Nữ vận động viên khởi nghiệp với ý chí kiên cường

Nữ vận động viên khởi nghiệp với ý chí kiên cường
8 giờ trướcBài gốc
Mô hình “Nuôi gà an toàn sinh học lấy trứng” của chị Lê Thị Thanh Tuyền
Bên lề cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh" khu vực miền Trung năm 2024, chị Lê Thị Thanh Tuyền gây ấn tượng bởi câu chuyện khởi nghiệp truyền cảm hứng của mình.
Trong cuộc trò chuyện, người phụ nữ nhỏ nhắn với đôi mắt đầy sự quyết tâm này đã đưa chúng tôi về với miền quê đầy nắng gió Triệu Sơn (huyện Triệu Phong, nay là xã Triệu Cơ, tỉnh Quảng Trị), nơi chị đang sinh sống và bắt đầu dự án khởi nghiệp của mình. Chị Tuyền tâm sự, chị bị khuyết tật vận động từ nhỏ, cuộc sống không hề dễ dàng. Thay vì gục ngã, chị chọn cách vươn lên.
Nhiều năm liền, chị tham gia các cuộc thi đấu thể thao dành cho người khuyết tật và giành nhiều giải thưởng cấp tỉnh. Chị Tuyền từng có dự định sẽ nỗ lực tham gia thi đấu ở những sàn đấu quốc tế. Sau khi lập gia đình và sinh con, chị quyết định dừng sự nghiệp thể thao, tìm hướng đi mới cho mình.
Đó là khởi nghiệp với mô hình nuôi gà an toàn sinh học lấy trứng, với mong muốn nâng cao đời sống cho bản thân, gia đình và truyền cảm hứng cho phụ nữ cùng hoàn cảnh.
Khởi nghiệp từ những điều bình dị
"Tôi muốn làm chủ kinh tế để chứng minh rằng phụ nữ khuyết tật cũng có thể làm được những điều có ích", chị Tuyền chia sẻ. Khởi nghiệp không đơn giản, nhất là với một người phụ nữ khuyết tật sống ở vùng quê còn nhiều khó khăn như chị Tuyền.
Chị Lê Thị Thanh Tuyền tham gia cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” năm 2024 với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” do Hội LHPN Việt Nam tổ chức
Nhưng chị đã tìm ra hướng đi cho mình từ những điều gần gũi, quen thuộc với người nông dân, bắt đầu từ chính mảnh vườn của gia đình.
"Nuôi gà không phải là mô hình kinh tế mới nhưng để nuôi gà sạch, cho trứng chất lượng cao thì không phải ai cũng làm được", chị Tuyền chia sẻ. Đó là động lực để dự án "Nuôi gà an toàn sinh học lấy trứng" của chị Lê Thị Thanh Tuyền được hình thành.
Bắt đầu với quy mô 50 con gà thả vườn, ăn thức ăn hữu cơ, không dùng chất kích thích, chị Thanh Tuyền đã sử dụng mô hình chuồng trại được thiết kế đơn giản nhưng khoa học, giúp đàn gà sinh trưởng tốt.
Khó khăn ban đầu chị gặp phải là hạn chế về nguồn vốn và sự khắc nghiệt của thời tiết. Mảnh đất Quảng Trị, lúc thì nắng nóng bỏng rát, lúc lại bão lụt, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chăn nuôi. Có khi gà mắc bệnh hàng loạt, gây tổn thất kinh tế nặng nề.
Nhưng chị Tuyền không nản. "Tôi tự rút ra bài học cho mình, phải tìm hiểu kỹ về kỹ thuật chăm sóc và quy luật thời tiết để có kế hoạch phòng dịch cho đàn gà tốt hơn. Mỗi lần thất bại là một lần tôi rút ra kinh nghiệm cho mình", chị Tuyền chia sẻ.
Khởi nghiệp không cần bắt đầu bằng điều to tát mà chỉ cần bắt đầu bằng một trái tim kiên cường. Tôi mong sẽ có thêm nhiều cuộc thi khởi nghiệp để phụ nữ khuyết tật có cơ hội thể hiện mình, học hỏi và lan tỏa những giá trị sống tích cực. Lần đầu tham gia Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp”, tôi rất bỡ ngỡ nhưng càng đi sâu vào các vòng trong, tôi càng được trau dồi thêm kiến thức và thay đổi tư duy, tầm nhìn của mình. Tôi mong có nhiều cuộc thi như vậy được tổ chức để chị em phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật, có cơ hội để tham dự, phát triển bản thân”.
Chị Lê Thị Thanh Tuyền
Chọn mô hình nuôi gà an toàn sinh học, chị Tuyền mong muốn dự án của mình không chỉ tạo ra sản phẩm sạch cho người tiêu dùng mà còn góp phần bảo vệ môi trường, không gây ô nhiễm nguồn nước hay đất đai.
Chính sự sáng tạo và tinh thần vượt khó đó đã giúp dự án "Nuôi gà an toàn sinh học lấy trứng" của chị Lê Thị Thanh Tuyền vượt qua các vòng sơ loại và đạt giải Khuyến khích tại Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh" năm 2024 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.
Chị Tuyền cho biết thêm, đây là lần đầu tiên chị tham gia một cuộc thi khởi nghiệp. Càng vào những vòng trong, chị càng vững tin vào con đường mình đã chọn.
Truyền động lực khởi nghiệp cho phụ nữ
Điều đặc biệt ở chị Tuyền không chỉ là câu chuyện lập thân, lập nghiệp mà còn là ước mơ lan tỏa giá trị mô hình đến cộng đồng người khuyết tật. Chị Tuyền thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm nuôi gà an toàn sinh học cho chị em trong câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật tại địa phương.
Chị Lê Thị Thanh Tuyền với Dự án "Nuôi gà an toàn sinh học lấy trứng"
"Tôi mong muốn các chị em có hoàn cảnh giống tôi hiểu rằng, không ai bị bỏ lại phía sau. Dù là người khuyết tật nhưng nếu biết lựa chọn mô hình phù hợp, chịu học hỏi và kiên trì thì vẫn có thể sống tốt, tự lập và sống có ích. Tôi cũng hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng ở các xã khác, không chỉ để phát triển kinh tế mà còn để tạo công ăn việc làm cho phụ nữ dễ bị tổn thương, phụ nữ khuyết tật, những người ít có cơ hội tiếp cận thị trường lao động", chị Tuyền chia sẻ.
Hiện tại, quy mô của mô hình chăn nuôi gà sinh học còn nhỏ nhưng chị Tuyền cho biết, sau mỗi lứa, chị lại tích cóp để nhân đàn và thử nghiệm các giống gà mới, phù hợp với điều kiện thời tiết khắc nghiệt của miền Trung.
"Tôi muốn chứng minh một điều thật giản dị: Nghị lực không nằm ở hình thể mà ở tinh thần. Dù là người khuyết tật nhưng nếu nỗ lực, bạn hoàn toàn có thể vững bước để khởi nghiệp. Và đừng quên, bên cạnh bạn luôn có sự đồng hành, hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể để ước mơ khởi nghiệp của bạn sớm thành hiện thực", chị Tuyền khẳng định.
Dự án "Nuôi gà an toàn sinh học lấy trứng" của chị Lê Thị Thanh Tuyền hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao vị thế của người phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật. Dự án được kỳ vọng sẽ nhân rộng ở nhiều địa phương nhằm nâng cao đời sống người dân và góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Lê Hoa
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/nu-van-dong-vien-khoi-nghiep-voi-y-chi-kien-cuong-20250721132423624.htm