Nỗ lực cải tạo môi trường biển ở đảo ngọc Phú Quốc

Nỗ lực cải tạo môi trường biển ở đảo ngọc Phú Quốc
3 giờ trướcBài gốc
Các tình nguyện viên tham gia lặn vớt rác. Ảnh: Văn Chương
Áp lực rác
Tại khu vực cảng An Thới, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, hàng ngàn tàu đánh cá tấp nập ra vào dưới ánh bình minh. Tỉnh Kiên Giang có hơn 5.300 tàu cá thì phần nhiều tập trung về phía ngư trường Phú Quốc. Ngư dân Trần Hoài Phương nghe tôi quan tâm tới vấn đề “chống xả rác thải xuống biển” nên ước tính, mỗi tàu loại lớn trong một phiên biển thường mang theo các loại nước uống, bia, nước tăng lực khoảng 400 lon, chai các loại. Chị Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh, cán bộ quản lý dự án, hợp phần thủy sản và bảo tồn của Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) cho biết, cần tiếp tục nhân rộng việc tàu cá mang rác về bờ để góp phần bảo vệ môi trường biển.
Tại khu vực cảng du lịch An Thới, hàng trăm ca nô đưa khách du lịch di chuyển ra hòn Răm Ngang, hòn Móng Tay, hòn Mây Rút trong, hòn Mây Rút ngoài. Du khách đến từ khắp mọi miền đất nước tập trung tại khu vực này để đến những hòn đảo nhỏ có môi trường sinh thái trong lành. Khi được hỏi về vấn đề xả rác thải xuống biển khi đi du lịch ở đảo Phú Quốc, một số du khách cho biết, ở đây có khuyến cáo về việc bảo vệ môi trường, song nhiều du khách và người bán hàng vẫn chưa bỏ được thói quen sử dụng túi nilon, rồi vứt rác bừa bãi.
Tới các bến cảng và điểm du lịch đều nhìn thấy những dấu ấn của Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do Cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì, phối hợp với WWF-Việt Nam thực hiện, với mục tiêu hướng tới loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa, đặc biệt là trong hoạt động du lịch. Tuy nhiên thực tế, tại đảo Phú Quốc và nhiều đảo du lịch khác, việc tuyên truyền vẫn không "thắng" được thói quen sử dụng túi nilon, rồi xả ra môi trường. Theo báo cáo của Ban quản lý công trình công cộng Phú Quốc, bình quân mỗi ngày có trên dưới 180 tấn rác được tập kết về bãi rác tạm Đồng Cây Sao.
Lặn biển dọn rác
Chị Nguyễn Thị Thu Hương, một tình nguyện viên tham gia lặn vớt rác dưới các bãi san hô cho biết: “Có nhiều thứ trôi nổi dưới đáy biển khu vực gần bờ, nơi có rạn san hô đang được bảo tồn”. Những thứ rác phổ biến nhất được chị và các tình nguyện viên vớt lên là vải, lưới, lốp xe, vỏ chai, túi nilon... Việc vớt rác dưới đáy biển thường được Ban quản lý Khu bảo tồn biển Phú Quốc tổ chức theo từng đợt. Mỗi tình nguyện viên mang theo bình hơi, dây lặn, cầm vợt xuống đáy biển vớt rác. Mỗi chiếc vợt có kích thước không lớn, rác vớt được sẽ đóng thành bao, sau đó buộc chùm để kéo về tàu chở vào đất liền. Quy trình này cho thấy, việc lặn vớt rác là khá nhọc nhằn, tốn nhiều công sức. Đa số các tình nguyện viên tham gia đến từ cộng đồng, doanh nghiệp, là những người có tâm huyết với việc bảo vệ môi trường.
Cuối tháng 6 vừa qua, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Phú Quốc đã tổ chức cho các tình nguyện viên lặn vớt rác trong thời gian 4 ngày, với tổng cộng 1.017kg rác thải được vớt dưới rạn san hô. Đối với các loại túi nilon và vỏ chai nhựa, con số lên đến hàng tấn. Chị Hương cho biết, bản thân chị cũng nỗ lực tuyên truyền cho người làm du lịch khuyến khích du khách bao gói thức ăn bằng lá bàng, lá chuối, vì đây là những loại có thể tự hủy sau sử dụng.
Tái tạo san hô
Do tình hình biến đổi khí hậu, nước biển nóng lên nên rạn san hô ở nhiều hòn đảo ở Việt Nam bị tẩy trắng và chết hàng loạt, trong đó có đảo Phú Quốc. San hô bị tẩy trắng là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiệt độ nước biển gia tăng bất thường và vượt ngưỡng 30 độ C, từ đó tảo cộng sinh trong san hô rời khỏi san hô khi san hô tiết ra những chất hóa học gây bất lợi. Khung xương san hô mất màu sắc sẽ chuyển sang trắng xóa. Khi san hô chết hẳn sẽ bị phủ màu đen.
Thành phố Phú Quốc đã khoanh vùng khu vực bảo vệ san hô và khu vực bảo vệ thảm cỏ biển, với 3 phân khu, bảo vệ nghiêm ngặt là gần 7.087,37ha; phục hồi sinh thái 11.537,51ha; khu vực dịch vụ - hành chính 9.817,02ha và thiết lập vùng đệm 12.467,57ha. Hiện nay, có 2 vườn ươm san hô cứng tại hòn Xưởng và hòn Mây Rút.
Australia là quốc gia có rạn san hô nổi tiếng nhất thế giới Great Barrier và được UNESCO xếp hạng di sản thiên nhiên thế giới. Chìa khóa để bảo vệ rạn san hô này được Chính phủ Australia thực hiện bao gồm: Cộng đồng địa phương, chủ sở hữu truyền thống quản lý tài nguyên đất, nước; các nhà khoa học và chuyên gia, nhà lãnh đạo và quản lý... Trong đó, cộng đồng địa phương được coi là chìa khóa. Hiện nay, thành phố Phú Quốc cũng áp dụng cách thức của Australia là tổ chức trồng lại thảm thực vật; kiểm soát xói mòn đất và quản lý sâu bệnh; dọn dẹp rác thải biển; phát triển hoạt động du lịch bền vững; tham gia tình nguyện vào các dự án môi trường, thực hiện các dự án khoa học.
Lê Văn Chương
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/no-luc-cai-tao-moi-truong-bien-o-dao-ngoc-phu-quoc-post481484.html