Nhiệm kỳ nhiều sóng gió

Nhiệm kỳ nhiều sóng gió
6 giờ trướcBài gốc
Nhiệm kỳ này không chỉ là dịp để Đan Mạch khẳng định vai trò lãnh đạo mà còn là phép thử về khả năng thúc đẩy đoàn kết và gắn kết nội bộ trong thời điểm khó khăn chồng chất.
EU đang thực hiện nhiều kế hoạch nhằm tăng cường khả năng độc lập về quốc phòng. Ảnh: EEAS
Kỳ vọng của Copenhagen
Với khẩu hiệu "Một châu Âu vững mạnh trong thế giới đang biến động”, Đan Mạch đặt ra 3 ưu tiên chiến lược: Củng cố an ninh, đẩy mạnh chuyển đổi xanh và nâng cao sức cạnh tranh nội khối.
Một trong những kỳ vọng trọng tâm dành cho chức Chủ tịch Liên minh châu Âu của Đan Mạch là duy trì sự tập trung của châu Âu vào lĩnh vực an ninh - quốc phòng trong bối cảnh các mối đe dọa mới không ngừng gia tăng. Trước thực tế xung đột liên tiếp bùng phát ở nhiều khu vực, EU buộc phải điều chỉnh chiến lược theo hướng ngày càng tự chủ và độc lập hơn. Trong thời gian tới, các tham vọng quốc phòng của EU bao gồm: Hoàn tất đàm phán Chương trình công nghiệp quốc phòng châu Âu (EDIP), triển khai kế hoạch tái vũ trang ReArm Europe và bảo đảm tiến độ thực hiện Sách Trắng về năng lực sẵn sàng quốc phòng.
Trong nhiệm kỳ 6 tháng, Đan Mạch - với truyền thống ngoại giao thực dụng và quan hệ bền chặt với các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - được kỳ vọng sẽ đóng vai trò trung gian trong những cuộc tranh luận gay gắt về tăng ngân sách quốc phòng, hỗ trợ phối hợp EU - NATO, thúc đẩy mua sắm chung và đầu tư chiến lược. Đan Mạch cũng có thể dẫn dắt các sáng kiến củng cố nền tảng công nghệ, công nghiệp quốc phòng châu Âu trong các lĩnh vực then chốt như an ninh mạng và an ninh năng lượng. Nói cách khác, nhiệm kỳ Chủ tịch của Đan Mạch không chỉ ứng phó với khủng hoảng mà còn định hình năng lực của EU trong việc thực hiện các cam kết an ninh tập thể và trở thành một “viên gạch” vững chắc trong “bức tường” châu Âu.
Đan Mạch cũng sẽ ưu tiên duy trì khả năng cạnh tranh của châu Âu trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu biến động nhanh chóng, thông qua việc củng cố thị trường lao động. Vai trò của đối thoại xã hội được nhấn mạnh khi tân Chủ tịch EU tìm cách thúc đẩy hợp tác giữa chính phủ các nước và các đối tác xã hội.
Chuyển đổi xanh được xem là nền tảng cho khả năng phục hồi kinh tế và bảo đảm an ninh lâu dài của EU. Việc cân bằng giữa tham vọng khí hậu với tăng trưởng kinh tế và gắn kết xã hội là thách thức không nhỏ, nhưng mang tính sống còn. Đan Mạch dự kiến thúc đẩy các hồ sơ lập pháp giúp châu Âu tiến gần hơn các mục tiêu trung hòa khí hậu, đưa chỉ số phát thải carbon về 0 vào năm 2050, đồng thời đảm bảo rằng, chuyển đổi xanh mang lại những lợi ích hữu hình cho cả người dân, cộng đồng và doanh nghiệp.
Là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Đan Mạch kỳ vọng để lại dấu ấn trong việc định hình chính sách khí hậu của EU. Copenhagen đã đề xuất sáng kiến “Liên minh Năng lượng sạch EU”, tập trung phát triển điện gió, pin hydro và lưới điện xuyên biên giới - nhằm đồng thời bảo vệ môi trường và bảo đảm an ninh năng lượng. Bên cạnh đó, Đan Mạch cũng thúc đẩy việc tăng cường các cơ chế tài chính xanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng sạch, từ giao thông công cộng đến nhà ở tiết kiệm năng lượng. Với thành tích nổi bật trong đổi mới năng lượng và phát triển bền vững, Đan Mạch có thể trở thành hình mẫu cho thấy sức mạnh kinh tế và trách nhiệm môi trường hoàn toàn có thể song hành.
Những thách thức khó vượt qua
Cuộc xung đột Nga - Ukraine tiếp tục gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đối với EU, đặc biệt là khủng hoảng năng lượng và lạm phát. Đan Mạch, với tư cách là Chủ tịch luân phiên, phải thúc đẩy sự đoàn kết giữa các nước thành viên để đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời duy trì các biện pháp trừng phạt Nga. Tuy nhiên, sự khác biệt trong cách tiếp cận giữa các quốc gia có thể khoét sâu chia rẽ trong nội khối. Hiện Hungary và Slovakia vẫn duy trì quan điểm không thông qua gói trừng phạt thứ 18 nhằm vào Mátxcơva, đồng thời yêu cầu EU phải có chính sách bảo đảm về năng lượng nếu cắt đứt hoàn toàn việc sử dụng khí đốt từ Nga. Sự phản đối của Hungary và Slovakia với việc kết nạp Ukraine vào EU cũng là một thách thức đối với Đan Mạch trong nhiệm kỳ này.
Vấn đề di cư tiếp tục là bài toán nan giải đối với EU khi làn sóng người tị nạn từ Ukraine, Trung Đông và Bắc Phi đang gây áp lực lên hệ thống an sinh xã hội của nhiều nước thành viên. Đan Mạch vốn có chính sách nhập cư khắt khe, nhưng trong vai trò Chủ tịch, nước này cần tìm cách cân bằng giữa kiểm soát biên giới và nghĩa vụ nhân đạo. Cải cách chính sách tị nạn chung của EU sẽ là một trong những trọng tâm của Copenhagen, nhưng sự bất đồng giữa các nước Bắc Âu, Đông Âu và Nam Âu có thể làm phức tạp thêm vấn đề.
Trong nhiệm kỳ 6 tháng, Đan Mạch cũng phải khởi động đàm phán về ngân sách giai đoạn 2028 - 2034 của EU, trong đó vấn đề gây chia rẽ lớn trong nội bộ nhiều năm qua là việc xây dựng cơ chế thường xuyên về vay nợ chung. Quỹ ngân sách 7 năm tới của Ủy ban châu Âu (EC) được coi là một trong những “hồ sơ” nhạy cảm nhất. Ngân sách 1,2 nghìn tỷ euro chi phối nhiều lĩnh vực, từ các khoản thanh toán cho nông dân đến viện trợ nước ngoài, thường là chủ đề của các cuộc đàm phán căng thẳng giữa các bộ phận của EC, các quốc gia thành viên và Nghị viện châu Âu. Nhiều nhận định cho rằng, sẽ không có đột phá nào trong 6 tháng tới. Giống như nhiều cuộc đàm phán trước đây, các nước Bắc Âu theo đường lối cứng rắn như Thụy Điển và Hà Lan muốn có ngân sách nhỏ hơn, trong khi các nước phía Nam lại muốn có ngân sách lớn hơn. Các nước vùng Baltic ủng hộ tăng chi tiêu quốc phòng, Pháp quan tâm đến trợ cấp nông nghiệp và Ba Lan rất coi trọng các khoản thanh toán khu vực…
Ngoài ra, EU còn đối mặt với những chia rẽ truyền thống về trách nhiệm tài khóa - vốn đang được định hình lại trước loạt yêu cầu mới như tăng chi tiêu quốc phòng, chuyển đổi xanh, đảm bảo an ninh năng lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh số. Đức vẫn kiên quyết phản đối bất kỳ cơ chế vay nợ chung lâu dài nào - một dấu hiệu cho thấy những cuộc tranh luận quen thuộc về việc chia sẻ nợ và đoàn kết tài khóa sẽ lại nổi lên.
Sự khác biệt về lợi ích quốc gia và quan điểm chính trị có thể dẫn đến căng thẳng, bất đồng trong quá trình đưa ra quyết định, đồng thời ảnh hưởng đến mức độ gắn kết nội khối. Bởi vậy, 6 tháng tới được xem như một phép thử về cách châu Âu thích ứng với môi trường quốc tế có nhiều thay đổi. Trong vai trò chủ tịch, Đan Mạch được đặt vào vị trí trung tâm hoạch định chính sách và phải tìm được biện pháp củng cố sự thống nhất của châu Âu, tăng cường năng lực hành động tập thể để chứng minh rằng, EU không chỉ có khả năng đối phó mà còn có thể phát huy sức mạnh từ các cuộc khủng hoảng.
Quỳnh Dương
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/nhiem-ky-nhieu-song-gio-709688.html