Nhiều nỗi lo khi mang thai sau tuổi 35

Nhiều nỗi lo khi mang thai sau tuổi 35
7 giờ trướcBài gốc
Theo kết quả điều tra biến động dân số, xu hướng kết hôn tại Việt Nam với độ tuổi trung bình tăng rõ rệt, thậm chí có những địa phương nam giới gần 30 tuổi mới lập gia đình. Đặc biệt, ngại sinh thêm con cũng là một xu hướng hiện nay mặc dù nhiều gia đình người mẹ đã lớn tuổi. Nguyên nhân một phần do kết hôn muộn kéo theo việc sinh con muộn. Bên cạnh đó, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế đã lớn tuổi vẫn chưa muốn sinh thêm con. Ngoài ra, nhiều cặp vợ chồng chủ quan, không sử dụng biện pháp tránh thai dẫn đến sinh con ngoài ý muốn, phải đi phá thai.
Nguy cơ sinh con dị tật ở tuổi tứ tuần hiện nay do xu hướng kết hôn và sinh con muộn ngày càng phổ biến, nhiều phụ nữ 34-35 tuổi mới có con đầu lòng. Mẹ càng lớn tuổi càng làm tăng nguy cơ con bị dị tật bẩm sinh, chậm phát triển về hệ thần kinh, hệ vận động. Việc mang thai con đầu lòng ở độ tuổi ngoài 35, phụ nữ nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, tiền sản giật, tiểu đường cao hơn. Thai nhi thường rơi vào tình trạng nguy hiểm hơn so những bà mẹ khác như nguy cơ mang thai ngoài tử cung, sảy thai, thai chết lưu, phải sinh mổ…
Từ những nguy cơ này, bác sĩ khuyến cáo phụ nữ nên sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh để phát hiện các rối loạn di truyền cũng như các bệnh lý cho cả mẹ và bé. Với phụ nữ từ 35 tuổi, khi đã lập gia đình nếu không thể mang thai sau 6 tháng thì cần đi khám chuyên khoa hỗ trợ sinh sản để được tư vấn sớm nhất; không nên tiếp tục chờ đợi thêm vì tuổi càng lớn, khả năng sinh sản càng giảm.
Chi cục Dân số tổ chức tập huấn cho cộng tác viên các xã thuộc huyện Hòn Đất về nội dung công tác dân số - phát triển hiện nay.
Các bác sĩ sản khoa cũng khuyến cáo phụ nữ nên khám sức khỏe sinh sản định kỳ; nếu mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường hoặc cao huyết áp, cần được bác sĩ điều trị và tư vấn kỹ để kiểm soát tốt các tình trạng này khi mang thai.
Đối với nam giới, dù khả năng sinh sản sẽ kéo dài hơn so với nữ giới nhưng tinh trùng ở nam giới lớn tuổi thường có nhiều bất thường về gen hơn ở nam giới trẻ tuổi và khả năng thụ thai cho trứng cũng sẽ giảm đáng kể. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo nam giới hãy lựa chọn có con khi còn trẻ, tốt nhất là trước tuổi 40.
Việc sinh con khuyết tật có thể do bố mẹ lớn tuổi, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng khuyết tật bẩm sinh ở trẻ là độ tuổi của bố mẹ. Mẹ ngoài 35 tuổi, bố trên 45 tuổi có nguy cơ cao sinh con khuyết tật. Ở độ tuổi 40, khoảng 75% số noãn bị bất thường về nhiễm sắc thể, điều này làm giảm cơ hội mang thai và tăng nguy cơ sảy thai. Tỷ lệ sảy thai, biến chứng thai sản cũng như nguy cơ mang thai ngoài tử cung đều tăng lên sau tuổi 30, nhất là sau tuổi 35.
Các bác sĩ cảnh báo nhiều phụ nữ lớn tuổi không biết mình có thai dẫn đến không thăm khám và điều trị kịp thời, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Đối với những sản phụ lớn tuổi khi mang thai (từ 35 tuổi trở nên) thì nguy cơ em bé gặp phải những bất thường sẽ cao, việc trì hoãn dự định có con có thể làm giảm cơ hội mang thai. Cụ thể, thai nhi có thể mắc một số khiếm khuyết theo hướng lệch bội nhiễm sắc thể như hội chứng Down. Đây là hội chứng dễ gặp nhất và có liên quan đến tuổi mẹ, đặc biệt khi đã lớn tuổi.
Đối với trường hợp phụ nữ trên 35 tuổi đã có thai, sản phụ sẽ phải tuân theo quy trình khám thai kỹ lưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ. Điều này nhằm phát hiện được những bất thường của thai nhi ở giai đoạn sớm để có thể tầm soát, tính được biến cố của thai kỳ. Các bác sĩ có thể dựa vào các yếu tố như bệnh lý nền, các thông số đo được khi khám thai để kịp thời có phương án điều trị.
Cộng tác viên dân số trên địa bàn huyện Hòn Đất tham dự lớp tập huấn nội dung công tác dân số - phát triển hiện nay.
Loại khuyết tật phổ biến nhất ở trẻ là vận động và ngôn ngữ. Trong đó, nguyên nhân chính của tình trạng khuyết tật ở trẻ là khuyết tật bẩm sinh (chiếm khoảng 55 - 65%), còn lại là bệnh tật. Nguyên nhân khuyết tật trước sinh bao gồm bệnh của mẹ khi mang thai (vi rút, bệnh giáp trạng, ngộ độc thai, đái tháo đường, chấn thương...). Mẹ trên 35 tuổi và bố trên 45 tuổi khi sinh con cũng là nguyên nhân gây khuyết tật ở trẻ.
Ngoài ra, mẹ phơi nhiễm môi trường độc hại khi mang thai như các kim loại nặng, chất độc dùng trong nông nghiệp và thực phẩm; các loại thuốc; các chất kích thích như rượu, ma túy; dinh dưỡng bà mẹ; nhiễm trùng. Bất thường nhiễm sắc thể, gene, chất liệu di truyền thai nhi cũng là nguyên nhân gây khuyết tật trước sinh ở trẻ.
Đối với phụ nữ lớn tuổi (trên 35 tuổi) khi mang thai nguy cơ thai nhi mắc phải dị tật bẩm sinh sẽ cao hơn. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy không chỉ riêng phụ nữ mà nam giới (trên 45 tuổi) cũng góp phần gia tăng nguy cơ thai nhi bị dị tật bẩm sinh.
Lứa tuổi trung bình sinh con tốt nhất của phụ nữ là 25 tuổi, do đó việc mang thai dưới 30 tuổi là thời điểm thích hợp nhất. Trường hợp sau 35 tuổi khi đã có thai thì sản phụ cũng không nên quá lo lắng, cần bình tĩnh đi khám sớm để bác sĩ tư vấn và chẩn đoán tiền sản, nên đến các cơ sở y tế uy tín, đã được cấp phép rõ ràng để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Dù sinh con ở độ tuổi nào thì việc thăm khám sức khỏe sinh sản và thực hiện việc tiêm chủng, bổ sung các loại vitamin tổng hợp vẫn là việc làm vô cùng cần thiết. Để chuẩn bị một thai kỳ khỏe mạnh, cả vợ và chồng nên kiểm tra sức khỏe sinh sản từ 3-5 tháng trước khi mang thai.
Bài và ảnh: THANH DŨNG
Nguồn Kiên Giang : https://baokiengiang.vn/chuyen-de/nhieu-noi-lo-khi-mang-thai-sau-tuoi-35-23261.html