"Bài ca ra trận" - từng đạt Giải Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam năm 1975 là bộ phim được phát lại tại "Cine 7 - Ký ức phim Việt" tuần này. Cũng tại chương trình, khán giả có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện với NSƯT Thanh Loan (vai diễn Lê) để sống lại những năm tháng lịch sử hào hùng đó trong tác phẩm điện ảnh "Bài ca ra trận".
"Bài ca ra trận" đã ra mắt năm 1974, được chiếu ở các rạp chiếu bóng, trường học, và các đơn vị. Phim xoay quanh một chiến sĩ trẻ là Nam (NSƯT Dũng Nhi đóng) - một chiến sĩ trẻ dũng cảm được đưa từ chiến trường về quân y viện, đang phải đối mặt với thử thách nghiệt ngã khi đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng, chỉ nghe được tiếng kêu đau đớn của các thương binh nặng xung quanh suốt ngày đêm.
Tưởng chừng như lý tưởng chiến đấu vì Tổ quốc phải gác lại nhưng những hồi ức trong sáng cùng sự chăm sóc tận tình của cô y tá xinh đẹp Mai (NSND Như Quỳnh đóng) đã khơi dậy ngọn lửa ý chí trong người chiến sĩ trẻ, giúp anh vượt qua cú sốc tinh thần và cả những vết thương do chiến tranh để lại trên cơ thể để tiếp tục thực hiện lý tưởng của mình.
Bên cạnh đó, phim cũng khắc họa rõ nét về một thế hệ trẻ mong muốn bước ra thế giới, lĩnh hội những kiến thức mới để quay trở lại đóng góp cho quê hương, thông qua vai diễn Lê do NSƯT Thanh Loan thủ vai.
Những cảnh quay ấn tượng trong "Bài ca ra trận".
Bộ phim "Bài ca ra trận" là một câu chuyện đẹp như một bài thơ giữa bối cảnh chiến trường ác liệt. Ảnh: VTV
Trong ký ức của NSƯT Thanh Loan, thời gian làm phim nhựa gắn liền với những thử thách về thời tiết, đặc biệt là những cảnh quay ngoài trời. "Chúng tôi phải phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Tạo bối cảnh mưa còn dễ dàng hơn, nhưng nắng thì rất khó kiểm soát, nhất là khi không thể "đuổi mây" để mặt trời xuất hiện đúng lúc nên "ngày nào không có nắng là chúng tôi phải chờ vễu mặt ra", NSƯT Thanh Loan hoài niệm.
Một trong những cảnh quay đặc biệt khiến NSƯT Thanh Loan nhớ mãi là cảnh bên dòng sông lúc trời chập choạng tối. Đó là cảnh sử dụng kỹ thuật quay hoàng hôn với sự tương phản màu sắc mạnh mẽ trong khung hình.
Để có được bối cảnh này, ê-kíp lúc đó phải chờ rất lâu, "phải chuẩn bị từ chiều, dàn quân như nào, góc độ ánh sáng ra làm sao để làm cho mảng chân trời hiện lên thật đẹp, dòng sông phải ánh bạc lên".
Quá trình tập luyện và chuẩn bị kỳ công nhưng diễn lại rất nhanh vì thời gian hoàng hôn ngắn ngủi, không thể quay nhiều lần. Cũng chính từ vai diễn của bộ phim "Bài ca ra trận" mà NSƯT Thanh Loan được Nhà hát Kịch Quân đội lúc bấy giờ đánh giá cao và được nhận thêm nhiều vai diễn. Chính bà cũng nhận định rằng, bộ phim đánh dấu sự trưởng thành trong quãng đời làm nghề của mình.
Mặc dù phải đối mặt với điều kiện sản xuất thời điểm bấy giờ vô cùng khó khăn, từ sự phụ thuộc vào thời tiết đến những hạn chế về trang thiết bị, đoàn phim vẫn tạo ra một tác phẩm điện ảnh có sức sống lâu dài, để lại dấu ấn trong nền điện ảnh nước nhà. Những thước phim ấy, dù sản xuất trong gian khó, minh chứng cho tình yêu nghề, sự kiên trì sự tận hiến của những người làm điện ảnh Việt Nam lúc đó.
Trong ký ức của NSƯT Thanh Loan, một câu nói đã ăn sâu vào tâm trí thế hệ thanh niên lúc bấy giờ: "Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù".
Trong ký ức của NSƯT Thanh Loan, một câu nói đã ăn sâu vào tâm trí thế hệ thanh niên lúc bấy giờ: "Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù". Bộ phim "Bài ca ra trận" đã khắc họa rõ nét lý tưởng sống cao đẹp của thế hệ thanh niên Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh, khi họ gác bút lên đường ra chiến trận, sống, chiến đấu và hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.
Tuy nhiên, bộ phim không chỉ thể hiện hình ảnh những chiến sĩ trên chiến trường mà còn khắc họa một bộ phận thế hệ trẻ khác - những học sinh, sinh viên ưu tú không trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường, nhưng lại khao khát bước ra thế giới, lĩnh hội tri thức mới để quay về đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ và chung tay xây dựng phát triển đất nước.
Dù ở trên mặt trận bom đạn hay trên mặt trận tri thức, họ đều là những người trẻ - những chiến sĩ thể hiện tinh thần đoàn kết và khát vọng cống hiến cho quê hương. Chính tinh thần đó đã giúp bộ phim có sức sống cho đến tận ngày nay.
Trích đoạn đọc thư trong "Bài ca ra trận" và trích đoạn do sinh viên tái hiện lại. Clip: VTV