Những 'nhà thiết kế' ươm mầm xanh

Những 'nhà thiết kế' ươm mầm xanh
5 giờ trướcBài gốc
Có mặt tại lớp 5 tuổi A1 - Trường Mầm non Tiên Du, xã Tiên Du, huyện Phù Ninh đúng lúc các cô giáo đang chuẩn bị vật dụng để làm đồ dùng học tập cho học sinh, được thấy các cô tỉ mỉ cắt từng can nhựa để tạo thành những vật dụng như giỏ hoa, bông hoa... mới thấy được sự khéo tay và sáng tạo của giáo viên mầm non.
Cô giáo Hoàng Thị Hải – Giáo viên lớp 5 tuổi A1 chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên tận dụng các vỏ chai nhựa, tấm bìa cứng, giấy xốp, vải nỉ... hướng dẫn các con cùng tham gia sáng tạo những đồ dùng hữu ích trang trí lớp học và phục vụ cho việc giảng dạy. Những sản phẩm sau khi hoàn thiện có thể chưa thực sự đẹp, chưa thực sự xuất sắc nhưng là tất cả tâm huyết của giáo viên để giúp các con có những trải nghiệm thú vị và mới mẻ trong thế giới quan của trẻ”.
Theo các cô giáo, mất khoảng 10-15 phút, thậm chí là lâu hơn để có thể tạo ra một sản phẩm, đó có thể là các con vật, các loại rau, củ, quả, món ăn... và cả balo, túi sách, giúp trẻ dễ dàng nhận biết về các đồ vật trong cuộc sống hàng ngày. Việc tái chế các phế thải nhựa không chỉ tiết kiệm chi phí mua sắm đồ dùng mà còn biến chúng thành các sản phẩm hữu ích, giúp trẻ biết phân loại rác thải, biết dùng các can, chai lọ nhựa bỏ đi mang đến lớp để cô sử dụng.
Mô hình cần cẩu thủy lực do các cô giáo Trường Mầm non Tiên Du tạo nên.
Cô giáo Phạm Thị Kim Hậu – Hiệu trưởng Trường Mầm non Tiên Du cho biết: Thực hiện xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm nhà trường thường xuyên đổi mới phương pháp dạy và học, tiếp cận phương pháp của các nước tiên tiến trong khu vực. Đặc biệt, năm học 2023-2024, nhà trường đã mời chuyên gia về dạy phương pháp giáo dục STEAM cho đội ngũ cán bộ giáo viên, nhằm vận dụng phù hợp và phát triển chương trình theo hướng mở trên cơ sở tình hình thực tế của địa phương. Bên cạnh đó, nhà trường còn tích cực tổ chức các hoạt động tập thể như: Nặn bánh trôi, làm các con vật từ lá cây, xâu vòng từ hoa hồng... giúp trẻ phát triển tư duy toàn diện mà không gượng ép. Môi trường giáo dục giúp kích thích sự tò mò, tính tích cực hoạt động của trẻ, vì vậy, môi trường trong và ngoài lớp cũng được nhà trường đặc biệt quan tâm. Nhà trường đã chỉ đạo các lớp trang trí lớp theo hướng mở, không quá rườm rà, nhưng đảm bảo đẹp và thân thiện, gần gũi, tận dụng những sản phẩm tự làm của trẻ để trang trí lớp.
Cũng như các cơ sở giáo dục mầm non khác, tại Trường Mầm non thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao, thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” nhiều giáo viên nhà trường đã có thành tích trong công tác đổi mới phương pháp dạy học, có nhiều kinh nghiệm được áp dụng hiệu quả trong dạy và học.
Tận dụng những phế liệu, các cô giáo Trường Mầm non thị trấn Hùng Sơn đã sáng tạo ra nhiều đồ dùng hữu ích phục vụ trong công tác giảng dạy.
Tiêu biểu như cô giáo Đỗ Như Quỳnh, hơn 12 năm gắn bó với nghề, cô luôn tích cực sáng tạo, đổi mới phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ, lấy trẻ làm trung tâm, trang bị những kiến thức nền tảng cho trẻ. Cô thường xuyên sưu tầm các mẩu chuyện hay, những tư liệu quý về Bác, tích cực sáng tạo trong việc làm đồ dùng, đồ chơi ứng dụng vào giảng dạy và phục vụ hoạt động của trẻ, tổ chức nhiều hoạt động phù hợp giúp trẻ vừa được vui chơi, vừa được giáo dục những điều hay, lẽ phải, góp phần phát triển tư duy, khám phá khả năng sáng tạo, cũng như giúp trẻ thể hiện cảm xúc, tình cảm, biết chia sẻ và quan tâm đến bạn bè, cô giáo và người thân.
Theo cô Quỳnh: Ở lứa tuổi mầm non, trẻ thường rất tò mò, hiếu động, chính vì vậy trong quá trình giảng dạy giáo viên phải luôn lưu tâm xây dựng nhiều hoạt động hướng tới nhu cầu của trẻ, lấy trẻ làm trung tâm. Đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy không phải là những gì đao to búa lớn mà chỉ cần bắt đầu bằng việc tạo nên những hứng thú cho trẻ dễ dàng tiếp thu bài học như việc dạy các con cách tạo nên chiếc điện thoại từ vỏ hộp sữa, tạo nên chậu cây từ can nhựa... để các con thích đến lớp, thích tham gia các tiết học cũng là sáng tạo rồi.
Khéo tay và sáng tạo, các cô giáo mầm non đã tạo nên nhiều đồ dùng, đồ chơi có tính thẩm mỹ và hiệu quả sử dụng cao phục vụ cho công tác giảng dạy cũng như trang trí trong các góc hoạt động của lớp. Lòng yêu nghề và tâm huyết của các cô đã xây dựng nên một môi trường học tập hấp dẫn, giúp trẻ khai mở, phát triển tiềm năng sáng tạo và để trẻ thực sự cảm thấy “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Vy An
Nguồn Phú Thọ : https://baophutho.vn/nhung-nha-thiet-ke-uom-mam-xanh-223684.htm