Ông bà nuông chiều cháu quá, lợi bất cập hại

Ông bà nuông chiều cháu quá, lợi bất cập hại
6 giờ trướcBài gốc
Trong nếp nhà Việt, ông bà thường đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc và giáo dục cháu nhỏ. Với nhiều cặp vợ chồng trẻ, ông bà vừa là chỗ dựa, vừa là người giữ cháu không thể thay thế. Tuy nhiên, chính sự gắn bó ấy đôi khi lại kéo theo không ít mâu thuẫn giữa các thế hệ, đặc biệt là khi ông bà quá yêu chiều cháu.
Ảnh minh họa/ Nguồn internet
Cháu thích gì cũng chiều, tình thương hóa hại
Không ít gia đình gặp tình huống, cha mẹ đang nghiêm khắc dạy con thì ông bà lại xen vào, thậm chí trách ngược cha mẹ. Chỉ cần trẻ khóc, ông bà lập tức can thiệp, dỗ dành, thỏa mãn mọi đòi hỏi. Việc này lặp lại nhiều lần khiến đứa trẻ hiểu rằng, cứ mè nheo, khóc lóc là có ông bà.
Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ được nuông chiều quá mức dễ trở thành “ông hoàng, bà chúa” trong nhà. Khi ra ngoài, tiếp xúc môi trường tập thể như trường học, trẻ khó thích nghi vì không còn ai chiều chuộng vô điều kiện. Nhiều bé dễ xung đột với bạn bè, thiếu kỹ năng hợp tác và chia sẻ.
Một trong những nỗi khổ phổ biến của các bậc cha mẹ là, muốn dạy con vào khuôn phép nhưng lại vướng ông bà. Có không ít trường hợp, cha mẹ cấm con ăn đồ ngọt, đồ vặt thì ông bà lén mua, sợ cháu tội nghiệp. Cha mẹ dạy con tự gấp quần áo, tự dọn đồ chơi thì ông bà lại làm hết vì sợ cháu vất vả. Chính sự xung đột ngầm này khiến đứa trẻ không biết nghe ai. Trẻ dễ hình thành tâm lý chống đối cha mẹ, bỏ ngoài tai lời dạy vì đã có ông bà đứng ra bảo vệ. Về lâu dài, điều này khiến cha mẹ mất quyền uy, mất khả năng uốn nắn con.
Trẻ dễ thiếu kỹ năng tự lập
Một hệ quả dễ thấy khác là trẻ mất kỹ năng tự lập. Ông bà lo từ bữa ăn, giấc ngủ, mặc quần áo, buộc dây giày… khiến trẻ không có cơ hội rèn luyện kỹ năng sinh hoạt. Thực tế, nhiều bé tiểu học nhưng vẫn không biết tự xúc cơm, không biết xếp sách vở, không biết tự thu dọn đồ chơi… tất cả bắt nguồn từ thói quen được phục vụ tận răng.
Khi lớn hơn, sự thiếu tự lập còn thể hiện ở việc trẻ gặp khó khăn khi thích nghi môi trường tập thể, dễ bị cô lập, thiếu tự tin, hay dựa dẫm vào người khác. Những thói quen xấu hình thành từ nhỏ sẽ rất khó thay đổi khi trẻ trưởng thành.
Ông bà cũng chịu nhiều áp lực
Chiều cháu quá mức đôi khi cũng làm khổ chính ông bà. Tuổi già sức yếu, nhưng nhiều ông bà vẫn phải chạy theo để làm vừa lòng cháu, từ việc mua đồ chơi, đưa đi chơi công viên, đến việc thức đêm trông cháu quấy khóc. Không ít ông bà bị căng thẳng, stress vì không khéo léo cân bằng giữa tình thương cháu và mối quan hệ với con cái.
Thực tế, nhiều gia đình mâu thuẫn, cha mẹ cơm không lành, canh không ngọt chỉ vì bất đồng quan điểm trong cách nuôi dạy trẻ. Nhiều bà mẹ than thở: “Ra đường ai cũng khen con tôi ngoan, mà chỉ ở nhà thì bướng bỉnh, vì cứ đụng chuyện là ông bà bênh cháu.”
Làm sao để tình thương của ông bà không thành nuông chiều?
Điều quan trọng nhất là cha mẹ phải thẳng thắn trao đổi với ông bà, để ông bà hiểu mục tiêu giáo dục con cháu. Thay vì cấm đoán gay gắt, cha mẹ nên nhẹ nhàng phân tích, chia sẻ các quan điểm khoa học về nuôi dạy trẻ: tại sao nên cho trẻ tự lập, vì sao không nên cho trẻ ăn vặt, tại sao không nên đáp ứng mọi đòi hỏi của trẻ…
Bên cạnh đó, chính cha mẹ cũng phải làm gương, kiên trì với nguyên tắc: thương con nhưng không nuông chiều. Khi ông bà thấy cha mẹ kiên quyết, họ cũng sẽ dần điều chỉnh cách chiều cháu.
Ngoài ra, cha mẹ nên khuyến khích ông bà tham gia các hoạt động cùng cháu như kể chuyện, chơi trò chơi, dạy cháu gấp quần áo, tưới cây… Những việc này vừa gắn kết tình cảm, vừa giúp trẻ rèn kỹ năng tự phục vụ.
Tình thương của ông bà là món quà quý giá mà không đứa trẻ nào may mắn có được. Tuy nhiên, tình thương đó cần đặt đúng chỗ, đúng mực. Thương yêu là nâng đỡ con cháu phát triển đúng hướng chứ không phải biến trẻ thành “ông hoàng bà chúa” trong gia đình. Dạy con, dạy cháu là hành trình cần sự đồng lòng của cả ba thế hệ, để đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh, tự tin và biết sống có trách nhiệm.
Trương Hiền
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/ong-ba-nuong-chieu-chau-qua-loi-bat-cap-hai-post1554165.html