Dự án Grand Sunlake ở Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội là cái tên đang được người dân quan tâm với loại hình cho thuê căn hộ trong thời gian 50 năm.
Được biết, Grand Sunlake là tên thương mại của dự án Trung tâm thương mại - văn phòng - chung cư cao tầng Hasco. Dự án này có diện tích hơn 21.311m2, gồm 2 tòa chung cư cao 45-50 tầng; 2 tòa văn phòng 8-16 tầng; nhà biệt thự 3 tầng; bãi đỗ xe, hạ tầng kỹ thuật, giao thông (8.612,4m2).
Dự án đang xây dựng tới tầng 40, chưa cất nóc nhưng thông tin từ các môi giới, dự án này có số lượng hơn 527 căn hộ cho thuê trong thời gian 50 năm, với giá khoảng 41 triệu đồng/m2.
Được biết, mức giá cho thuê này thấp hơn rất nhiều so với mức giá bán chuyển nhượng căn hộ, khoảng 65 triệu đồng/m2.
Cận cảnh lối vào Dự án Trung tâm thương mại - văn phòng - chung cư cao tầng Hasco (Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: Khánh Dương
Mặc dù loại hình cho thuê căn hộ này không mới, bởi loại hình này đã và đang được chào ở một số dự án nhà ở khác trên địa bàn Hà Nội như An Bình Plaza (Bắc Từ Liêm), Rose Town (Ngọc Hồi), MHDI Nam Từ Liêm hay Phương Đông Green Hoàng Mai...
Tuy nhiên, luật sư và chuyên gia bất động sản cho rằng, người dân cần cân nhắc thật kỹ trước khi "xuống tiền" bởi nhiều quyền lợi bị hạn chế.
Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hòa (Hà Nội), cho biết, Luật Nhà ở 2023 (Điều 58) quy định về thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế nhà chung cư theo kết luận kiểm định của cơ quan có thẩm quyền.
Luật Nhà ở 2023 cũng quy định nhà chung cư phải được kiểm định, đánh giá chất lượng. Các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm phối hợp với cơ quan trong việc thực hiện kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư…
Sau khi nhận được báo cáo kết quả kiểm định, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh phải xem xét, ban hành kết luận kiểm định chất lượng nhà chung cư. Kết luận kiểm định phải nêu rõ các nội dung kiểm định theo quy định của pháp luật về xây dựng và phải xác định nhà chung cư kiểm định chưa phải phá dỡ hoặc phải phá dỡ theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Nhà ở 2023.
Luật sư Tùng nói thêm, điểm khác biệt lớn nhất giữa căn hộ cho thuê 50 năm và căn hộ sở hữu lâu dài chính là quyền lợi của người dân sau khi hết hạn đất được giao.
"Khi dự án hết thời hạn, chung cư cũ, hỏng không đạt đúng chuẩn theo quy định an toàn, Nhà nước sẽ được yêu cầu xây mới hoàn toàn để tái định cư tại chỗ hoặc tái định cư ở nơi khác cho cư dân sở hữu căn hộ ở lâu dài. Trong khi đó, các căn hộ sở hữu 50 năm hết niên hạn sử dụng, người mua sẽ không được hưởng lợi ích, đền bù giải tỏa. Do đó, người mua nhà cần tìm hiểu kỹ trước khi xuống tiền, tránh tình trạng tưởng mua nhà mà hóa trả tiền thuê dài hạn", ông Tùng khuyến cáo.
Cũng theo Luật sư Hoàng Tùng, căn hộ cho thuê cũng hạn chế khá nhiều về quyền lợi như không được đăng ký thường trú, đăng ký cho con cái học đúng tuyến tại địa phương có dự án như căn hộ ở lâu dài, người mua căn hộ cho thuê chỉ có thể lưu trú dài ngày…
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó chủ tịch CLB BĐS Hà Nội cho rằng, căn hộ chung cư có thời hạn sở hữu lợi thế về giá, giá bán thấp hơn so với căn hộ lâu dài. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng sẽ khó khăn hơn vì thời gian rút ngắn dần. Khi có việc cần đến vốn, mang căn hộ này đi thế chấp vay ngân hàng cũng được số tiền thấp hơn so với căn hộ lâu dài.
Diễn biến giá đất nền tại Thanh Oai, Hà Nội những tháng cuối năm 2024