Nhiều ngân hàng được chấp thuận tăng vốn điều lệ

Nhiều ngân hàng được chấp thuận tăng vốn điều lệ
3 giờ trướcBài gốc
Tăng mạnh vốn điều lệ
Cụ thể, Ngân hàng ACB vừa được Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận việc tăng vốn điều lệ thêm tối đa gần 6.700 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức theo phương án đã được đại hội cổ đông ngân hàng thông qua.
Theo đó, ACB sẽ phát hành thêm tối đa gần 670 triệu cổ phần mới để trả cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 15% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu tại ngày chốt quyền sẽ được nhận 15 cổ phiếu mới). Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là gần 6.700 tỷ đồng. Sau phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 44.667 tỷ đồng lên tối đa 51.367 tỷ đồng. Thời gian dự kiến hoàn thành kế hoạch phát hành tăng vốn điều lệ là quý III/2025.
ACB cho biết, việc tăng vốn điều lệ là hết sức cần thiết nhằm thêm nguồn vốn trung dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ; đồng thời có thêm nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất, các dự án chiến lược của ngân hàng. Tính đến hết tháng 3/2025, vốn điều lệ ACB đang ở mức 44.667 tỷ đồng, đứng thứ 6 trên bảng xếp hạng quy mô vốn điều lệ toàn ngành.
Tương tự, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho VIB tăng vốn thêm gần 4.300 tỷ đồng. Phương án phát hành trên đã được ĐHĐCĐ và HĐQT của VIB thông qua trước đó. Theo kế hoạch, VIB dự kiến phát hành gần 417,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 14%, đưa vốn điều lệ tăng thêm gần 4.171 tỷ đồng. Cùng với đó, VIB cũng phát hành 7,8 triệu cổ phiếu thưởng cho CBNV, tương ứng tỷ lệ 0,26%, giúp vốn điều lệ tăng thêm 78 tỷ đồng.
VIB cho biết, cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu không bị hạn chế chuyển nhượng, trong khi cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Tổng cộng, sau khi hoàn thành hai cấu phần trên, vốn điều lệ của VIB sẽ tăng từ hơn 29.791 tỷ đồng lên hơn 34.040 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng vốn là 14,26%.
Vốn điều lệ đóng vai trò quan trọng như một “bộ đệm”, đem lại nguồn lực cần thiết cho các ngân hàng trong bối cảnh hiện nay.
Ngân hàng Nhà nước cũng vừa chấp thuận tăng vốn cho NCB tăng vốn điều lệ thêm 7.500 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của NCB thông qua vào cuối tháng 3/2025 vừa qua và được Hội đồng quản trị NCB triển khai theo quy định.
Cụ thể, NCB sẽ phát hành 750 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá chào bán không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu, nhằm tăng vốn điều lệ thêm tối đa 7.500 tỷ đồng. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của NCB sẽ tăng từ 11.780 tỷ đồng hiện tại lên 19.280 tỷ đồng.
Theo kế hoạch của NCB, toàn bộ số tiền khoảng 7.500 tỷ đồng thu được từ việc chào bán sẽ được sử dụng để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động cấp tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp, cá nhân phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng, cung ứng vốn cho nền kinh tế theo đúng mục tiêu mà Chính phủ đặt ra.
Trước đó, ngày 26/11/2024, NCB đã hoàn tất phát hành 617,8 triệu cổ phiếu riêng lẻ nâng vốn điều lệ lên 11.780 tỷ đồng, bổ sung mạnh mẽ nguồn lực cho những đột phá trong chuyển đổi số, đầu tư cơ sở vật chất và hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Hiện tại, ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất toàn hệ thống hiện nay là VPBank, với vốn điều lệ đạt 79.339 tỷ đồng, không thay đổi so với cuối năm 2023. Đứng thứ 2 là Techcombank với có vốn điều lệ đạt 70.450 tỷ đồng, tăng 100% so với cuối năm 2023.
Ở vị trí thứ 3 và thứ 4 lần lượt là BIDV và Vietcombank, với vốn điều lệ lần lượt đạt 57.004 tỷ đồng và 55.891 tỷ đồng, đều không biến động so với cuối năm 2023. VietinBank giữ vị trí thứ 5, với vốn điều lệ đạt 53.700 tỷ đồng. Như vậy, sau khi kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng trên được hoàn tất thì thứ hạng về vốn giữa các ngân hàng sẽ thay đổi và VietinBank sẽ là ngân hàng có vốn cao nhất.
Vấn đề tất yếu
Có thể thấy, việc trả cổ tức bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt giúp các ngân hàng tích lũy vốn tự có, cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR) và tăng khả năng mở rộng tín dụng. Ngoài đảm bảo quy định về tỷ lệ an toàn vốn, tăng vốn điều lệ là yếu tố tiên quyết, giúp ngân hàng gia tăng nguồn vốn trung, dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung-dài hạn đang dần bị siết lại theo lộ trình tại Thông tư số 08/2020/TT-NHNN ngày 14/08/2020 của NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, nhu cầu tăng vốn điều lệ của các ngân hàng xuất phát từ việc gia tăng tỷ lệ dự phòng rủi ro, gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn, đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ... và đặc biệt là cải thiện hệ CAR. Dự báo năm 2025 sẽ tiếp tục là năm đầy thách thức cho ngành ngân hàng khi rủi ro nợ xấu sẽ có xu hướng gia tăng.
Vốn điều lệ vì thế đóng vai trò quan trọng như một “bộ đệm”, đem lại nguồn lực cần thiết cho các ngân hàng đối phó với những thách thức và biến động trong môi trường kinh tế không ổn định; tạo điều kiện thuận lợi hơn để tiếp tục hỗ trợ vốn cho khách hàng doanh nghiệ và, cá nhân.
Đặc biệt mới đây, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo Thông tư Quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo quy định hiện hành của Luật Các tổ chức tín dụng (Điều 138), tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8% hoặc cao hơn theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ. Luật cũng nêu rõ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ bảo đảm an toàn quy định đối với từng loại hình tổ chức tín dụng. Dự thảo thông tư được xây dựng theo hướng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu lên mức 10,5% (bắt đầu nâng dần từ năm 2030 và đạt mức 10,5% vào năm 2033), trong đó đảm bảo vốn cấp 1 tối thiểu 6%, vốn lõi cấp 1 là 4,5%.
Tổng vốn cấp 1 và vốn cấp 2 là 8%, vốn đệm bảo toàn vốn là 2,5%. Theo đó, Dự thảo quy định giao quyền cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng thời kỳ trong trường hợp cần thiết và chưa đưa ra yêu cầu cụ thể đối với tỷ lệ đệm vốn phản chu kỳ. Tỷ lệ này nhằm ngăn ngừa sự suy giảm của nền kinh tế. Đồng thời, tỷ lệ này cũng linh hoạt trong từng thời kỳ do Ngân hàng Nhà nước quyết định với mức dao động trong khoảng 0-2,5%, tăng lên trong thời điểm thị trường tăng trưởng nóng và giảm khi thị trường hoạt động trong điều kiện ổn định.
Trường hợp, các ngân hàng thương mại không đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% sẽ không được chia cổ tức tiền mặt. Như vậy, ngoài đảm bảo quy định về tỷ lệ an toàn vốn, tăng vốn điều lệ là yếu tố tiên quyết, giúp ngân hàng gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung- dài hạn đang co dần.
Thùy Vinh
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/nhieu-ngan-hang-duoc-chap-thuan-tang-von-dieu-le-d283172.html