Phát triển điện hạt nhân: Đảm bảo nhiệm vụ kép

Phát triển điện hạt nhân: Đảm bảo nhiệm vụ kép
3 giờ trướcBài gốc
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, Nhật Bản. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Mới đây, Chính phủ đã trình Quốc hội việc tiếp tục chủ trương đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận; trong đó nêu rõ sự cần thiết phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam. Đây là một bước quan trọng trong định hướng năng lượng quốc gia trước áp lực đảm bảo an ninh năng lượng và phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
*Đảm bảo nhiệm vụ kép
Theo tờ trình, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết, dự báo nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng cao. Theo Quy hoạch điện VIII, tổng công suất đặt hệ thống điện hiện nay từ khoảng 80GW tăng lên 150GW vào năm 2030 và lên đến khoảng 490-573GW vào năm 2050.
Chính phủ nhận định việc phát triển nguồn điện hạt nhân ở Việt Nam mang lại nhiều tác dụng, giúp đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, bảo đảm an ninh năng lượng. Đây cũng là giải pháp đáp ứng được nhiệm vụ kép: vừa cung cấp điện nền, vừa đảm bảo môi trường.
Trao đổi về vấn đề này tại buổi họp báo gần đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, căn cứ Quy hoạch điện VIII, Bộ Công thương đang nghiên cứu lại, tìm hiểu thực tế và nhu cầu thực tiễn để báo cáo lại với Chính phủ.
“Xu thế hiện nay các nước phát triển điện hạt nhân là do nhu cầu năng lượng, nhưng thiếu điện nền nên phải phát triển điện hạt nhân. Hiện các nước đều nghiên cứu tăng gấp 2-3 lần sản lượng và quy mô điện hạt nhân. Chẳng hạn như Nhật Bản, dù đã có sự cố trước đó, tuy nhiên, tỷ trọng điện hạt nhân nước này chiếm 20-25% sản lượng điện”, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, thế giới phát triển điện hạt nhân ở giai đoạn công nghệ thứ 3, thứ 4 và các công nghệ đã được áp dụng thực tiễn, đảm bảo an toàn tối đa, mức độ rủi ro về 0.
Trước đó, năm 2009, Việt Nam đã có chủ trương nghiên cứu để phát triển điện hạt nhân nhưng sau đó tạm dừng. Theo ông Bùi Quốc Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương, lúc đó Việt Nam có nhiều khó khăn về nhân lực, tài chính nên có nghị quyết tạm dừng điện hạt nhân Ninh Thuận.
Song, hiện nay thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến tích cực nên Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương cùng Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu phát triển điện hạt nhân trên thế giới.
"Việc phát triển trong gian tới là rất cần thiết, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững. Phát triển như thế nào sẽ được nghiên cứu kỹ và đánh giá toàn diện trong quy hoạch điện VIII", ông Hùng nói.
Cũng tại dự thảo Luật Điện lực sửa đổi, Bộ Công Thương đề xuất phát triển điện hạt nhân là Nhà nước sẽ độc quyền trong đầu tư, xây dựng và vận hành các dự án nhà máy điện hạt nhân, nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu, lưới điện truyền tải... Trong đó, các chính sách phát triển điện hạt nhân gồm quy hoạch phát triển điện hạt nhân sẽ đồng bộ với quy hoạch phát triển điện đảm bảo mục tiêu an ninh cung cấp điện. Dự án điện hạt nhân là dự án quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, do Nhà nước đầu tư xây dựng và vận hành.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN
*Triển khai sao cho phù hợp?
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy thống nhất sự cần thiết về việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Trước bối cảnh nền kinh tế - xã hội toàn cầu có nhiều biến động; nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam được dự báo vẫn tiếp tục tăng cao, mục tiêu đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cơ quan này đánh giá, việc tiếp tục triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là hết sức cấp thiết.
Theo ông Nguyễn Thái Sơn, chuyên gia Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, điện hạt nhân là nguồn không phát thải khí nhà kính trong quá trình vận hành. Thế giới đã công nhận đây là nguồn năng lượng sạch. Thời gian qua, cả nước đã “phát triển nóng” về năng lượng tái tạo với tỷ lệ công suất trong hệ thống điện chiếm tới 26%. Tuy nhiên, điện năng chỉ chiếm khoảng hơn 12%. Nguồn điện tái tạo vừa qua cũng cho thấy sự khó khăn trong vận hành hệ thống điện, truyền tải do tính bất ổn.
"Bên cạnh đó, yêu cầu về giảm phát thải trong khi tăng trưởng điện ở mức cao đặt ra những thách thức trong việc tìm ra nguồn điện lớn, ổn định. Vì vậy, việc trở lại nghiên cứu khởi động điện hạt nhân đang là ưu tiên do đảm bảo được dòng điện liên tục, không phụ thuộc thời tiết như các loại hình thủy điện, nhiệt điện hay năng lượng tái tạo. Việc song hành của điện hạt nhân với điện năng lượng tái tạo là định hướng nổi bật để đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam trong các năm tới", ông Nguyễn Thái Sơn cho hay.
Để triển khai được loại hình năng lượng này, chuyên gia từ Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho hay, cần sự chuẩn bị kỹ về mọi mặt, từ cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực tới xây dựng các cơ chế an toàn hạt nhân nghiêm ngặt để quản lý chất thải hiệu quả. Các việc này phải thực hiện với chiến lược dài hạn, bài bản, thận trọng.
Các vấn đề khác như đảm bảo an ninh cung cấp nhiên liệu hạt nhân; quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; an toàn hạt nhân; năng lực hỗ trợ kỹ thuật; các chính sách về đào tạo và sử dụng nhân lực điện hạt nhân; đầu tư và thu xếp tài chính… cũng là những vấn đề cần chú trọng thực hiện sớm.
“Trước mắt, quan trọng nhất phải xây dựng văn hóa an toàn hạt nhân là tiêu chí cứng cho mỗi nhân viên vận hành nhà máy, cũng như các cán bộ quản lý. Với công nghệ hiện nay, điện hạt nhân không phải lo ngại về xảy ra sự cố”, ông Sơn nhận định.
Cũng theo TS. Võ Văn Thuận, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, để tiếp tục chương trình điện hạt nhân, trước tiên, cần được ghi nhận trong Luật Điện lực sửa đổi sắp tới. Còn việc thực hiện cần có ý chí quyết tâm từ các cấp cao nhất ra quyết định chính sách để tránh những quyết định có xu hướng chủ quan, cảm tính, thiếu cơ sở khoa học - kinh tế. Đồng thời cần thành lập tổ công tác Chính phủ có thành phần nòng cốt là Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) và ngành kinh tế năng lượng (Bộ Công Thương). Cùng với đó, khởi động lại các chương trình đào tạo đã có sẵn từ trước.
Liên quan đến vấn đề an toàn của điện hạt nhân, TS. Võ Văn Thuận cho hay, vấn đề an toàn hạt nhân vẫn luôn làm nhiều người dân băn khoăn lo ngại. Tuy nhiên, các phân tích khoa học cho thấy, điện hạt nhân rất an toàn so với nhiều dạng năng lượng điện khác hoặc so với các tác động khác lên con người như tai nạn từ nhiệt điện, từ nhiễm bệnh do hút thuốc… Điều này có thể thấy, tuy vấn đề e ngại an toàn hạt nhân luôn cần được chú trọng giải quyết, nhưng nó cũng bị khuếch đại quá mức bởi tâm lý lo lắng. Một điểm khác, Việt Nam đã gia nhập các công ước quốc tế để phối hợp giúp công tác chuẩn bị về luật pháp, quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật phải đạt yêu cầu chất lượng cao, đảm bảo đáp ứng tốt về an toàn hạt nhân.
Để chuẩn bị cho nhân lực, phát triển điện hạt nhân, nhiều năm trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã cử đoàn sinh viên từ 17 trường đại học trên toàn quốc sang Liên bang Nga để học tập theo Hiệp định giữa 2 quốc gia. Đây được xem là bước chuẩn bị cho chương trình điện hạt nhân của Việt Nam.
Nhiều chuyên gia năng lượng khác cũng cho hay, để phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam việc đầu tiên cần thực hiện là phải đưa chính sách phát triển điện hạt nhân vào Luật Điện lực. Sau đó giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành thực hiện việc khảo sát ngay tiềm năng về nhiên liệu điện hạt nhân ở Việt Nam cũng như địa điểm tiềm năng để triển khai.
Một yếu tố quan trọng khác chính là tính toán chi phí đầu tư, giá thành điện hạt nhân ở mức ổn định, chấp nhận được cũng như cơ cấu tỷ trọng điện hạt nhân trong tổng thể chung của quy hoạch điện. Việc đảm bảo môi trường, an toàn phóng xạ, quyết tâm triển khai trong dài hạn cũng là vấn đề cần cụ thể hóa trong các quy định pháp luật để triển khai các dự án điện hạt nhân.
Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/phat-trien-dien-hat-nhan-dam-bao-nhiem-vu-kep/355030.html