Ông Shigeru Ishiba, vị Thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản là ai?

Ông Shigeru Ishiba, vị Thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản là ai?
3 giờ trướcBài gốc
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ishiba Shigeru, người sẽ là Thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản. (Nguồn: Reuters)
"Con sói đơn độc"
Thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản Ishiba Shigeru cho biết, ông đọc ba cuốn sách mỗi ngày và thà làm như vậy còn hơn là giao du với những người đồng nghiệp trong LDP - những người đã bầu ông làm lãnh đạo mới của đảng vào trưa ngày 27/9.
Nỗ lực giành quyền lãnh đạo đảng LDP thành công sau bốn lần thất bại đã đưa người đàn ông 67 tuổi, tự nhận là một "con sói đơn độc" lên nắm quyền lãnh đạo LDP, đảng đã cầm quyền ở đất nước Mặt trời mọc trong bảy thập kỷ qua.
Ông Ishiba tiếp quản LDP trong bối cảnh sự ủng hộ của công chúng giảm nghiêm trọng trong hai năm qua bởi những tiết lộ về mối liên hệ với một nhà thờ bị những người chỉ trích coi là một giáo phái và một vụ bê bối về các khoản quyên góp của đảng không được ghi chép.
Ông là nghị sỹ Quốc hội từ năm 1986 và từng là bộ trưởng quốc phòng sau một sự nghiệp ngân hàng ngắn ngủi. Ông Ishiba đã bị Thủ tướng sắp mãn nhiệm Kishida Fumio gạt sang một bên khiến ông trở thành một tiếng nói bất đồng chính kiến trong LDP.
Cựu Bộ trưởng quốc phòng Ishiba Shigeru phản đối mạnh mẽ các chính sách bao gồm việc tăng cường sử dụng năng lượng hạt nhân và chỉ trích đảng của mình vì không cho phép các cặp vợ chồng sử dụng họ riêng.
Vào tháng trước khi ông Ishiba phát động chiến dịch tranh cử tại một đền thờ Thần đạo ở tỉnh Tottori, nơi cha ông là Thống đốc và ông bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình vào thời kỳ đỉnh cao của nền kinh tế Nhật Bản, ông đã tuyên bố "Tôi coi đây là trận chiến cuối cùng của mình".
Cũng tại buổi phát động chiến dịch tranh cử này, ông phát biểu: "Tôi sẽ mang lại một nước Nhật sôi động, nơi mọi người có thể sống với nụ cười".
Ông Ishiba cũng từng là Bộ trưởng nông nghiệp, và ông hứa sẽ chuyển một số bộ và cơ quan chính phủ ra khỏi Tokyo để giúp hồi sinh các khu vực đang "hấp hối" của Nhật Bản.
Ông cũng đề xuất thành lập một cơ quan giám sát việc xây dựng các nơi trú ẩn khẩn cấp trên khắp Nhật Bản - đất nước thường xuyên xảy ra thiên tai.
Không ngại va chạm
Nhưng quan điểm thẳng thắn của ông, bao gồm cả lời kêu gọi đương kim Thủ tướng Kishida Fumio và các thủ tướng khác trước đó từ chức, đã khiến ông trở thành "kẻ thù" trong LDP.
Mối bất hòa đó, cũng bắt nguồn từ việc ông "đào tẩu" sang một nhóm đối lập trong bốn năm vào năm 1993, khiến nhiều người dự đoán răng ông Ishiba khó có thể giành được 20 đề cử mà ông cần từ các nhà lập pháp đồng nghiệp trong LDP để đủ điều kiện trở thành ứng cử viên trong cuộc bầu cử ngày 27/9.
Thế nhưng, sau vòng bỏ phiếu đầu tiên, ông đã lọt vào vòng hai cùng với Bộ trưởng An ninh kinh tế Takaichi Sanae.
Trước đó, ông Ishiba thừa nhận rằng, việc ông từ chối thỏa hiệp đã gây ra vấn đề với các đồng nghiệp của mình trong LDP.
Trước cuộc bỏ phiếu, trong bài phát biểu trước các nhà lập pháp LDP tập trung tại trụ sở đảng, ông nói: "Tôi chắc chắn đã làm tổn thương cảm xúc của nhiều người, gây ra những trải nghiệm khó chịu và khiến nhiều người phải chịu đựng. Tôi thành thật xin lỗi vì tất cả những thiếu sót của mình".
Việc không được các nhà lập pháp ủng hộ đã khiến ông Ishiba phải dựa vào sự ủng hộ mà ông đã vun đắp trong số các thành viên cấp cơ sở trong suốt bốn thập kỷ tham gia chính trường.
Khi rời xa chính phủ, ông vẫn luôn xuất hiện trước công chúng trên các phương tiện truyền thông, bài đăng trên mạng xã hội và trên YouTube, nơi ông suy ngẫm về nhiều chủ đề từ tỷ lệ sinh giảm ở Nhật Bản đến món mì ramen.
Ông cũng tự chế giễu bản thân, bao gồm cả cách cư xử đôi khi ngượng ngùng và sở thích của mình bao gồm các mô hình tàu thủy và máy bay quân sự bằng nhựa, một số trong số đó được ông trưng bày trên giá sách dọc theo văn phòng của mình ở Tokyo.
Quan điểm về Washington
Được coi là một người có sức ảnh hưởng về mặt trí thức của LDP và là chuyên gia về chính sách an ninh quốc gia, ông Ishiba ủng hộ một Nhật Bản quyết đoán hơn có thể giảm sự phụ thuộc vào đồng minh lâu năm Hoa Kỳ, để bảo vệ đất nước.
Các nhà phân tích cho rằng lập trường đó của ông có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ với Washington.
Trong chiến dịch tranh cử lãnh đạo LDP, ông đã kêu gọi Nhật Bản đi đầu trong việc thành lập "NATO châu Á", một ý tưởng nhanh chóng bị Washington bác bỏ vì "quá vội vàng".
Tại Okinawa, nơi tập trung hầu hết các căn cứ của quân đội Hoa Kỳ tại Nhật Bản, ông cho biết ông sẽ tìm cách giám sát chặt chẽ hơn các căn cứ này. Ông cũng muốn Washington trao cho Nhật Bản tiếng nói mạnh mẽ hơn về vấn đề sử dụng vũ khí hạt nhân ở châu Á.
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters mới đây, ông Ishiba cũng chỉ trích phản ứng của phía Hoa Kỳ về vấn đề liên quan giữa Nippon Steel và U.S. Steel trong một vụ đấu thầu. Ông Ishiba nói rằng điều này là không công bằng khi coi Nippon Steel là rủi ro an ninh quốc gia. Tuy nhiên, Thủ tướng Kishida đã tránh đưa ra bình luận về vấn đề này trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11 tới.
Chính sách thay đổi
Tuy nhiên, trước ngày bầu cử, ông Ishiba đã làm dịu một số lập trường chính sách vốn tạo ra bất đồng quan điểm với các đồng nghiệp trong LDP. Đáng chú ý nhất là việc ông cho biết, sẽ giữ một số lò phản ứng hạt nhân hoạt động ở Nhật Bản, mặc dù trước đây ông phản đối mạnh mẽ việc sử dụng năng lượng hạt nhân và ủng hộ các nguồn năng lượng tái tạo.
Là một người bảo thủ về tài chính, ông Ishiba cũng đã hứa sẽ tôn trọng sự độc lập của Ngân hàng Nhật Bản trong việc thiết lập chính sách tiền tệ. Mới đây, ông đã nói rằng không rõ liệu các điều kiện có phù hợp để tăng lãi suất mới hay không.
Một phát biểu khác của ông Ishiba cũng rất được chú ý trên kênh Youtube cá nhân, khi ông tuyên bố "Các chính trị gia không cần phải là bạn thân, miễn là chính sách và lập trường chính trị của họ phù hợp".
(theo Reuters)
Nhất Phong
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/ong-shigeru-ishiba-vi-thu-tuong-tiep-theo-cua-nhat-ban-la-ai-287886.html