Nguyễn Ngọc Nhứt (cầm mic) và các thành viên nhóm bên bộ khớp đa năng tự chế tạo. Ảnh: Hà An.
Ý tưởng từ thực tế
Bộ khớp đa năng do Nguyễn Vũ Viết Tân, Văn Hoàng Nguyên (Trường Đại học Văn Lang), La Thị Như Muội (Trường Đại học Fulbright) và Nguyễn Ngọc Nhứt (Trường Đại học Công nghệ TPHCM) chế tạo đã giành giải nhất cuộc thi Sáng tạo sản phẩm công nghệ dành cho người khuyết tật, do Thành đoàn TPHCM tổ chức cuối năm 2024.
Ý tưởng chế tạo sản phẩm xuất phát từ chính hoàn cảnh của một thành viên trong nhóm: Nguyễn Ngọc Nhứt là người khuyết tật. Năm học lớp 10, Nhứt gặp tai nạn lao động và mất đi nửa cánh tay.
Từng tìm hiểu và sử dụng một số loại tay giả, Nhứt nhận thấy các sản phẩm ngoại nhập thường có giá thành cao, thiết kế chưa phù hợp và gây khó khăn trong quá trình sử dụng. Xuất phát từ thực tế đó, Nhứt cùng các bạn đã cùng nhau chế tạo bộ khớp tay hỗ trợ sinh hoạt cho người khuyết tật, với chi phí sản xuất chỉ khoảng 470.000 đồng mỗi bộ, giá thương mại vào khoảng trên dưới 1 triệu đồng.
Nguyễn Ngọc Nhứt thử nghiệm tháo lắp bộ khớp đa năng. Video: Hà An.
Bộ khớp chủ yếu được làm bằng nhôm, nhẹ và có thể điều chỉnh kích thước phù hợp với cánh tay của nhiều người. Sản phẩm được thiết kế theo kiểu lắp ghép, gồm hai bộ phận chính: phần kết nối trực tiếp vào đoạn cụt của tay và bộ phận khớp.
Tùy vào nhu cầu sử dụng, người dùng có thể lắp bộ phận khớp phù hợp với các chức năng như cầm thìa để ăn uống, cầm dao để thái thức ăn, cầm các vật hình trụ như ly, cốc, micro hoặc gõ bàn phím...
Theo nhóm nghiên cứu, thiết kế của bộ khớp có hai phần dạng tháo lắp với cơ cấu đơn giản, giúp người dùng dễ dàng thao tác. Khi sử dụng, các bộ phận vẫn đảm bảo độ chắc chắn nhất định, tạo thuận lợi trong sinh hoạt hằng ngày.
La Thị Như Muội đánh giá, bộ khớp đa năng giúp người khuyết tật chủ động hơn trong sinh hoạt cá nhân, nâng cao chất lượng cuộc sống, xóa bỏ mặc cảm và mở ra cơ hội việc làm cho họ.
Tiềm năng ứng dụng
Nhóm đã tiến hành thử nghiệm bộ khớp đa năng với khoảng 20 người bị khuyết tật cánh tay. Đa số người dùng đều có thể sử dụng thành thạo và thực hiện các công việc sinh hoạt đơn giản như ăn uống, vệ sinh cá nhân, cầm nắm đồ vật…
Một số người tham gia thử nghiệm bày tỏ mong muốn nhóm phát triển thêm các thiết kế bộ khớp với nhiều công dụng hơn. Sắp tới, nhóm dự kiến ứng dụng các thiết bị điện tử để hỗ trợ người dùng trong thao tác lắp ráp và sử dụng các chức năng của bộ khớp một cách thuận tiện hơn.
Nguyễn Vũ Viết Tân, sinh viên ngành Thiết kế công nghiệp Trường Đại học Văn Lang, cho biết: ban đầu bộ khớp được làm hoàn toàn bằng nhựa với kích thước khá cồng kềnh.
Do phần cụt cánh tay ở mỗi người có kích thước khác nhau nên việc đeo bộ khớp không vừa vặn, ảnh hưởng đến khả năng sử dụng. Nhóm đã tiến hành thảo luận, lược bỏ các chi tiết không cần thiết và phát triển cơ chế “một chạm”.
Với thiết kế mới, người dùng chỉ cần thao tác một lần khi tháo lắp các khớp chức năng phục vụ cho các mục đích sinh hoạt khác nhau. Vật liệu làm bộ khớp cũng được cải tiến, thay đổi từ nhựa sang các chất liệu như nhôm, cao su, nhựa polymer—vừa nhẹ, vừa mềm mại, tạo cảm giác thoải mái khi sử dụng.
Riêng phần khớp gắn với cánh tay, do có độ rộng khác nhau tùy người, nhóm lựa chọn vật liệu nhôm để dễ dàng điều chỉnh kích thước, đảm bảo ôm sát phần cụt tay.
Cuối năm 2024, nhóm “Cánh Cụt” gồm những người khuyết tật tay do Nguyễn Ngọc Nhứt sáng lập đã tổ chức một buổi sinh hoạt tại Vĩnh Long.
Tại đây, Nhứt mang theo 6 bộ khớp đa năng để bạn bè là người khuyết tật tay dùng thử. Các thành viên đeo bộ khớp vào phần cụt cánh tay một cách vừa vặn, tạo cảm giác thoải mái nhưng vẫn chắc chắn để có thể tự múc thức ăn. “Bữa ăn sáng mì gói hôm đó rộn rã tiếng cười vì ai cũng cảm thấy hân hoan khi có thể tự ăn uống mà không cần người hỗ trợ”, Nhứt nhớ lại.
Bộ khớp có các chi tiết có thể tháo lắp. Ảnh: Hà An.
Theo bà Hồ Thị Mộng Thu, Phó Giám đốc Quỹ Tâm Nguyện Việt, đây là một sản phẩm thiết thực và ý nghĩa, giúp người yếu thế có thể tự sinh hoạt mà không cần đến sự trợ giúp của người khác.
Tuy nhiên, do sản phẩm được lắp trực tiếp trên tay và có tần suất sử dụng cao, nên bộ khớp cần được chế tạo từ những vật liệu mang lại cảm giác thoải mái, không gây đau mỏi trong quá trình sử dụng.
“Nhóm cần nghiên cứu thêm các tính năng khác cho bộ khớp, chẳng hạn như chức năng hỗ trợ lấy đồ vật trên cao, nhằm đa dạng hóa công dụng. Chúng tôi sẽ hỗ trợ nhóm kết nối, ứng dụng sản phẩm cho bệnh nhân tại một trại phong, giúp họ có thể tự ăn cơm”, bà Thu chia sẻ.