Nhận diện 6 hành vi thao túng thị trường chứng khoán

Nhận diện 6 hành vi thao túng thị trường chứng khoán
2 giờ trướcBài gốc
Chiều 29/11, Quốc hội đã biểu quyết và thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật: Chứng khoán; Kế toán; Kiểm toán độc lập; Ngân sách Nhà nước; Quản lý, sử dụng tài sản công; Quản lý thuế; Thuế thu nhập cá nhân; Dự trữ quốc gia; Xử lý vi phạm hành chính.
Quốc hội thông qua dự án luật, chiều 29/11. Ảnh: Như Ý
Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, Luật về chứng khoán quy định cụ thể 6 hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Trong đó có hành vi sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo.
Việc đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự cũng được xem là hành vi thao túng.
Ngoài ra, luật cũng quy định hành vi thao túng khi liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm thao túng giá chứng khoán; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán…
Lần sửa đổi này cũng bổ sung quy định, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức, cá nhân nước ngoài. Luật cũng chính thức cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cá nhân được mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với điều kiện nhất định.
Đối với chào bán trái phiếu ra công chúng, luật không bổ sung quy định về điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng phải có tài sản bảo đảm hoặc được bảo lãnh của ngân hàng.
Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát các văn bản quy định về xếp hạng tín nhiệm để bảo đảm quy định của Luật được thực thi hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần có giải pháp nâng cao chất lượng của tổ chức xếp hạng tín nhiệm, đẩy mạnh việc áp dụng xếp hạng tín nhiệm để bảo đảm tính công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành.
Gỡ vướng cho đấu thầu thuốc
Chiều 29/11, Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Các nội dung được sửa đổi, bổ sung lần này đều là những vấn đề thực sự cần thiết, cấp bách, có khả năng triển khai thực hiện ngay để giải quyết các khó khăn, vướng mắc hiện nay.
Liên quan đến cơ chế hợp đồng BT (sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PPP), dự thảo luật chỉ quy định các nguyên tắc cơ bản về cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư đối với 3 hình thức, gồm: thanh toán bằng quỹ đất, thanh toán bằng ngân sách nhà nước và không yêu cầu thanh toán.
Đồng thời, luật cũng bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết cơ chế hợp đồng BT đối với các hình thức thanh toán trên.
Để tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đấu thầu trong lĩnh vực y tế, bảo đảm nguồn cung về thuốc, thiết bị y tế, Luật Đấu thầu đã được chỉnh lý theo hướng: “Đối với việc mua thuốc, thiết bị y tế để bán lẻ tại nhà thuốc trong khuôn viên của cơ sở y tế công lập, mua vắc xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ thì cơ sở y tế được tự quyết định mua sắm trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình”.
Đối với Luật Quản lý thuế, lần sửa đổi này đã bổ sung quy định số tiền nợ thuế và thời gian nợ sẽ bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Ngưỡng nợ thuế sẽ do Chính phủ quy định.
Trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế đối với số tiền thuế nợ và thời gian nợ theo ngưỡng do Chính phủ quy định thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh.
Cơ quan quản lý thuế thông báo trước cho người nộp thuế về việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.
Luân Dũng
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/nhan-dien-6-hanh-vi-thao-tung-thi-truong-chung-khoan-post1696000.tpo