Nông nghiệp Khánh Hòa đón thời cơ mới

Nông nghiệp Khánh Hòa đón thời cơ mới
5 giờ trướcBài gốc
Khánh Hòa - vùng đất của biển xanh, cát trắng đang kỳ vọng bước chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp. Sau sáp nhập, Khánh Hòa không chỉ được mở rộng về địa lý, mà còn mở ra cơ hội mới, động lực mới để phát triển, hướng tới một nền nông nghiệp đa dạng, bền vững, hiện đại.
Không gian phát triển rộng mở
Tiến sĩ Phan Công Kiên - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho rằng: “Việc sáp nhập tỉnh sẽ tạo ra không gian phát triển mới, toàn diện, đa dạng trên các lĩnh vực cho Khánh Hòa, đặc biệt là nông nghiệp. Tỉnh Khánh Hòa sau sáp nhập đã sở hữu quỹ đất, đặc điểm tự nhiên đa dạng, từ đồng bằng ven biển đến vùng bán sơn địa và tiểu hoang mạc; là điều kiện lý tưởng để phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi, tạo nên cấu trúc vùng nông nghiệp phong phú, đa dạng về nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả nhiệt đới, các loại cây trồng chịu hạn (như nho, táo, nha đam, tỏi), chăn nuôi dê, cừu... Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có nhiều vùng đất cát pha, đất đỏ bazan quý hiếm, phù hợp cho các loại cây trồng đặc sản giá trị kinh tế cao, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư thực hiện các dự án nông nghiệp công nghệ cao.
Nhân viên Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận, phường Phan Rang đóng gói măng tây xanh.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận, phường Phan Rang cho biết: “Hiện công ty có hơn 150ha trồng cây măng tây xanh, mỗi ngày cung cấp cho thị trường khoảng 4 tấn măng tây xanh tươi, trong đó gần 3 tấn được xuất khẩu sang các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Dubai... Để đáp ứng nhu cầu thị trường ngoài nước, công ty đang chuẩn bị mở rộng, phát triển vùng nguyên liệu, dự kiến lên 200ha. Việc sáp nhập tỉnh không chỉ tạo điều kiện thuận lợi giúp công ty triển khai thực hiện kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, mà còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều bà con nông dân".
Bên cạnh lợi thế về điều kiện tự nhiên, sau sáp nhập, quy mô dân số của tỉnh tăng lên đáng kể, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa. Khánh Hòa còn nổi tiếng là địa phương phát triển du lịch, với bờ biển dài, các vịnh đẹp hàng đầu thế giới, thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng. Nhờ không ngừng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp, nhất là các đặc sản địa phương ngày càng tiếp cận tốt, tăng sản lượng tiêu thụ tại các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn... Các mô hình du lịch nông nghiệp kết hợp ngày càng phát triển. Ngoài ra, Khánh Hòa có vị trí nằm ở trung tâm duyên hải Nam Trung Bộ, có cảng biển, sân bay quốc tế Cam Ranh và hệ thống giao thông huyết mạch như cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 1, Quốc lộ 27B nối lên Tây Nguyên. Tất cả các yếu tố trên là lợi thế vượt trội giúp giới thiệu, quảng bá, đưa nông sản địa phương đến với người tiêu dùng, du khách, tiếp cận các thị trường lớn trong nước và xuất khẩu.
Nhân viên Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận, phường Phan Rang sơ chế măng tây xanh.
Phấn khởi hơn nữa đó là việc sáp nhập tỉnh sẽ giúp Khánh Hòa sở hữu hệ thống các sản phẩm OCOP phong phú, với 335 sản phẩm, giúp nâng cao tính cạnh tranh, nâng tầm thương hiệu, là động lực để phát triển ngành nông nghiệp ngày càng hiện đại, bền vững.
Đẩy mạnh liên kết vùng, hướng tới nền nông nghiệp bền vững
Là một trong những địa phương có hệ sinh thái nông nghiệp đa dạng, sở hữu nhiều loại đặc sản nhất trong cả nước, theo các chuyên gia, giải pháp hiệu quả để tạo đột phá cho ngành nông nghiệp Khánh Hòa đó là tập trung phát triển toàn diện các nhóm cây, con thế mạnh, đặc thù của tỉnh như: Nho, táo, nha đam, tỏi, măng tây xanh, dê, cừu, yến sào, xoài, mía tím, sầu riêng, lúa giống chất lượng cao, sản phẩm nuôi trồng thủy sản... Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp theo mô hình khép kín, gắn kết chặt chẽ từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản, phân phối đến tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, chuyên nghiệp, bền vững, dần xóa bỏ tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đang kỳ vọng về vùng nguyên liệu được mở rộng, logistics thuận lợi hơn, thị trường gần hơn và cơ hội đầu tư rõ ràng hơn.
Du khách tham quan, trải nghiệm sơ chế rong nho tại Công ty DT Group.
Ông Nguyễn Quang Duy - Chủ tịch HĐQT DT Group, Công ty Cổ phần DT Food, phường Bắc Nha Trang cho biết: “Hiện nay, công ty có tổng diện tích sản xuất là 75ha, trong đó có các khu vực nuôi trồng rong nho biển, khai thác, nuôi yến. Việc sáp nhập tỉnh giúp chúng tôi tiếp cận được nguồn nguyên liệu và công nghệ đa dạng hơn; có thể tận dụng lợi thế thổ nhưỡng và khí hậu của vùng đất mới để nghiên cứu mở rộng sản xuất sang các sản phẩm nông nghiệp khác có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để liên kết phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp. Đặc biệt, một tỉnh có quy mô lớn hơn không chỉ tạo điều kiện thuận lợi về quỹ đất, lao động mà còn giúp doanh nghiệp có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong đàm phán thương mại và xúc tiến đầu tư”.
Ông Võ Văn Công - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường nhận định: “Đây là cơ hội vàng để xây dựng các chuỗi giá trị nông nghiệp tích hợp. Sự liên kết giữa các tiểu vùng sinh thái cho phép việc sản xuất được điều tiết hợp lý hơn, hạn chế tình trạng phân tán nhỏ lẻ, tăng hiệu quả đầu tư và kết nối thị trường. Đồng thời, việc liên kết vùng còn là chìa khóa để ngành nông nghiệp tỉnh phát triển thực chất, bền vững, không chỉ về quy mô mà cả chất lượng”.
Có thể khẳng định, việc sáp nhập tỉnh đã tạo một bước ngoặt quan trọng, mang tính chiến lược cho ngành nông nghiệp, kinh tế nông thôn. Với hệ sinh thái đa dạng, thị trường nội địa được mở rộng, vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng ngày càng hoàn thiện, Khánh Hòa đang có nền tảng vững chắc, tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, việc tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, hiệu quả sau sáp nhập đòi hỏi phải có tư duy quản lý mới. Các chuyên gia cho rằng, để tận dụng tối đa lợi thế, tỉnh cần thiết lập quy hoạch vùng sản xuất khoa học, phù hợp với điều kiện tự nhiên; quy hoạch, phân bố hợp lý, rõ ràng giữa các vùng nông nghiệp đặc sản, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp phục vụ du lịch sinh thái; điều này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tìm hiểu đầu tư.
Tiến sĩ Phan Công Kiên nhấn mạnh: “Không gian mới cần đi kèm với tư duy mới, nếu biết tận dụng lợi thế vùng miền và tạo ra dòng chảy thông suốt về nhân lực, công nghệ, hạ tầng, thị trường, ngành nông nghiệp của tỉnh sẽ trở thành một cực tăng trưởng mới".
HỒNG NGUYỆT
Nguồn Khánh Hòa : http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202507/nong-nghiep-khanh-hoa-don-thoi-co-moi-32127f2/