Văn Trang Thụy là hình ảnh phản chiếu của chính người viết: khát khao, đắm say, đàn bà được ngụy trang bởi cái vỏ tưng tửng, quẫy đạp, nhọn gai. Nhân dịp nữ tác giả 8X ra mắt độc giả tập truyện ngắn đầu tay - “Còn một đợt rét chót, đêm nay sẽ về” - phóng viên Chuyên để Văn nghệ Công an có cuộc trò chuyện cùng chị.
Nhà văn Trang Thụy
- Những năm gần đây, viết về miền núi, một số nhà văn thế hệ 7X, 8X đã gặt hái được khá nhiều thành công. Là người đi sau, trình làng tập truyện ngắn đầu tay với hầu hết các truyện ngắn có không gian nghệ thuật là vùng đồng bào dân tộc thiểu số - miền núi, tâm thế của Trang Thụy ra sao khi quyết định cho ra đời tác phẩm này?
+ Viết về đề tài miền núi, thế hệ 7X, 8X có rất nhiều nhà văn tên tuổi, tôi có thể kể một vài cái tên như Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Phú, Tống Ngọc Hân… Tôi là người đi sau, khối lượng tác phẩm chưa nhiều, lý ra chưa nên in sách khi chưa đủ độ chín nhưng anh biết đấy, tuổi trẻ thì không nghĩ được nhiều như thế, ngay cả khi viết truyện còn viết theo cảm xúc và bản năng thì cái việc cho ra đời một tập truyện cũng sẽ không cần phải đắn đo nhiều. Theo tôi, người viết cần làm chủ tác phẩm, nói cách khác số phận của tác phẩm do người viết quyết định. Nếu tác phẩm có giá trị văn chương và sức hút thì chẳng có lý do gì để chúng ta không tự tin cho chúng một hình hài.
- Chưa từng có nhiều trải nghiệm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng chị lại lựa chọn miền núi, vùng văn hóa dân tộc Mông làm vùng đất sáng tạo, liệu chị có tự làm khó mình?
+ Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Tây xứ Nghệ, cụ thể là huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Nơi tôi ở, là một nông trường trồng chè và cam, giáp biên giới Việt - Lào. Từ bé, tóc tôi đã vàng như lông bò vì cái nắng, cái gió táp khô người ở miền biên viễn đó. Tôi thường trốn mẹ đi hái sim, cắt cỏ bạc hà ở trên núi; về sau bị ong đốt và có người đàn bà bị thổ phỉ cưỡng bức nên tôi không dám vào núi nữa.
Năm 15 tuổi, tôi xuống thị trấn Kỳ Anh trọ học, từ đó tôi sống cuộc sống của người phố thị, ít về nhà. Việc lựa chọn miền núi, vùng văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số là nơi đi những đường cày đầu tiên cho sự nghiệp sáng tác của mình, phải thừa nhận là tôi đang làm khó mình. Trước tôi, đã có nhiều tên tuổi lớn, tôi bây giờ chân quê đã bay đi hết, để viết hay trên vùng đất mình đã xa thực sự cần thời gian và sự bứt phá trong nội lực.
- Nhân vật nữ của chị làm tôi liên tưởng đến một số vai “đào lệch” trong các vở chèo. Họ bị ràng níu, bủa vây, thậm chí bị chà đạp thương tổn bởi những định kiến, hủ tục và rất nhiều cái xấu xa khác nữa, nhưng họ luôn quẫy đạp, bứt phá, phản kháng. Phải chăng đó là thông điệp nữ quyền của chị?
+ Phụ nữ là hiện thân của hoa, đá sỏi và nước mắt. Tôi thương phụ nữ như thương chính tôi. Khi viết, tôi chọn bênh vực những người phụ nữ bị số phận trêu đùa, sống buồn như cỏ trước gió đông. Thậm chí, tôi tàn nhẫn với chính khao khát, ước vọng của họ để họ nhận ra nhiều sự thật, những sự thật khiến họ vỡ nát nhưng cũng từ đó mà gạt nước mắt để làm lại, biết bảo vệ và không phung phí tình yêu.
Tôi mượn đàn ông như một sự đả kích để thức tỉnh những người phụ nữ còn mơ hồ về sự tử tế, những lời hứa hẹn và những mộng tưởng về tình yêu.
Thông điệp về nữ quyền của tôi rất rõ ràng, không ai được phép sắp đặt cuộc đời của phụ nữ, phụ nữ không sống nhờ cảm xúc của người khác, bất cứ biến cố nào xảy ra đều có lý do, hãy đối diện và tìm lối thoát cho mình dù "trước mặt là núi, sau lưng là đá".
- Trong tập truyện của chị, tôi khá ấn tượng với một tác phẩm rất ngắn, đó là "Mùa trắng xóa". Tôi thích chất văn đẹp và buồn trong ấy. Theo cảm nhận của tôi, tác phẩm này không hẳn là truyện ngắn, hình như đó là những trang nhật ký nao buồn của chính tác giả. Chị có thể chia sẻ về tác phẩm này?
+ Tôi viết "Mùa trắng xóa" sau khi nhận về những lời chê của nhà văn Như Bình cho truyện ngắn "Ô Mai Gót". Dù lọt vào top 11 tác phẩm hay nhất của cuộc thi truyện ngắn Quán Chiêu Văn (2021), truyện vẫn bị loại vì theo chị đó là truyện "ngôn ngữ không phù hợp, không thuyết phục được chị ấy lúc đó là giám khảo chung kết. Chị ấy có gọi điện và trao đổi với tôi, đề nghị tôi thử đổi giọng văn làm sao cứ thật nhất, đàn bà nhất, da diết nhất như chị phát hiện ra tố chất văn học đó ở tôi”.
Vì muốn được chị Như Bình công nhận, tôi đã thay đổi giọng văn bằng tác phẩm "Mùa trắng xóa". Thật bất ngờ khi truyện đã lấy được nước mắt của chị Như Bình, một độc giả tên Trịnh Hiên ở Thái Nguyên đã nhắn tin về bảo rằng chị đã khóc vì "Mùa trắng xóa"... Theo chủ ý ban đầu, "Mùa trắng xóa" sẽ là một tản văn tầm 1.500 chữ, về sau nhìn lại, tác phẩm lại ra một truyện ngắn vì có thoại, tình tiết, thắt nút và cởi nút... Vì không chủ ý viết truyện ngắn nên tôi không đầu tư khung xương cho "Mùa trắng xóa", người đọc sẽ thấy tác phẩm có cấu trúc đơn giản, số chữ rất ít. Nhà văn Phạm Lưu Vũ đã bật cười, ông để lại một nhận xét rằng: "Chữ hay thật. Chữ dày như bánh đúc, truyện lại mỏng như bánh đa".
Thật khó để ẩn thân khi đã để anh nhận ra, "Mùa trắng xóa" chính là trang nhật ký buồn của tôi. Có người viết văn rồi mới đổ vỡ, còn tôi vỡ vụn rồi mới viết văn. Là người đặt dấu chấm hết cho mối tình của mình, nhưng chỉ khi viện tới sự cứu rỗi của văn chương tôi mới nguôi ngoai được. Tôi nhận ra bản chất của tình yêu, mối liên kết giữa đàn ông và đàn bà, từ đó tôi trả lời nhiều câu hỏi, tìm lối thoát cho nhân vật; nếu đọc và để ý, bạn đọc sẽ nhận ra.
Bìa tập truyện ngắn đầu tay của Trang Thụy.
- Nhiều năm gắn bó với Hà Nội, một trung tâm văn hóa, văn học lớn nhất của cả nước, môi trường ấy đã cho chị điều gì trong hành trình sáng tạo? Và khi rời xa nó đến một vùng đất mới, chị sẽ bắt đầu lại cuộc sống và việc viết như thế nào?
+ Tôi đã sống ở Hà Nội 12 năm, đã từng rất muốn từ bỏ Hà Nội, nhưng rồi, bẵng đi nhiều năm khi nỗi buồn đã vơi cạn, tôi yêu Hà Nội lúc nào không hay.
Hà Nội có mùa đông, có ổ gà, có ngõ nhỏ, có cây bàng lá đỏ, có quán cóc, có gầm cầu thang tối om, có những tiếng động tiếng đời... Hà Nội trong tôi đơn giản, tự nhiên lắm, không cầu kỳ, không hoa mĩ; có lẽ vì thế nên một con bé "tồ tẹt" như tôi mới thấy thoải mái mà viết, mà đi “ăn chực”, uống rượu "chực".
Hà Nội biết tôi buồn, nên cho tôi nhiều thứ lắm; những người anh, người chị, người em lần lượt xuất hiện và ở lại với tôi cho tới bây giờ. Tôi mất đi một ô cửa, Hà Nội lại trả cho tôi một con đường. Tôi đã gặp họa sĩ Vũ Trọng Anh ở trên con phố Thiền Quang vào mùa lá rụng; chúng tôi nói về mùa thu Hà Nội và chuyện của hai người xa lạ, họ muốn hết lang thang… Tôi quyết định rời Hà Nội, vào Hội An định cư.
Chồng tôi là người Hà Nội, chúng tôi không gặp cản trở về việc chia sẻ và hòa hợp khi ở vùng đất mới. Khi tôi bí ý tưởng, họa sĩ Vũ Trọng Anh sẽ đưa tôi đi thực địa tại nơi lấy bối cảnh cho câu chuyện, đồng thời anh ấy cũng lấy tư liệu để vẽ tranh. Việc đi lại và kết nối trong giai đoạn chuyển đổi số như hiện nay khá thuận tiện; dù ở địa lý nào, cũng không ảnh hưởng nhiều tới năng lượng sáng tác của tôi. Ở vùng đất mới, có những phát hiện mới, tôi sẽ có cơ hội để làm mới tác phẩm của mình. Nói mới như thế nào bây giờ sẽ là quá sớm, tôi muốn để một loạt tác phẩm sắp tới của tôi trả lời.
- Cảm ơn chị! Chúc chị gặt hái thêm nhiều thành công!
Quang Minh (thực hiện)