Nhớ quá, một thời thơ dại

Nhớ quá, một thời thơ dại
7 giờ trướcBài gốc
Dưới trăng. Tranh: Họa sĩ Thành Chương.
Tuổi thơ tôi trôi qua ở một miền quê nghèo vùng Bắc Bộ, những năm tháng mà người ta còn quen gọi là "thời bao cấp hậu chiến". Mọi thứ đều thiếu thốn, từ cái ăn, cái mặc đến những trò giải trí. Nhưng lũ trẻ chúng tôi không thiếu niềm vui. Niềm vui đến từ những thứ tưởng chừng bé mọn, đơn sơ mà mãi mãi chẳng thể quên.
Mỗi khi trời đổ mưa, đám trẻ con trong làng như được giải phóng khỏi mọi khuôn phép. Chúng tôi chẳng cần ai cho phép, cũng chẳng ngại bị mắng. Chỉ cần mưa rơi là ùa ra sân. Chúng tôi chạy quanh, hò reo, giẫm lên những vũng nước. Ai đó ghé đầu vào mái tranh, nghịch nước từ đầu mái nhỏ xuống thành dòng. Có đứa ngửa cổ uống lấy nước trời, mát lành và ngọt lịm - cái ngọt của tự do, của những ngày không âu lo.
Nhà tôi ở gần một cái ao nhỏ. Mưa xuống, những con cá rô bé xíu theo dòng mưa tràn lên bờ, nhảy loi choi trên nền đất đỏ. Chúng tôi rủ nhau lấy cái rổ, cái chậu hay thậm chí là đôi tay trần mà đuổi bắt. Có hôm, lũ trẻ quây lại hò hét, reo cười vì tóm được một chú ếch xanh to tướng hay con cua đồng cố thủ trong vũng nước nhỏ. Những “chiến lợi phẩm” ấy thường chẳng sống lâu, nhưng chúng là niềm vui nguyên vẹn của cả một buổi chiều mưa.
Tuổi thơ tôi không có điện thoại, không tivi màu, chỉ có những trò chơi tự nghĩ ra. Trưa hè oi ả, người lớn nằm trên võng, trên phản gỗ, chiếu trải dưới đất, còn đám trẻ con thì chẳng chịu yên. Chúng tôi trốn nhà, lén bước ra khỏi cổng như những kẻ đang đi tìm kho báu. Ra đến bờ ao, ngồi dưới bụi tre râm mát, tay cầm cần câu bằng cành tre non, đầu cần là sợi cước cũ nối với chiếc lưỡi câu mòn sét. Có khi cả buổi chẳng câu được con cá nào, nhưng buổi trưa ấy vẫn là một cuộc phiêu lưu kỳ thú.
Thi thoảng, gai tre đâm phải, cào xước lưng, rớm máu, nhưng chẳng ai kêu đau. Có đứa lén hái quả nhãn, quả ổi rồi chia nhau. Có lần bị bác chủ vườn đuổi, cả bọn chạy bán sống bán chết, vừa thở hổn hển vừa cười đến đau bụng. Vết xước, bùn đất, thậm chí cả nỗi sợ - tất cả đều là thứ gia vị làm nên một tuổi thơ mặn mòi, nhớ mãi không nguôi.
Cũng vẫn là những trưa hè ấy, khi ruộng đồng trống vắng, chúng tôi lang thang ra cánh đồng sau làng, nơi mấy chú trâu đang nằm nghỉ giữa đồng, lim dim mắt mặc cho ruồi trâu bu quanh. Bọn trẻ nghịch dại, rón rén lại gần, dùng cành cỏ khều nhẹ đuôi trâu, có đứa bạo gan hơn thì hét lên một tiếng làm trâu giật mình. Có con chỉ nhướng mắt, có con bật dậy đuổi lũ nhóc chạy tan tác. Đuôi trâu ve vẩy, đuổi ruồi không kịp, còn lũ trẻ thì hò reo như thể vừa chiến thắng một cuộc đua lớn.
Chiều xuống, mây giăng giăng ngang trời, ánh nắng cuối ngày rớt lại bên triền đê. Những cơn mưa rào cuối chiều để lại cầu vồng phía cuối chân trời. Khi ấy, đám trẻ đứng lặng nhìn, mắt long lanh như nhìn thấy cửa thần tiên. Có đứa khẽ hỏi: “Cầu vồng có dẫn đến kho báu không?” Đứa khác thì thắc mắc: “Sao mình đi mãi chẳng đến chỗ cầu vồng?” Còn tôi, đứng im lặng, tự hỏi: Nếu đi hết chiếc cầu vồng ấy, liệu có gặp lại được tuổi thơ?
Và những đêm hè trăng sáng, trên sân đình, sân kho hợp tác xã, hay khoảng đất trống đầu làng trở thành sân khấu của tuổi thơ. Ánh trăng vằng vặc rọi xuống, vàng óng như mật. Chúng tôi chơi đuổi bắt, rồng rắn lên mây, bịt mắt bắt dê… Tiếng cười vang rộn một góc trời quê. Đứa nào đứa nấy mồ hôi nhễ nhại, tóc rối, chân tay lấm lem mà vẫn cứ cười, vẫn cứ chạy, như thể niềm vui không bao giờ cạn. Có đứa vấp ngã, trầy xước chân tay nhưng chẳng để ý. Chỉ đến khi về nhà, mẹ quát rửa chân rồi đi ngủ, mới giật mình thấy chân rớm máu, đau rát. Mà vẫn chẳng khóc. Bởi vì hôm sau, lại hẹn nhau dưới trăng, lại tiếp tục cuộc chơi chưa dứt.
Tuổi thơ - hai tiếng đơn sơ mà thẳm sâu biết mấy. Nó là những ngày vô lo, những giấc mơ không cần lý do, là mùi khói rơm, là tiếng gà gáy, là bát cơm chan nước rau muống luộc. Tuổi thơ vùng đất thần tiên mà người ta, một khi đã bước ra, sẽ chẳng bao giờ có thể quay lại. Đó là con đường một chiều, chỉ còn có thể trở về bằng trí nhớ, bằng ký ức - đôi khi qua một giấc mơ, đôi khi qua tiếng mưa trưa tháng 7 như hôm nay.
Và tôi lại nhớ. Nhớ đến nao lòng. Nhớ lắm, một thời thơ dại…
Thùy Liên
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/nho-qua-mot-thoi-tho-dai-10310727.html