Các thành viên cộng đồng Padel Nyok chụp ảnh tập thể tại Jakarta. Những câu lạc bộ dành riêng cho môn thể thao này đang liên tục xuất hiện ở thủ đô Indonesia và nhiều khu vực khác. (Nguồn: Padel Nyok)
Từ trò chơi mới lạ đến trào lưu thành thị
Là sự kết hợp giữa tennis và squash, padel từng chỉ phổ biến trong các nhóm nhỏ. Nhưng nay, môn thể thao này đang lan rộng tại Indonesia, đặc biệt ở các đô thị lớn như Jakarta. Trò chơi diễn ra trong sân kính nhỏ gọn, với luật cho phép bóng bật tường như squash, mang đến trải nghiệm năng động và hấp dẫn thị giác, yếu tố quan trọng trong thời đại mạng xã hội.
Người tổ chức các sự kiện tennis tại thành phố Tangerang Hans Citra ví von, padel giống như một “quán cà phê” nhưng có quy định mặc đồ thể thao. Với nhiều bạn trẻ, việc đến sân padel không chỉ để thi đấu mà còn để được nhìn thấy và ghi dấu ấn phong cách cá nhân.
Các vận động viên thi đấu trong một trận padel tại sự kiện quảng bá môn thể thao này ở Jakarta, tháng 9/2023. (Nguồn: Getty Images)
Sức hấp dẫn ban đầu của padel phần nào đến từ tính “kén chọn”. Giá thuê sân tại Jakarta có thể lên tới 500.000 rupiah (gần 31 USD) mỗi giờ, trong khi vợt chuyên dụng có giá tới 6 triệu rupiah (gần 368 USD) mức chi tiêu đáng kể so với thu nhập trung bình của người dân. Tuy nhiên, chính sự đắt đỏ ấy lại tạo nên sức hút, nhất là với những người theo đuổi xu hướng mới.
Theo bà Angelina Chang, người phát ngôn của cộng đồng Today We Padel, (nơi có hơn 1.400 thành viên đăng ký), bất kỳ xu hướng nào phát triển nhanh cũng đều bắt đầu từ yếu tố phong cách sống. Khi sự mới mẻ qua đi, những người thật sự đam mê sẽ tiếp tục gắn bó, và điều đó là tích cực”.
Sân chơi kết nối và thể hiện bản thân
Không đơn thuần là vận động thể chất, padel còn là phương tiện kết nối xã hội. Nhiều người đến sân không chỉ để thi đấu, mà để gặp gỡ, giao lưu, mở rộng quan hệ cá nhân và công việc. Bà Angelina Chang chia sẻ, padel được thiết kế cho những ai yêu thích vận động trong môi trường sôi động, chan hòa.
Các thành viên câu lạc bộ Pirate Padel tạo dáng đẹp mắt trên Instagram ở Jakarta. "Mọi người đến sân padel không chỉ để chơi, mà còn để được mọi người chú ý", một người quan sát cho biết. (Nguồn: Nikkei Asia)
Tốc độ tăng trưởng của padel tại Jakarta phản ánh rõ sức hút ấy. Năm 2024, cả nước chỉ có 134 sân, chủ yếu tập trung ở Bali. Nhưng theo tạp chí Manual, đến cuối năm 2025, riêng Jakarta sẽ có hơn 200 sân. Các địa điểm mới thường được tích hợp trong trung tâm thương mại, quán cà phê, lounge cao cấp, tạo nên mô hình giải trí đa năng.
“Đặc biệt ở Jakarta, nơi mọi người luôn tìm kiếm trải nghiệm mới để vận động, kết nối và chia sẻ trên mạng xã hội, padel đáp ứng trọn vẹn những nhu cầu đó”, bà Angelina Chang nói thêm.
Người sáng lập cộng đồng Padel Nyok Achadiat Wahyu cho biết, nhóm của ông đã tăng từ vài chục lên 800 thành viên chỉ trong thời gian ngắn. Ông Wahyu nói: “Lúc đầu phát triển khá chậm, nhưng giờ thì bùng nổ. Số sân mới mọc lên quá nhanh, không kịp đếm. Đây là môn thể thao dễ chơi, mang lại niềm vui và rất hợp với văn hóa thích tụ tập của người Indonesia”.
Từ thể thao giải trí đến công cụ kết nối và đầu tư
Padel không còn chỉ dành cho những người có nền tảng thể thao vợt. Theo Chủ tịch Hiệp hội Padel Indonesia Ari Latenri, yếu tố FOMO (nỗi sợ bị bỏ lại) chính là động lực khiến nhiều người tìm đến môn thể thao này. Từ dân chơi golf, bóng đá đến những người chưa từng tham gia thể thao cũng muốn thử padel.
Với giới doanh nhân tại Jakarta, padel không chỉ là môn thể thao rèn luyện sức khỏe mà còn nhanh chóng trở thành công cụ kết nối và mở rộng quan hệ. (Nguồn: Nikkei Asia)
Điểm khác biệt rõ nét của padel nằm ở khả năng tạo hình ảnh. Nhiếp ảnh gia chuyên chụp các trận padel Akbar Mujadid chia sẻ: “Tuần này tôi có bốn buổi chụp. Nếu không trùng lịch, có thể còn nhận thêm. Khách hàng thường yêu cầu chụp ở góc đẹp nhất, có khi chỉ là ảnh đang bước vào sân hay tạo dáng đánh bóng”.
Sự bùng nổ về nhu cầu tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhanh chóng nhập cuộc. Chủ sân Homegrown Padel Kedoya ở Nam Jakarta Greta Bunawan đã mở thêm cơ sở tại khu Bắc thành phố, đồng thời lên kế hoạch mở rộng ra Surabaya. “Tỷ lệ lấp đầy sân luôn trên 70%, hiệu quả đầu tư rất khả quan”, bà cho biết.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay là thiếu huấn luyện viên. Bà Bunawan chia sẻ: “Số lượng câu lạc bộ tăng mạnh khiến nhu cầu về huấn luyện viên chất lượng ngày càng lớn. Chúng tôi luôn trong tình trạng tuyển người cho hệ thống Homeground”.
Bà cũng phủ nhận quan điểm cho rằng padel chỉ là trào lưu ngắn hạn. “Khách hàng của chúng tôi từ 20 đến 40 tuổi, rất đa dạng, từ người đi làm, gia đình trẻ, người độc thân đến cả người bản địa và người nước ngoài. Chính sự đa dạng này khiến padel trở nên gần gũi với nhiều nhóm đối tượng”.
Dù vẫn bị các môn thể thao truyền thống như tennis, cầu lông hay futsal lấn át về số lượng người chơi, padel đang dần tìm được chỗ đứng riêng. Với sự hậu thuẫn của cộng đồng, các nhà đầu tư và mạng xã hội, môn thể thao này có tiềm năng định hình một phong cách sống mới trong các đô thị hiện đại.
Bà Angelina Chang nhận định: “Thật thú vị khi padel trở thành từ khóa được nói đến khắp nơi. Người ta bàn tán về nó, chia sẻ hình ảnh trên mạng, và cả những ai chưa từng chơi cũng tò mò muốn thử. Năng lượng mà padel mang lại đang lan tỏa mạnh mẽ”.
Các thành viên câu lạc bộ Pirate Padel thi đấu trên sân. (Nguồn: Nikkei Asia)
Dù chưa thể sánh ngang về quy mô với các môn thể thao truyền thống như cầu lông, tennis hay futsal, nhưng padel đang chứng tỏ sức hút riêng trong đời sống đô thị Indonesia.
Với sự kết hợp giữa vận động thể chất, tính giải trí, khả năng kết nối cộng đồng và sự hỗ trợ của truyền thông xã hội, padel không chỉ là một trào lưu nhất thời mà đang từng bước định hình một nhịp sống mới năng động, cởi mở và đầy tính tương tác.
Trong một xã hội đang chuyển mình nhanh chóng, môn thể thao này có thể sẽ trở thành điểm gặp gỡ thú vị giữa nhu cầu rèn luyện cá nhân và khát vọng gắn kết cộng đồng.
(theo Nikkei Asia)
Kha Ninh