Trung bình giá chung cư mới ở Hà Nội đã vượt 90 triệu đồng/m2, trong khi giá chung cư cũ cũng trên 60 triệu đồng/m2. Ảnh: Việt Hà.
Gần đây, ông Nguyễn Quốc Cường, Tổng giám đốc CTCP Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG), chia sẻ góc nhìn: "Với một người lương 20-30 triệu một tháng, để mua được một ngôi nhà với giá 5-7 tỷ là điều không tưởng. Các bạn trẻ có tiết kiệm thế nào cũng không thể mua nổi một căn nhà...".
Chia sẻ của ông Cường phản ánh bài toán khó giải của người trẻ hiện nay, là làm thế nào để sở hữu một căn hộ ở đô thị khi tích góp cả năm mới đủ mua 1 m2 chung cư.
Nhịn ăn, nhịn mặc cũng không mua nổi nhà
Anh Tuấn Khôi (29 tuổi) làm việc tại một ngân hàng lớn ở Hà Nội, thu nhập trung bình khoảng 30 triệu đồng/tháng. Sau khi trả tiền thuê nhà, chi phí ăn uống cùng các chi tiêu khác, anh Khôi dư khoảng 10 triệu đồng/tháng, tức mỗi năm anh dành dụm được 120 triệu đồng nếu không phát sinh các khoản chi đột xuất như hỗ trợ gia đình, người thân hoặc thăm khám sức khỏe bất thường.
Anh Khôi tính toán kể cả khi thu nhập từ công việc hiện tại tăng lên, anh vẫn khó chạm đến giấc mơ sở hữu một căn chung cư 60 m2, giá 3-4 tỷ đồng ở Hà Nội.
"Để không áp lực, tôi xác định thuê nhà lâu dài. Việc mua nhà sẽ chỉ tính đến khi có một khoản tiền bất ngờ rơi trúng đầu hoặc bố mẹ bán đất ở quê rồi hỗ trợ", anh Khôi chia sẻ.
Anh Khôi không phải trường hợp cá biệt. Giá nhà leo thang không ngừng trong 3 năm qua đã thách thức khả năng chi trả của đại bộ phận người lao động. Báo cáo mới nhất của Savills cho thấy mỗi m2 căn hộ mở bán mới trong quý II tại Hà Nội đã đạt mức trung bình 91 triệu đồng/m2. Mức giá này dự kiến không giảm, ít nhất trong năm nay bởi phần lớn dự án sẵn sàng ra hàng trong nửa năm còn lại đều có giá dự kiến trên 90 triệu đồng/m2.
Người dân ngày càng khó tiếp cận nhà ở tại các đô thị lớn. Ảnh: Việt Hà.
Với các căn hộ cũ, mức giá trung bình hiện nay cũng đã vượt 60 triệu đồng/m2. Ông Lê Đình Chung - Tổng giám đốc SGO Homes, thành viên Tổ công tác thị trường Hội Môi giới bất động sản - cũng cho rằng mức giá bình quân của căn hộ cũ 2 phòng ngủ tại Hà Nội hiện nay dao động 4-5 tỷ đồng. Trong khi đó, thu nhập bình quân của một gia đình 2 người đi làm tại Hà Nội chỉ khoảng 200-250 triệu đồng/năm. Vấn đề còn nằm ở chỗ giá nhà, đất tăng khiến giá thuê nhà cùng các chi phí sinh hoạt tăng theo. Do đó, tiền tiết kiệm của người dân lại càng giảm.
"Với mức thu nhập bình quân và giá chung cư tại Hà Nội như hiện tại, tôi cho rằng nếu chỉ đi làm văn phòng, cơ hội sở hữu được nhà gần như không có. Nếu có thể mua thì cũng phải tiết kiệm trong vài chục năm", ông nói.
Dữ liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho biết trong nửa đầu năm nay, thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị tại Việt Nam là 10 triệu đồng/tháng, tương đương 120 triệu đồng/năm. Như vậy, kể cả trong trường hợp nhịn ăn, nhịn mặc, mỗi năm người lao động phổ thông chỉ mua được hơn 1 m2 chung cư.
Còn theo ông Hà Quang Hưng - Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), mức tăng thu nhập của người dân chưa theo kịp đà tăng của giá nhà ở, dẫn đến khả năng sở hữu nhà ở thực tế của đa số người trẻ hạn chế. Do đó, để mua được một căn nhà trung bình với diện tích 70 m2, giá bán 3-4 tỷ đồng tại các đô thị lớn, người trẻ phải cần tới 20-25 năm thu nhập.
Gần chục nghìn căn hộ Hà Nội được giao dịch trong 6 tháng, ai mua?
Đáng chú ý, dù giá bán tăng phi mã, lượng giao dịch căn hộ tại Hà Nội vẫn ở mức cao. Số liệu mới công bố của CBRE cho biết nửa đầu năm, thị trường đã tiêu thụ 9.130 căn hộ mới, trong khi giỏ hàng của các chủ đầu tư được bổ sung hơn 10.760 căn. Điều này cho thấy nhu cầu thị trường vẫn ở mức cao.
Ông Hà Quang Hưng cho biết nhu cầu sở hữu nhà của người trẻ đang ở mức cao chưa từng có, cả về số lượng lẫn tỷ trọng trong cơ cấu người mua nhà. Ông dẫn các khảo sát cho thấy người trẻ 22-40 tuổi đang trở thành nhóm khách hàng chủ lực trên thị trường nhà ở, thay thế dần nhóm trung niên.
Người mua nhà hiện nay phần lớn là nhà đầu tư. Ảnh: Thế Bằng.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản, cho rằng dù có nhu cầu cao, khả năng tiếp cận nhà ở của người trẻ rất thấp. Đối tượng mua nhà hiện nay, theo ông, chỉ một nhóm nhỏ là người mua nhà lần đầu và mua với nhu cầu ở thực. Còn phần lớn là các nhà đầu tư, có người mua với mục đích lướt sóng ngắn hạn, có người mua nhằm giữ tài sản trong bối cảnh các kênh đầu tư khác biến động mạnh.
Một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng OneHousing cho biết năm ngoái, căn hộ chung cư đã trở thành loại hình đầu tư với tỷ suất lợi nhuận cao hàng đầu thị trường, trung bình trên 30%. Ngoài việc tự gia tăng giá trị, chung cư còn tạo ra dòng tiền ổn định thông qua việc cho thuê.
"Tâm lý đầu tư chung cư cũng được cho là lý do khiến mặt bằng giá ngày một tăng. Khi loại hình căn hộ còn được xem là tiêu sản, giá chung cư chỉ đi ngang hoặc giảm. Ngược lại, khi trở thành một kênh đầu tư, giá bán chỉ tăng và hầu như không giảm", ông Nguyễn Văn Đính cho biết.
Từ đó, ông Đính cùng Hội Môi giới đã nhiều lần kiến nghị giải pháp đánh thuế với bất động sản thứ hai trở lên hoặc đánh thuế dựa trên thời gian nắm giữ bất động sản. Phương án này được kỳ vọng làm giảm nhu cầu đầu tư, đầu cơ trên thị trường, qua đó hạ nhiệt giá nhà. Chính sách này cũng đang được các bộ, ngành nghiên cứu.
Ngoài ra, ông Đính cũng cho rằng đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ sẽ là giải pháp cho thị trường đang mất cân đối hiện nay. Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng kỳ vọng việc phát triển các tuyến giao thông kết nối lõi Thủ đô với các vùng ven sẽ thúc đẩy bất động sản ven đô, mở rộng quỹ đất, gia tăng nguồn cung nhà ở với giá hợp lý, từ đó giải quyết một phần nhu cầu nhà ở của người dân đô thị.
Thủy Tiên