Nhìn lại 30 năm bang giao Việt – Mỹ

Nhìn lại 30 năm bang giao Việt – Mỹ
5 giờ trướcBài gốc
Trong nhiều năm qua, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam - đối tác thương mại lớn thứ 8 của nước này. Riêng trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ đạt 119,5 tỉ đô la Mỹ, chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Và cũng không quên nhắc đến hàng năm có mấy chục ngàn sinh viên du học bên xứ cờ hoa.
Hành trình bang giao
Đại sứ Mỹ Marc E. Knapper gửi thông điệp ngày 11-7-2025 nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Mỹ và Việt Nam: “Chỉ trong ba thập niên, hai nước chúng ta đã chuyển mình từ việc hàn gắn vết thương chiến tranh và trở thành đối tác đáng tin cậy, cùng hợp tác trên nhiều lĩnh vực như thương mại, giáo dục, y tế, năng lượng và an ninh”.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ảnh: T.L
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cũng cho rằng, Việt - Mỹ đã trải qua “hành trình đáng nhớ” trong 30 năm qua, từ cựu thù thành đối tác chiến lược toàn diện. “Hôm nay chúng ta ghi nhận cột mốc quan trọng này và tái khẳng định cam kết cùng nhau thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng, an ninh vì khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, ông viết trong thông điệp đăng trên mạng xã hội ngày 12-7.
Phát biểu với truyền thông, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng cũng chia sẻ, ba thập niên kể từ khi chính thức nối lại quan hệ ngoại giao, câu chuyện Việt Nam - Mỹ đã trở thành một minh chứng giàu sức thuyết phục về khả năng hàn gắn, vượt qua quá khứ và kiến tạo tương lai chung dựa trên bốn giá trị cốt lõi: đồng cảm, khát vọng hòa bình, lòng can đảm và cam kết lợi ích chung. Hành trình chuyển mình từ cựu thù thành đối tác chiến lược toàn diện không chỉ định hình lại vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế mà còn gửi đi thông điệp quan trọng rằng sự thiện chí cùng tầm nhìn dài hạn có thể biến những khoảng cách lịch sử thành chiếc cầu hợp tác bền vững.
Chuyện hậu trường: Đó là sự cố gắng vượt bậc
Khi còn công tác tại Washington DC, làm cho Ngân hàng Thế giới (WB) ở phố 18 cách Nhà Trắng vài bước chân, tôi chứng kiến nhiều chuyến thăm của lãnh đạo VIệt Nam và nhiều sự kiện ngoại giao quan trọng.
Nhớ ngày 10-2-2014, trong phòng điều trần SD 106 tầng 1 của tòa nhà Dirksen dành cho thượng nghị sĩ làm việc trong khu đồi Capitol, sứ quán Việt Nam cũng tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm quan hệ thương mại Việt - Mỹ.
Hôm đó có các vị khách vai vế trong Thượng viện như Patrick Leahy, John McCain, John Kerry, nhắc đến tên thì dân ta nghe quen. Hai ông John này đã không mệt mỏi hàn gắn vết thương chiến tranh cùng với nhiều vị đại sứ Mỹ tại Việt Nam.
Thượng nghị sĩ John McCain phát biểu rất vui, hóm hỉnh, kể vài kỷ niệm về những chuyến đi Việt Nam cùng với John Kerry, gặp bao nhiêu đời Tổng Bí thư, Thủ tướng của Việt Nam, rồi trong 10 năm từ năm 1984-1994 vận động hành lang giới lãnh đạo Mỹ bỏ cấm vận.
Dịp kỷ niệm 30 năm, thượng nghị sĩ John McCain đã mất, John Kerry làm công việc khác. Thế hệ người Mỹ hiểu Việt Nam không còn nhiều.
Ngoại giao Mỹ tại xứ ta
Rất thú vị, trong lịch sử bang giao Mỹ - Việt, đã có tới 18 Đại sứ Mỹ tại Việt Nam. Vị Đại sứ đầu tiên là ông Donald R. Heath, nhiệm kỳ tháng 10-1950 đến 10-1952 tại Sài Gòn. Vị Đại sứ hiện thời là ông Marc E. Knapper nhậm chức từ năm 2022 đến nay tại Hà Nội. Do “lịch sử” để lại nên cả hai thành phố/thủ đô này đều có tòa đại sứ Mỹ.
Trong 18 vị Đại sứ trên, tất cả đều là những nhà ngoại giao chuyên nghiệp (Foreign Service Officers - FSOs), duy có ông Pete Peterson từng là phi công trong chiến tranh Việt Nam. Ông đến Hà Nội vào tháng 7-1995 với sứ mệnh hàn gắn mối quan hệ Mỹ - Việt. Nhiệm kỳ của ông Pete Peterson được đánh dấu bằng chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Bill Clinton đến Hà Nội vào năm 2000, mở ra một thời kỳ mới cho hai nước đến hôm nay.
Để có hàng trăm tỉ đô la hàng hóa giao thương, giao lưu văn hóa, trao đổi giáo dục giữa hai nước thì ngoại giao đóng vai trò quan trọng. 20 năm chiến tranh, 20 năm ngờ vực và 30 năm mới kết trái.
Kỷ niệm cá nhân
Ngày 3-2-1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố xóa lệnh cấm vận (embargo) của Mỹ đối với Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ hai nước.
Hôm đó, tôi đang công tác ở TPHCM, trong văn phòng chi nhánh của UNHCR (Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn). Sếp người Mỹ, ông Christopher Carpenter, đi công tác cùng, vui vẻ bắt tay các đồng nghiệp Việt rất chặt và chúc mừng. Ông Carpenter nói, đó là một tín hiệu tốt lành mà người Mỹ như ông đã chờ đợi khá lâu. Ông quay sang tôi bảo, rồi anh xem, Việt Nam sẽ thay đổi rất nhanh, một ngày nào đó anh sẽ sang Mỹ du lịch, có khi kiếm được việc bên đó không chừng.
Tôi chỉ nghĩ ông nói đùa và động viên cho vui. Là anh IT chuyên sửa máy tính cho văn phòng, tôi chẳng quan tâm lắm đến lệnh cấm vận, nhưng sẽ vui, nếu ngày nào đó được đặt chân đến nước Mỹ xa xôi.
Thế mà tôi đến Mỹ thật. Chỉ vài tháng sau khi phòng lãnh sự Mỹ tại Hà Nội mở cửa, tôi nhận việc ở văn phòng WB ở Hà Nội và tháng 9-1995 có visa đi Mỹ - đi Washington DC hơn một tháng. Sau 12 tiếng bay từ Hồng Kông đến Los Angeles, tới sân bay, cô biên phòng da màu hỏi độp một câu: “Anh đến Mỹ làm gì?”. Tôi cứ ú ớ mãi.
Tôi học hệ điều hành mạng Banyan (cây đa) khoảng một tuần, tuần sau đó học hệ thống điện thoại Norstar Key. Ở Los Angeles hai tuần nên tôi khá quen thành phố, thích đi bộ. Từ khách sạn tới chỗ học có xe đưa đón nhưng chiều 5 giờ mà mặt trời vẫn sáng, tôi chọn đi bộ. Ở sa mạc trông thì gần nhưng đi hơn một tiếng mới về tới khách sạn Embassy Suite đối với tay trẻ trâu kiêm IT thì đẹp như cung điện.
Những người Mỹ tôi gặp đều thân thiện và dễ gần, họ chỉ bảo tận tình, từ trong lớp học tới hỏi đường. Dù ở sa mạc nhưng nhà cửa rất đẹp, có cây xanh, hồ nước, công viên, không khí trong lành. Nghĩ bụng, cái bả của chủ nghĩa tư bản là đây chăng?
Có lần ăn trong khách sạn, tôi thích gà nên gọi món gà quay. Cô chạy bàn hỏi, anh thích whole chicken or half (một con gà hay nửa con). Ăn thế nào nổi một con gà Mỹ, tôi bảo tôi thích một phần tư thôi, cái đùi ý.
Cô ấy lắc đầu. Đành chọn nửa con. 15 phút sau cô bưng một đĩa to như đĩa hoa quả ngày Tết bên ta, giữa là một nửa con gà to đùng và một đống khoai tây chiên, ít salad. Đang đói mà nhìn toát mồ hôi. Đánh vật nửa tiếng hết mỗi cái đùi và cố cái phao câu, còn lại lắc đầu. Cô chạy bàn vẻ băn khoăn, ông ăn không ngon? Ngon ạ, chỉ là nhiều quá. Ông mang về nhé! Lần đầu tiên mình biết là nước Mỹ ăn thừa có thể gói mang về và phục vụ thì tuyệt vời như mình là thượng đế.
Ba tuần sau thì tôi về Washington DC, ở khách sạn Concordia cho gần WB. Vào tổng hành dinh mới biết toàn dân quốc tế làm việc. Nhà Trắng cách đó đúng một phố, bên cạnh là IMF, IFC, toàn các ông lắm tiền. Khi hiểu cách WB hoạt động và cơ chế cho vay thì mình biết ý định của họ cũng tốt. Việt Nam được cơ chế IBRD không lấy lãi vì lúc đó 90% dân nghèo, không vay sao phát triển.
Cuối tuần các đồng nghiệp tổ chức cho đi thăm Nhà Trắng, Lầu Năm Góc, Kho bạc và đồi Capitol. Vào Nhà Trắng được giới thiệu xem phòng bầu dục, vườn hồng chi đó, đại loại như một cái villa to hơn villa 53 Trần Phú (Hà Nội) một chút.
Kể từ ngày ấy tới nay đã 30 năm lần đầu tới Mỹ, bốn cuốn hộ chiếu đã thay chứa đầy các trang visa vào Mỹ và chi chít con dấu biên phòng. Đến cửa khẩu vẫn câu hỏi ấy: “Anh đến Mỹ làm gì?”.
Tháng 5-2025 tôi lại đi Mỹ khi đã nghỉ hưu được chục năm. Khi phỏng vấn visa và tại cửa biên phòng bị hỏi sang đây làm gì thì tôi khéo hơn, dạ sang dự lễ tốt nghiệp đại học của con út ạ. Oh, chúc mừng ông và Welcome to USA.
Hiệu Minh
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/nhin-lai-30-nam-bang-giao-viet-my/