Đó là những trao đổi của Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành với Kinh tế & Đô thị xung quanh vấn đề Hà Nội đang thiếu điểm trông giữ xe.
Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành
Ông nhìn nhận như thế nào về tình trạng vừa thiếu điểm trông giữ xe, vừa tồn tại hàng loạt khu đất để hoang hóa tại Hà Nội hiện nay?
- Trong khi TP đang thiếu vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông tĩnh, người dân thiếu chỗ đỗ xe hợp quy, hàng loạt khu vực đất công chưa có dự án hoặc đất dự án chậm triển khai lại bỏ không, hoặc bị biến thành bãi xe “lậu”, đó là những sự lãng phí lớn, rất đáng tiếc. Không chỉ lãng phí nguồn lực, nó còn dẫn đến hệ lụy về an ninh, trật tự, ATGT, cho thấy một số bất cập, tồn tại trong công tác quản lý Nhà nước.
Cụ thể thì lãng phí như thế nào thưa ông?
- Đầu tiên là lãng phí nguồn lực từ tài nguyên đất, một trong những nguồn lực chính để phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước giao đất cho chủ đầu tư để thực hiện các dự án nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Để đất hoang hóa kéo dài nhiều năm không triển khai là lãng phí nguồn lực.
Việc chậm hoặc không triển khai dự án theo quy hoạch đã là cản trở phát triển kinh tế - xã hội; lại dẫn đến đất bỏ không trong khi người dân đang thiếu hạ tầng giao thông tĩnh là vô cùng lãng phí. Trong khi chờ các dự án thực hiện, nếu cấp phép tạm cho trông giữ xe tại đó vừa thu được tiền về cho ngân sách, vừa tạo ra việc làm, thu nhập cho người dân, DN.
Nhưng do vướng mắc trong cơ chế, chính sách, không cấp phép được mà bỏ không, đó là lãng phí về hiệu quả kinh tế. Mặt khác, không cấp phép cho các đơn vị trông giữ xe chính tắc, để đất trống biến thành bãi xe “lậu”, tiền chảy vào túi cá nhân thì TP và người dân gánh chịu, đó là lãng phí, thất thoát tài sản xã hội.
Về phía DN, thời gian qua họ rất quan tâm đến các dự án giao thông tĩnh nói chung và việc đầu tư các điểm trông giữ xe tạm nói riêng, không ai muốn làm bãi “lậu”, vi phạm pháp luật. Nhưng vướng mắc về cơ chế, chính sách, sự lúng túng của UBND quận, huyện khiến họ nản lòng, từ bỏ. Không giữ chân được DN cũng chính là lãng phí nguồn lực xã hội, trong khi TP đang còn gặp nhiều khó khăn.
Thực tế đó đòi hỏi phải sớm khắc phục để tận dụng tốt mọi nguồn lực, vừa góp phần đáp ứng nhu cầu, mong mỏi của người dân, vừa chống lãng phí, thất thoát.
Theo ông, nguyên nhân sâu xa của việc không cấp phép trông giữ xe tạm trên đất dự án chậm triển khai, đất trống là gì?
- Quan điểm chỉ đạo chung xuyên suốt đã nhận thức được vấn đề này và đã định hướng xử lý giải quyết. Tuy nhiên, việc cụ thể hóa bằng các quy định, hướng dẫn làm căn cứ thực hiện vẫn còn thiếu. Sâu xa hơn nữa là do công tác quản lý của các địa phương chưa hiệu quả, thậm chí còn có sự lơ là, chưa quan tâm đúng mức.
Việc cấp phép trông giữ xe tạm tại các khu vực đất như nêu trên là thẩm quyền chủ yếu của UBND các quận huyện. Nếu quy định của pháp luật chưa có hoặc chưa rõ thì địa phương phải tham mưu, đề xuất để TP xây dựng hoặc hoàn thiện, nêu rõ bằng văn bản làm căn cứ thực hiện.
Nhiều địa phương chỉ phát văn bản hỏi cấp cao hơn hoặc sở chuyên ngành mà không có tham mưu đề xuất gì là chưa có tinh thần trách nhiệm cao. Thậm chí, cá biệt có những trường hợp thuộc trách nhiệm, thẩm quyền quyết định những vẫn né tránh, đùn đẩy lên cấp trên cho thấy tâm lý rụt rè, e ngại, không dám nghĩ, không dám làm.
Mặt khác, nhiều quận, huyện báo cáo rằng không đủ căn cứ, cơ sở để cấp phép trông giữ xe tạm trên đất dự án treo, đất trống nhưng lại để bãi xe lậu mọc lên, tồn tại kéo dài, gây lãng phí cho Nhà nước, khó khăn cho người dân. Nếu đã không cho tổ chức trông giữ xe chính tắc thì tại sao còn để bãi xe “lậu” phát sinh(?). Đó là vấn đề rất đáng suy nghĩ.
Có ý kiến lo ngại việc cấp phép tạm trông giữ xe trên đất dự án chậm triển khai, đất trống sẽ dẫn đến khó khăn khi thu hồi đất, hoặc khiến dự án “treo” lâu hơn nữa. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
- Tôi cho rằng không cần lo ngại đến vấn đề đó. Cấp phép trông giữ xe tạm tức là có thời hạn và có điều kiện đi kèm (trong mọi trường hợp khi Nhà nước yêu cầu thu hồi tại bất kỳ thời điểm nào phải bàn giao thực hiện vô điều kiện và không bồi hoàn).
UBND các quận, huyện có thể dựa trên thực tế mỗi khu vực đất để cấp phép; nêu rõ thời hạn cấp phép kèm theo các điều kiện ràng buộc. Khi có yêu cầu thu hồi hoặc dừng hoạt động nếu DN chây ì không trả đất thì cưỡng chế, thu hồi, hoặc phối hợp với cơ quan chức năng tạm đình chỉ hoạt động của DN. Chúng ta có đủ chế tài để ngăn chặn tình trạng cố tình chây ì, chiếm đất.
Hơn nữa, các dự án “treo” lâu thì nên kiên quyết thu hồi đất, không gia hạn. Không phải vì cần làm bãi đỗ xe mà để cho dự án muốn kéo dài bao lâu cũng được. Đất đai là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, không thể để lãng phí, phải tận dụng tối đa, đem lại hiệu quả thiết thực cả trước mắt và lâu dài. Muốn như vậy phải tăng cường công tác quản lý, vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật hiện có.
Quy định nào chưa có, chưa đầy đủ phải điều chỉnh, bổ sung. Quá trình thực hiện phải nghiêm minh, dứt khoát, không thể vì sợ rủi ro mà không làm.
Để ngăn ngừa, khắc phục lãng phí, mở rộng hạ tầng giao thông tĩnh phục vụ người dân, Hà Nội cần phải làm gì thưa ông?
- Trước tiên TP cần tiếp tục tăng cường phân cấp, phân quyền nhiều hơn; các địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn. Việc tổ chức trông giữ xe tạm có thu phí tại những ô đất trống rất cần thiết và có thể làm được nếu mỗi địa phương đều quan tâm đúng mức đến vấn đề này.
UBND các quận, huyện cần rà soát thực tế, báo cáo khó khăn vướng mắc đi kèm với giải pháp tháo gỡ để Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội xem xét, đưa ra quy định phù hợp bằng văn bản. Có căn cứ pháp lý cụ thể, rõ ràng mới triển khai được.
Không chỉ trông giữ xe tạm tại các ô đất còn trống, mà ngay cả việc cho đỗ xe, trông xe trên các tuyến đường có mặt cắt lớn cũng vẫn cần tiếp tục được thực hiện để đáp ứng nhu cầu đỗ xe của người dân. Quy định hiện tại nếu chưa phù hợp, còn bất cập thì địa phương phải báo cáo, đề xuất để cấp cao hơn điều chỉnh.
Hiện TP đã ban hành quy chế tạm thời về tổ chức trông giữ phương tiện, yêu cầu tất cả phải áp dụng thu phí không dùng tiền mặt có kết nối trực tiếp đến cơ quan thuế để minh bạch nguồn thu. Đó là điều kiện rất quan trọng để chống lãng phí trong khai thác hạ tầng giao thông tĩnh. UBND các quận, huyện chỉ cần thực hiện đúng, chỉ cấp phép cho trông giữ xe với những DN có đầu tư hệ thống thu phí không tiền mặt, sẽ thấy rõ hiệu quả ngay.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Ngọc Hải