Ngày 20/7, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Công điện số 03, yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, Chủ tịch UBND các xã, phường khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 3, đảm bảo an toàn cho người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Tàu thuyền ở Ninh Bình neo đậu trên sông Càn (đoạn giáp ranh với tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: Đình Minh
Công điện nhấn mạnh yêu cầu theo dõi sát diễn biến, cập nhật tình hình bão để có phương án ứng phó phù hợp với điều kiện từng địa phương. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong chỉ đạo, điều hành.
Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra hậu quả do thiếu chủ động trong công tác phòng, chống bão.
UBND các xã, phường được giao nhiệm vụ tổ chức rà soát, triển khai quyết liệt các phương án ứng phó; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; phân công cán bộ trực tiếp xuống cơ sở chỉ đạo công tác phòng, chống bão lũ.
Tuyến đê biển Bình Minh 4 ở Ninh Bình có thể chắn gió bão tới cấp 12. Ảnh: Đình Minh
Song song với đó, phải cập nhật kịp thời thông tin thiên tai tới người dân; hướng dẫn các biện pháp, kỹ năng phòng tránh mưa lớn, gió mạnh, ngập lụt, sạt lở đất; sẵn sàng sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm như ven biển, vùng có nguy cơ cao sạt lở, lũ quét, ngập sâu đến nơi an toàn. Có phương án đảm bảo chỗ ở tạm, lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân phải sơ tán.
Từ 17h ngày 21/7, toàn tỉnh tạm dừng hoạt động các tuyến đò ngang, đò dọc cho đến khi bão tan. Các địa phương ven biển phối hợp với Bộ đội Biên phòng nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi từ 7h ngày 21/7; hoàn thành việc neo đậu, sắp xếp tàu thuyền trước 12h cùng ngày. Đồng thời, tổ chức sơ tán dân tại khu vực cửa sông, ven biển, bãi sông đến nơi an toàn trước thời điểm trên.
Từ 17h ngày 21/7, toàn tỉnh Ninh Bình tạm dừng hoạt động các tuyến đò ngang, đò dọc cho đến khi bão tan. Ảnh: Đình Minh
Các sở, ngành tập trung thực hiện nhiệm vụ theo chức năng. Sở Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra, gia cố đê điều, hồ đập; xử lý sự cố tại các công trình xung yếu, đang thi công dở dang, hồ chứa đầy nước; đảm bảo an toàn hạ du khi mưa lũ xảy ra.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng rà soát, sẵn sàng phương án huy động lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ cứu nạn.
Sở Du lịch đảm bảo an toàn cho du khách và dân cư tại các điểm du lịch. Sở Xây dựng phối hợp phân luồng, hướng dẫn giao thông qua khu vực nguy hiểm. Sở Y tế chuẩn bị phương án phòng dịch, bảo đảm an toàn thực phẩm và nước sạch sinh hoạt. Các cơ quan báo chí, khí tượng tăng cường dự báo, cảnh báo, hướng dẫn kỹ năng phòng tránh bão, mưa lũ cho người dân.
Khu vực Cồn Nổi ở ngoài khơi tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Đình Minh
Công ty Điện lực đảm bảo cấp điện phục vụ tiêu úng, sản xuất, sinh hoạt. Các Công ty Khai thác công trình thủy lợi huy động lực lượng, máy móc tiêu nước, bảo vệ sản xuất nông nghiệp và các khu dân cư.
UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động phòng chống bão.
Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh khẩn trương xuống địa bàn được phân công, trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống bão.
Các địa phương, đơn vị tổ chức trực ban 24/24 giờ, thường xuyên cập nhật tình hình, báo cáo kịp thời về Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh để xử lý nhanh các tình huống phát sinh.
Đình Minh