Ước mơ gieo chữ từ những năm tháng gian khó
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Đặng Thị Tây xuất sắc đạt 29,25 điểm khối C00, với 10 điểm Lịch sử, 9,5 điểm Ngữ văn, 9,75 điểm Địa lý, nằm trong nhóm thí sinh có điểm số cao nhất cả nước. Thành tích ấy không chỉ khiến gia đình em vỡ òa trong niềm vui sướng, mà còn là niềm tự hào chung của cả cộng đồng người Sán Chỉ nơi vùng biên heo hút.
Em Đặng Thị Tây.
Đặng Thị Tây sinh ra và lớn lên ở Nà Lốm, một xóm nhỏ biệt lập giữa núi rừng, nơi những con đường đất lởm chởm đá hộc, mỗi ngày đến trường là một hành trình băng rừng, vượt suối. Với em niềm đam mê học tập đã vượt qua cả những dãy núi cao dựng đứng ấy, để chinh phục kiến thức, bước chân em đã lội suối, trèo đèo trên những cung đường đầy gian khó. Tuổi ấu thơ, với hộp cơm nguội, muối trắng đã đồng hành cùng em và các bạn nhỏ vùng cao này viết nên những ước mơ về một vùng cao tươi sáng. Từ những ước mơ giản dị được dệt trong hoàn cảnh gian khổ ấy, đã nuôi dưỡng một nghị lực phi thường của cô gái nhỏ. Năm lớp 10, Tây được tuyển chọn theo học tại Trường Hữu nghị T78 (Hà Nội), ngôi trường đặc biệt dành cho cho lưu học sinh nước bạn Lào, đồng thời đào tạo nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ba năm xa nhà là ba năm cô gái bé nhỏ phải tự lập, làm quen với môi trường học tập mới, vượt qua những nỗi nhớ bản làng, nhớ bố mẹ, nhưng cũng chính nơi đây đã mở ra cho em cánh cửa tri thức.
Em ước mơ trở thành giáo viên vì em muốn quay trở về quê hương, đem kiến thức được tiếp thu, học tập về giúp các em nhỏ vùng cao có cơ hội học tập tốt hơn. Mong các em nhỏ được đến trường đầy đủ trong điều kiện học tập tốt, sẽ không phải băng rừng, vượt suối như em đã trải qua. Cô gái bé nhỏ vẫn còn rất xúc động, em nghẹn ngào nhớ lại khoảnh khắc biết điểm thi: “Em có rất nhiều cảm xúc, vui, tự hào, biết ơn... Nhưng điều lớn nhất là em cảm thấy xứng đáng với bao năm cố gắng của bản thân. Em thực sự hài lòng với kết quả này”. Với điểm số hiện tại, Tây hy vọng sẽ được học ngành Sư phạm Ngữ văn tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Còn ông Đặng Văn Tám, bố của Tây cũng không giấu nổi xúc động, chia sẻ: “Nhà nghèo, hai vợ chồng tôi chỉ biết cố gắng lao động trên mảnh đất tổ tiên để lại. Cháu rất nỗ lực, học giỏi từ bé. Giờ cháu đạt kết quả thế này, cả nhà mừng lắm, tôi tự hào lắm, nhưng cũng đầy nỗi lo vì học đại học sẽ còn tốn kém nhiều, dù có chế độ của Nhà nước cho học sinh, sinh viên miền núi. Ông cũng bày tỏ mong muốn các cấp, ngành quan tâm hơn đến học sinh vùng cao, nhất là những em có thành tích học tập nổi bật như con gái mình.
Chính quyền địa phương đồng hành nâng bước em tới trường
Xã luôn quan tâm đầu tư cho giáo dục, việc đồng hành với học sinh là trách nhiệm không chỉ của gia đình mà còn có sự tham gia của chính quyền địa phương. Từ sự nỗ lực của các em và sự chung tay của toàn xã hội, học sinh dân tộc thiểu số vùng cao như em Tây sẽ từng bước viết tiếp giấc mơ tri thức, vươn tới một tương lai tươi sáng hơn.
Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thổ Dương Văn Tường.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thổ Dương Văn Tường, sau sáp nhập, toàn xã có 2.534 hộ dân, trong đó có 931 hộ nghèo (chiếm 36,74%) và 915 hộ cận nghèo (chiếm 36,11%). Gia đình em Đặng Thị Tây thuộc diện hộ cận nghèo, đều làm nông, quanh năm gắn bó với nương rẫy. Ngay sau khi nắm được thông tin em Tây đạt thành tích cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, chính quyền địa phương đến thăm, động viên và trao hỗ trợ bước đầu gồm phần quà và 1 triệu đồng. Ngoài ra, xã sẽ trực tiếp hỗ trợ gia đình em hoàn tất các thủ tục nhập học khi có giấy báo trúng tuyển, hướng dẫn tiếp cận các khoản vay ưu đãi cho sinh viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo theo quy định.
Bên cạnh đó, xã Yên Thổ đang tích cực kết nối các nhà hảo tâm, doanh nghiệp và các mạnh thường quân để chung tay hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Việc kịp thời động viên, tiếp sức cho những học sinh như em Tây chính là cách để lan tỏa tinh thần hiếu học, đồng thời khơi dậy niềm tin vào con đường tri thức, góp phần thoát nghèo bền vững. Hiện nay, xã Yên Thổ chưa có trường trung học phổ thông, học sinh muốn học lên lớp 10 phải đến thị trấn huyện cũ, quãng đường di chuyển từ các thôn đến trung tâm khá xa. Do đó, công tác khuyến học, khuyến tài được xã đặc biệt quan tâm, phối hợp cùng các tổ chức đoàn thể như: Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ để nâng đỡ, chăm lo cho thế hệ tương lai.
Từ mái nhà sàn đơn sơ giữa núi rừng Nà Lốm, hành trình đến giảng đường đại học của em Đặng Thị Tây không chỉ là một kết quả thi xuất sắc, còn là biểu tượng của nghị lực, khát vọng và sức mạnh nội tại của thế hệ trẻ nơi vùng cao.
Huyền Trang