Anh A sinh ra và lớn lên trong một gia đình khấm khá ở một xã ven sông Trà Bồng, là niềm mơ ước của rất nhiều bạn bè cùng trang lứa. Dù được gia đình tạo điều kiện, nhưng anh A lại bỏ học, sa vào các cuộc ăn chơi của tuổi trẻ, rồi vội vàng kết hôn khi chưa có việc làm ổn định, dẫn đến ly hôn chóng vánh. Thế là, anh A tìm đến ma túy để giải thoát bản thân, rồi dần chìm trong ảo giác...
Làm lại cuộc đời
Ba mươi tuổi, độ tuổi nhiều hoài bão nhất trong đời người, nhưng với anh A thì dường như không có lối thoát, tương lai mờ mịt, vì vướng vào ma túy đá và bị xử phạt hành chính. Mười năm trước, sau cú sốc hôn nhân và bị bạn bè rủ rê, anh A tìm đến ma túy như một lối thoát rồi dần chìm trong ảo giác. Anh sống lang bạt, ẩn dật, xa lánh mọi người và nằm trong diện quản lý của địa phương. Những lần về nhà chỉ là thoáng chốc, để lại bao nỗi buồn cho cha mẹ. “Nó vốn hiền lành, nhưng nghe theo bạn bè rồi sa ngã lúc nào không hay. Cái giá nó phải trả quá đắt, không chỉ riêng bản thân nó, mà còn có cả gia đình. Giờ chỉ mong nó tỉnh ngộ, sống cho đàng hoàng để làm lại cuộc đời”, ông N (cha của anh A) nói trong nước mắt.
Anh T đang được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh.
Mong ước ấy của ông N cũng thành hiện thực khi anh A đã nhận ra những sai lầm của tuổi trẻ và quyết tâm làm lại cuộc đời. “Tôi biết sai lầm của mình và không trốn tránh. Tôi chấp nhận quá khứ để làm lại, dù muộn còn hơn không. Cha mẹ cần tôi làm chỗ dựa lúc tuổi già. Các con tôi cũng cần một người cha biết đứng dậy sau vấp ngã, chứ không chỉ là bóng tối của quá khứ tội lỗi”, anh A chia sẻ.
Hôm chúng tôi gặp anh A cũng là lúc gia đình anh vừa đón đứa con khoảng 1 tuổi được người anh từng chung sống gửi từ TP.Hồ Chí Minh về. Đứa trẻ còn quá nhỏ để thấu hiểu hết những biến cố của người cha. Khi được hỏi về điều mong mỏi nhất lúc này, anh A lặng im rất lâu mới nói: “Tôi đã đánh mất quá nhiều, cả gia đình và tương lai. Giờ đây, điều duy nhất tôi mong là được làm lại từ đầu, để các con tôi không phải lớn lên trong mặc cảm vì có một người cha từng lầm lỗi”. Anh A hiện có 2 đứa con, đứa lớn 12 tuổi ở bên ngoại, đứa nhỏ khoảng 1 tuổi ở bên nội.
Ma túy đá đã len lỏi về khắp các vùng quê, để lại bao nỗi lo cho gia đình và xã hội.
Với anh T, quê ở một xã ven sông Trà Khúc, đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh do tái nghiện thì thật sự thấm thía về giá trị của sức khỏe và cuộc sống của một người bình thường. Tám năm trước, trong một buổi sinh nhật bạn, T bị rủ rê dùng thử “kẹo”, “khay”, một dạng của ma túy tổng hợp. Ban đầu lưỡng lự, nhưng rồi những lời trấn an kiểu thử một lần không sao, khiến anh trượt dài. “Lúc ấy, tôi yếu lòng, muốn chứng tỏ bản thân nên thử. Không ngờ lần ấy lại là khởi đầu cho những tháng ngày tăm tối của cuộc đời”, T kể.
Thời điểm T lún sâu vào ma túy đá là sau cú sốc tình cảm với bạn gái cũ. Thế nhưng, chất kích thích ấy không giết chết anh, mà nó gặm nhấm từng ngày; cứ cai được vài tháng thì lại tái nghiện. Mỗi lần phê thuốc, T ảo giác, nghe như có tiếng ai thì thầm bên tai, thấy mình bị theo dõi, bị xúi giục làm điều sai trái. Những tháng ngày đó, T sống vật vờ, mất ngủ triền miên, không ăn uống. Sức khỏe giảm sút hơn 80%. Đi làm được đồng nào, T đều tìm mua thuốc để sử dụng.
Giờ đây, T quyết tâm làm lại cuộc đời ở tuổi 30 theo sự hướng dẫn cai nghiện của y, bác sĩ tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh. “Tôi không đổ lỗi cho ai, chỉ còn sự day dứt với mẹ, người vì tôi mà cả thanh xuân sống trong nước mắt. Vì mẹ, tôi khát khao được làm lại cuộc đời”, T nghẹn ngào nói.
Cần sự bao dung và thấu hiểu
Theo Tiến sĩ Ngô Thị Kim Ngọc - Giảng viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng, những trường hợp như A hay T không đơn thuần là sai lầm tuổi trẻ, mà bắt nguồn từ tổn thương tâm lý kéo dài, thiếu định hướng sống của gia đình, người thân và bị bạn bè rủ rê, lôi kéo. Vì thế, chúng ta phải giúp họ học cách đối diện với những sai lầm của bản thân, từ đó đặt lại mục tiêu sống và hình thành những thói quen tích cực. Tuy nhiên, nếu chỉ với bản lĩnh cá nhân của người nghiện là chưa đủ, mà cần có sự hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng. Một cái ôm thắm thiết thay cho ánh mắt lạnh lùng; một lời động viên thay vì trách móc... Bởi lẽ, chính sự bao dung và thấu hiểu là điểm tựa để họ làm lại cuộc đời.
“Với A, gia đình, cộng đồng cần đồng hành, giúp anh hiểu rõ vai trò làm cha, làm con của mình. Bởi lẽ, khi A biết bố mẹ già cần có con bên cạnh và con của anh cần có một người cha đúng nghĩa thì A sẽ có thêm sức mạnh để vượt qua sai lầm trước đó”, Tiến sĩ Ngô Thị Kim Ngọc nhấn mạnh.
Hiện nay, có không ít người đang rơi vào cạm bẫy của ma túy một cách âm thầm và đáng sợ, vì tuổi đời còn trẻ. Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh đã phát hiện 364 vụ liên quan đến ma túy, bắt giữ 491 đối tượng. Trong đó, có 113 vụ bị khởi tố hình sự, với 204 bị can. Lực lượng chức năng cũng phát hiện 239 vụ sử dụng ma túy, xử phạt tiền hơn 250 triệu đồng. “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2025, có hiệu lực từ ngày 1/7, bổ sung tội danh mới tại Điều 256a, tội sử dụng trái phép chất ma túy. Theo đó, hành vi sử dụng ma túy sau cai nghiện có thể bị xử phạt từ 2 - 3 năm tù; trong trường hợp tái phạm về tội danh này có thể bị phạt đến 5 năm tù. Đây là chế tài cần thiết để tăng cường quản lý, ngăn ngừa tái nghiện và giảm số người sử dụng trái phép chất ma túy trong cộng đồng. Thời gian đến, đơn vị sẽ tăng cường đấu tranh, xử lý nghiêm những trường hợp mua bán, vận chuyển và sử dụng trái phép chất ma túy”, Trung tá Trần Thanh Tùng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh), cho biết.
"
"Không ai sinh ra đã chọn những ngã rẽ sai lầm, nhưng ai cũng có quyền chọn lại nếu đủ dũng khí để quay đầu. Tuổi trẻ có thể vấp ngã, nhưng đừng để một phút tò mò đánh mất cả tương lai. Hãy sống tỉnh táo, biết nói không với cám dỗ và tin rằng, chỉ cần còn khát vọng sống tử tế, thì cánh cửa ngày mai vẫn rộng mở để những người từng lầm đường, lạc lối có thể làm lại cuộc đời”.
Trung tá TRẦN THANH TÙNG Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh)
Cũng theo Trung tá Trần Thanh Tùng, các đối tượng phạm tội sử dụng nhiều chiêu thức tinh vi để qua mặt lực lượng chức năng. Từ sự tò mò ban đầu, nhiều người trẻ nhanh chóng sa chân vào con đường nghiện ngập. Khi đã phụ thuộc, không có tiền, họ dễ bị lôi kéo vào các hoạt động tàng trữ, vận chuyển, mua bán ma túy để tiếp tục sử dụng hoặc kiếm lời. Chỉ một lần thử, nhưng đó có thể là một hành trình nghiệt ngã, trượt sâu vào con đường phạm tội.
Bài, ảnh: GIA NGHI