Tổng thống Yoon Suk Yeol sẽ phải đối mặt với phiên tòa luận tội. (Ảnh: Korea Herald)
Dù ông Yoon tự chuốc họa với tuyên bố thiết quân luật bất thành vào ngày 3/12, nhưng giờ đây ông đã gia nhập danh sách dài các tổng thống Hàn Quốc gặp họa.
Dưới đây là 6 tổng thống có sự nghiệp kết thúc trong bi kịch.
1. Park Geun-hye - tổng thống Hàn Quốc đầu tiên bị luận tội
Bà Park Geun-hye trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc vào năm 2013, sau đó cũng trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên bị bãi nhiệm do luận tội.
Một vụ bê bối chính trị vào mùa thu năm 2016 đã phơi bày vô số bất thường trong chính quyền của bà. Trong phiên luận tội bà Park, Tòa án Hiến pháp đã nghe các cáo buộc lạm dụng quyền lực, xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tham nhũng, bỏ bê nhiệm vụ bảo vệ mạng sống công dân và vi phạm nghiêm trọng khi cho phép bạn thân can thiệp vào các vấn đề của nhà nước.
Bà Park cũng bị cáo buộc nhận hối lộ từ các tập đoàn, trong khi nhiều nghệ sĩ và người nổi tiếng bị đưa vào danh sách đen vì chỉ trích chính sách của bà, nhiều quan chức phản đối bà cũng bị sa thải. Bà Park cũng bị cho là đã nhận hàng tỷ won hối lộ từ ông Lee Jae-yong, người hiện là chủ tịch của Samsung Electronics.
Năm 2017, Tòa án Hiến pháp duy trì bản luận tội với sự nhất trí tuyệt đối.
Bà Park Geun-hye khi bị dẫn giải. (Ảnh: AP)
Sau cuộc điều tra hình sự, con gái của cố lãnh đạo Park Chung-hee đã bị kết án nhiều tội danh, bao gồm lạm dụng quyền lực, ép buộc và vi phạm luật bầu cử, và bị kết án 22 năm tù.
Chính ông Yoon Suk Yeol là người đóng vai trò chính trong cuộc điều tra đưa bà Park vào nhà lao.
Người kế nhiệm bà Park là Tổng thống Moon Jae-in đã ân xá cho bà vào tháng 12/2021 và bà được ra tù vào cuối tháng đó.
2. Lee Myung-bak – lĩnh án tù 17 năm
Người tiền nhiệm của bà Park là ông Lee Myung-bak bị truy tố vào năm 2018, tức 5 năm sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ tổng thống, vì nghi ngờ tham ô, hối lộ và lạm dụng quyền lực.
Cơ quan công tố tập trung vào các cáo buộc tham nhũng trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Lee năm 2007, trong đó đối thủ chính của ông trong cuộc đua giành đề cử của đảng chính là bà Park Geun-hye.
Samsung cũng bị phát hiện liên quan đến ông Lee. Tập đoàn này, khi đó do ông Lee Kun-hee lãnh đạo, đã trả hàng tỷ won phí kiện tụng thay mặt cho DAS – hãng sản xuất phụ tùng ô tô mà chủ sở hữu thực sự là cựu tổng thống Lee.
3. Roh Moo-hyun - tự tử khi gia đình đang bị điều tra
Ông Roh Moo-hyun, người tại nhiệm từ năm 2003 - 2008, bị điều tra dưới thời chính quyền Lee Myung-bak kế nhiệm.
Bản thân ông Roh đã được xóa tội hối lộ liên quan đến 1,5 tỷ won mà ông nhận từ doanh nhân Park Yeon-cha.
Tổng thống thứ 16 của Hàn Quốc Roh Moo-hyun. (Ảnh: knowhow.or.kr)
Cuộc điều tra phát hiện ra vợ của ông Roh và chồng của cháu gái ông cũng nhận tiền từ ông Park. Vì vậy, ông Roh đã bị bên công tố thẩm vấn. Ông Roh cho biết không biết về những khoản tiền đó và rất tức giận với vợ mình vì nhận khoản tiền.
Trong quá trình điều tra căng thẳng, ông Roh nhảy xuống vách đá gần nhà ông ở tỉnh Gyeongsang Nam vào tháng 5/2009. Cuộc điều tra kết thúc sau khi ông Roh qua đời.
4. Chính quyền Chun Doo-hwan kết thúc bằng biểu tình
Năm 1979, tướng 2 sao Chun Doo-hwan tiến hành một cuộc đảo chính quân sự thành công chống lại Tổng thống Choi Kyu-hah hồi đó.
Sau khi nắm quyền kiểm soát quân đội, ông Chun tiến hành một cuộc đàn áp đẫm máu những cuộc biểu tình đòi dân chủ trên khắp cả nước và cuối cùng tự lên làm tổng thống vào năm 1980.
Thời điểm đó, Hàn Quốc chưa tổ chức bầu cử trực tiếp, trong khi ủy ban bầu cử tổng thống lại do tổng thống đương nhiệm đứng đầu.
Năm 1987, người dân trên khắp đất nước tham gia chiến dịch biểu tình đòi bầu cử trực tiếp. Tháng 1 năm đó, sinh viên đại học Park Jong-chul chết trong cuộc thẩm vấn tàn bạo của cảnh sát vì tham gia biểu tình.
Chính quyền che đậy vụ việc nhưng vẫn bị phơi bày, gây ra làn sóng phẫn nộ trên khắp cả nước.
Cuối cùng, chính quyền Chun nhượng bộ trước yêu cầu của người dân, cam kết áp dụng một hệ thống bầu cử trực tiếp và trả tự do cho chính trị gia đối lập nổi tiếng Kim Dae-jung, người sau này trở thành tổng thống.
Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử tiếp theo, ông Roh Tae-woo, người cũng là tướng quân đội và là bạn của ông Chun, giành chiến thắng. Sau khi rời nhiệm sở, cả ông Chun và ông Roh đều bị kết tội phản quốc vào năm 1996. Cuối cùng, ông Roh lĩnh án 17 năm tù và ông Chun lĩnh án chung thân.
Cả hai đều được đối thủ chính trị Kim Dae-jung ân xá vào các năm 1998 và 1999, khi ông Kim làm tổng thống.
5. Tổng thống cứng rắn Park Chung-hee bị ám sát
Tổng thống Park Chung-hee, cha đẻ của bà Park Geun-hye, áp dụng chính sách hà khắc với Hàn Quốc trong gần 2 thập kỷ, kể từ khi ông lên nắm quyền trong cuộc đảo chính quân sự năm 1961.
Tuy nhiên, quyền lực vững chắc của ông bị thách thức khi cựu giám đốc tình báo Kim Hyung-uk xuất bản một cuốn hồi ký tiết lộ tất cả những mặt tiêu cực của chính quyền.
Tổng thống Park Chung-hee. (Ảnh tư liệu)
Ông Kim biến mất một cách bí ẩn ở Paris vào tháng 10/1979, nhưng mối thù của ông Park với giám đốc tình báo Kim Jae-gyu đã bùng nổ vào cuối tháng, khi ông Kim ám sát Tổng thống Park trong bữa tối.
Khoảng trống quyền lực do vụ ám sát để lại đã tạo điều kiện cho ông Chun Doo-hwan lên nắm quyền trong cuộc đảo chính vào tháng 12/1979.
6. Syngman Rhee - bị lật đổ và chết khi lưu vong
Tổng thống sáng lập của Hàn Quốc Syngman Rhee là một trong những nhân vật chính trị được khối bảo thủ tôn kính nhất hiện nay. Ông được bầu làm tổng thống vào năm 1948 và giành chiến thắng dễ dàng trong cuộc bầu cử năm 1960, sau khi đối thủ duy nhất qua đời.
Đảng Tự do cầm quyền khi đó lo ngại sẽ mất ghế phó tổng thống vào tay phe đối lập, nên đã gian lận phiếu bầu để đảm bảo ứng cử viên Lee Ki-poong sẽ giành chiến thắng.
Điều này dẫn đến các cuộc biểu tình trên toàn quốc vào tháng 4/1960, gây sức ép buộc ông Rhee phải từ chức vào ngày 26/4. Một tháng sau, ông buộc phải đi lưu vong ở Hawaii, nơi ông sống cho đến khi qua đời năm 1965.
Người kế nhiệm ông Rhee là Yun Po-sun chỉ nắm quyền trong 1 năm cho đến khi ông bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự của ông Park Chung-hee năm 1961.
Bình Giang
Theo Korea Herald