Gió mạnh lên càng nhanh, sấm chớp càng dồn dập thì đó càng có thể là cơn dông mạnh. Chúng ta có thể tính khoảng cách từ cơn dông đến chỗ mình bằng nguyên tắc 3 giây đơn giản: Hãy đếm số giây từ khi bạn nhìn thấy chớp lóe lên đến khi bạn nghe thấy tiếng sấm, rồi chia cho 3. Đó sẽ là số km (tương đối) từ cơn dông đến chỗ bạn. Nếu bạn lặp lại việc này sau một vài phút, bạn có thể nhận định cơ bản là cơn dông đang tiến đến gần hay đi ra xa chỗ mình.
Nhưng cách xa cơn dông chừng nào thì không phải lo lắng? Nếu bạn nghĩ mình cách cơn dông một vài km là yên tâm thì không đúng. Cơ quan thời tiết quốc gia của Mỹ (NWS) nhấn mạnh, nếu từ lúc thấy có chớp lóe lên đến khi nghe thấy tiếng sấm chỉ là 30 giây hoặc ít hơn (cơn dông cách bạn 10 km hoặc ít hơn) thì có thể coi là cơn dông ở rất gần, cần tìm chỗ trú, không thể chủ quan.
Nếu đang ở bên ngoài, bạn nên tìm nơi trú, tránh ngay khi thấy các dấu hiệu sắp có dông.
Sét trong các cơn dông có thể cực kỳ nguy hiểm. Ảnh minh họa: Today.
Khi trời quang đãng, sáng dần lên, đó là dấu hiệu cho thấy cơn dông đang qua dần. Tuy nhiên, để chắc chắn là cơn dông đã qua thì cần đợi 30 phút kể từ khi nghe thấy tiếng sấm cuối cùng - khi đó mới an toàn để ra ngoài.
Trước và trong khi có bão, dông có thể xảy ra bất chợt, rất khó lường, người dân lưu ý theo dõi cảnh báo của các cơ quan chức năng địa phương, đồng thời nhận định dựa trên các dấu hiệu trong môi trường xung quanh để giữ an toàn, giảm thiểu thiệt hại.