Nhu cầu tín dụng tăng tốc trong nửa cuối năm, ngân hàng nào sẽ hưởng lợi?

Nhu cầu tín dụng tăng tốc trong nửa cuối năm, ngân hàng nào sẽ hưởng lợi?
một ngày trướcBài gốc
Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán Vietcombank, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục được duy trì ở mức thấp trong nửa cuối năm nay theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các khách hàng chịu thiệt hại bởi bão Số 3 (Yagi).
Đồng thời, áp lực cạnh tranh lãi suất cho vay đang dần tăng “nhiệt” giữa ngân hàng tư nhân, đặc biệt là tại các ngân hàng quy mô nhỏ, nhằm thúc đẩy tín dụng và thu hút khách hàng có chất lượng tốt.
Mặt bằng lãi suất thấp được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu tín dụng tăng tốc rõ rệt trong nửa cuối năm nay, giúp tăng trưởng tín dụng cả năm nay sẽ đạt 14%.
Đối với vấn đề lợi nhuận, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 10% trong năm nay nhưng có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng do sự khác biệt về cơ cấu huy động vốn, tệp khách hàng, hoạt động xử lý nợ xấu…
Chứng khoán Vietcombank cũng nhận định với việc định giá P/B toàn ngành ngân hàng hiện thấp hơn khoảng 9% so với mức trung bình 5 năm do đó triển vọng nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng đang ở mức phù hợp thị trường, đặc biệt là các cổ phiếu MBB của Ngân hàng Quân đội, cổ phiếu MSB của Ngân hàng MSB, cổ phiếu TPB của Ngân hàng TPBank, và cổ phiếu VIB của Ngân hàng VIB.
Ngân hàng Quân đội: Tăng trưởng tín dụng năm nay có thể lên tới 25%
Tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Quân đội trong năm nay có thể lên tới 25%.
Đối với cổ phiếu MBB, Chứng khoán Vietcombank dự báo tốc độ tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Quân đội trong năm nay có thể đạt mức cao nhất ngành, lên tới 25% và tiếp tục được ưu tiên tăng trưởng tín dụng nhanh hơn so với bình quân ngành khoảng 1,5 – 2 lần trong các năm tới nhờ việc nhận chuyển giao ngân hàng Oceanbank.
Trong nửa cuối năm nay, biên lãi ròng (NIM) của Ngân hàng Quân đội dự kiến sẽ tăng nhẹ khi chi phí vốn duy trì mức thấp, đồng thời với việc tỷ suất sinh lời cải thiện khi các khách hàng quay lại trả nợ và Ngân hàng Quân đội đẩy mạnh tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Quân đội dự kiến giữ vững vị thế tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đầu ngành, có thể đạt khoảng 40% vào cuối năm nay nhờ số lượng khách hàng cá nhân tăng nhanh và lãi suất tiền gửi có kỳ hạn ở mức thấp, tiếp tục góp phần duy trì lợi thế về chi phí vốn cho Ngân hàng Quân đội.
Ngân hàng MSB: Lợi thế từ tỷ lệ CASA cao và nâng room tín dụng
Ngân hàng MSB có thể tiếp tục được nâng hạn mức tín dụng trong quý 4/2024.
Đối với cổ phiếu MSB, Chứng khoán Vietcombank cho biết Ngân hàng MSB đã được nâng room tín dụng lên 16% trong quý 3/2024 và dự kiến có thể tiếp tục được nâng hạn mức với tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt trên 20% cho năm 2024, với động lực đến từ 2 phân khúc chiến lược là bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).
Cũng theo Chứng khoán Vietcombank, nhờ tận dụng hệ sinh thái Rox Group, Ngân hàng MSB thu hút được lượng tiền gửi không kỳ hạn lớn và đều đặn từ khách hàng doanh nghiệp. Tỷ lệ CASA của ngân hàng này đạt 28,2%, mức cao thứ 4 toàn ngành và dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng khi khi lãi suất tiền gửi có kỳ hạn duy trì thấp.
Qua đó NIM của Ngân hàng MSB dự kiến sẽ duy trì ở mức 4%. Ngoải ra, ngân hàng này có thể ghi nhận thu nhập bất thường từ việc thu hồi các khoản nợ đã xử lý với dự kiến tổng lượng thu hồi khoảng 1.700 tỷ đồng cho cả năm 2024. Trong quý 2/2024, Ngân hàng MSB đã thu về 2 khoản thu bất thường có giá trị hơn 800 tỷ đồng từ nợ đã được xử lý.
Ngân hàng TPBank: Động lực đến từ cho vay phân khúc cá nhân, khách hàng trẻ
Chiến lược tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân trẻ đang đem lại nhiều tiềm năng cho Ngân hàng TPBank.
Đối với cổ phiếu TPB, Chứng khoán Vietcombank nhận định tăng trưởng tín dụng trong cả năm nay của Ngân hàng TPBank sẽ phục hồi khả quan, ước đạt 16%.
Đặc biệt, tỷ trọng cho vay phân khúc cá nhân, nhất là nhóm khách hàng trẻ, của Ngân hàng TPBank ở mức cao. Đây là phân khúc có biên lợi nhuận cao và có nhiều tiềm năng phát triển các mảng bán chéo. Đồng thời, khả năng trả nợ cũng như cầu tín dụng của phân khúc này dự báo sẽ cải thiện đáng kể trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi.
Ngoài ra, chiến lược tập trung vào khách hàng trẻ giúp Ngân hàng TPBankk thuận lợi hơn trong việc nâng tỷ lệ CASA, kết hợp với cơ cấu huy động vốn linh hoạt, giúp giảm bớt sức ép lên NIM.
Ngân hàng VIB: Tăng trưởng thu nhập từ thu hồi nợ xấu
Tăng trưởng tín dụng tại các mảng kinh doanh cốt lõi của Ngân hàng VIB được kỳ vọng sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay.
Đối với cổ phiếu VIB, kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay của Ngân hàng VIB kém khả quan do sự phục hồi chậm hơn mức kỳ vọng của mảng bán lẻ trong khi nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có sự phục hồi mạnh.
Chứng khoán Vietcombank dự báo tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng VIB trong nửa cuối năm nay sẽ tích cực hơn ở hầu hết các mảng kinh doanh, trong đó mảng cho vay mua nhà ở sẽ là động lực dẫn dắt tăng trưởng.
Đồng thời, hoạt động xử lý nợ xấu được kỳ vọng sẽ đóng góp từ 1.000 - 1.200 tỷ đồng trong lợi nhuận của Ngân hàng VIB cho cả năm 2024.
Duy Quang
Nguồn Tạp chí Công thương : https://tapchicongthuong.vn/nhu-cau-tin-dung-tang-toc-trong-nua-cuoi-nam--ngan-hang-nao-se-huong-loi-127203.htm