Phát triển trước tiêu thụ sau: Nông dân chịu thiệt - (kỳ 2) Lời giải cho bài toán 'được mùa mất giá'

Phát triển trước tiêu thụ sau: Nông dân chịu thiệt - (kỳ 2) Lời giải cho bài toán 'được mùa mất giá'
5 giờ trướcBài gốc
Sản xuất na theo quy trình VietGAP giúp người dân xã La Hiên (Võ Nhai) tiêu thụ sản phẩm dễ dàng hơn.
Nâng cao chất lượng nông sản
Thay đổi tư duy sản xuất, không phát triển theo diện tích mà tập trung vào nâng cao chất lượng nông sản, đưa đến tay người tiêu dùng những sản phẩm an toàn là điều nông dân phải làm. Theo ông Vũ Đức Hảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, để làm được điều này, nông dân nên đầu tư bài bản, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, hiệu quả, tổ chức lại sản xuất, liên kết để làm sao phát triển cây trồng bền vững hơn.
Trên thực tế, hoạt động sản xuất nông sản của người dân Thái Nguyên hiện nay vẫn là mạnh ai nấy làm. Do đó, để nâng cao chất lượng và tìm đầu ra ổn định cho nông sản, việc tăng cường liên kết (Nhà nước - doanh nghiệp - nhà khoa học - nông dân) nhằm phát triển sản xuất quy mô lớn, bảo đảm chất lượng là rất cần thiết. Việc sản xuất của nông dân dưới sự tư vấn kỹ thuật của các nhà khoa học cùng với sự định hướng, quy hoạch của nhà nước sẽ đảm bảo năng suất, chất lượng nông sản đồng đều.
Điều này đã được minh chứng từ các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như việc liên kết sản xuất các loại giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao giữa nông dân Thái Nguyên và Trung tâm Giống cây trồng, vật nôi và thủy sản tỉnh. Hằng năm, Trung tâm ký hợp đồng với nông dân Phú Lương, Định Hóa liên kết sản xuất giống lúa J02, Bao thai… và bao tiêu sản phẩm cho bà con, giúp bà con có thu nhập ổn định từ trồng lúa giống.
Cùng với đó, tỉnh nên có các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư cho công nghệ chế biến. Đồng thời, định hướng để doanh nghiệp và nông dân xác định sản phẩm nào nên xuất tươi, sản phẩm nào nên chế biến để đáp ứng nhu cầu thị trường. Khi chúng ta đầu tư cho chế biến đồng nghĩa với việc công tác kiểm dịch thực vật được thực hiện hiệu quả hơn; giúp nông dân giữ được chất lượng nông sản, không bị thất thoát cũng như gia tăng thời gian sử dụng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Dán tem để truy xuất nguồn gốc
Dán tem nhằm bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc nông sản có vai trò rất quan trọng, giúp nông sản được tiêu thụ ổn định. Từ năm 2020 đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh đã hỗ trợ 3,8 triệu tem dán nhận diện sản phẩm an toàn theo chuỗi cung ứng, gần 1,5 triệu tem dán nhận diện sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm đối với các cơ sở xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP trên địa bàn tỉnh, sản lượng xuất bán hàng năm đạt 15.000 tấn.
Tuy nhiên, con số này còn khá ít ỏi so với số nông sản, nhất là rau, củ, quả sản xuất trên địa bản tỉnh. Trong khi đó, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các thông tin từ tiền sản xuất, đến sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói. Bà Lê Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh, cho rằng: Người sản xuất muốn nâng cao chất lượng nông sản thì phải biết tạo thông tin đầy đủ cho sản phẩm của mình. Dán tem lên sản phẩm chính là đảm bảo được việc truy xuất nguồn gốc cũng như biến nông sản trở thành hàng hóa có giá trị. Theo đó, nông dân nên đẩy mạnh sản xuất an toàn để được cấp các loại chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP, BAP…, tạo nền tảng vững chắc cho việc dán tem, truy xuất nguồn gốc nông sản.
Chia sẻ của bà Hương là rất thực tế bởi tại Thái Nguyên, trong khi nhiều nông dân đang loay hoay tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm thì một số siêu thị, cửa hàng sản xuất, kinh doanh nông sản của tỉnh vẫn giữ giá ổn định.
Đơn cử như Siêu thị Minh Cầu, từ đầu năm đến nay, mặc dù thị trường rau xanh biến động do ảnh hưởng của các đợt bão, lũ, nhất là bão số 3 (hồi tháng 9 năm nay) nhưng giá các loại rau xanh từ đầu năm đến cuối năm đều cơ bản giữ nguyên giá (các loại rau xanh có giá từ 8 đến 10 nghìn đồng/mớ; các loại củ, quả như su hào, bí xanh, bí đỏ có giá trên dưới 30 nghìn đồng/kg).
Không bị tác động bởi tình trạng "được mùa, mất giá", siêu thị Go! (TP. Thái Nguyên) đã trở thành địa chỉ tin cậy để mua nông sản an toàn của người dân trên địa bàn. Giá các loại rau xanh tại đây luôn ổn định.
Tương tự, cửa hàng kinh doanh thực phẩm Phú Sơn food tại đường Hoàng Ngân (TP. Thái Nguyên) cũng có giá bán rau xanh khá ổn định từ 5 năm nay (20 đến 30 nghìn đồng/kg rau, củ, quả tùy loại). Chị Nguyễn Thu Hà, chủ chuỗi kinh doanh thực phẩm Phú Sơn food cho hay: Rau xanh bán tại cửa hàng được sản xuất theo quy trình VietGAP. Nhiều năm nay, dù thị trường rau xanh tại Thái Nguyên có biến động lên - xuống như thế nào thì giá bán các loại rau, củ, quả của chúng tôi vẫn giữ nguyên. Số lượng bán ra hàng ngày có xu hướng tăng lên theo các năm do nhiều người biết đến sản phẩm an toàn của chúng tôi hơn.
Quy hoạch và phát triển theo chuỗi
Việc không tập trung, nhỏ lẻ, manh mún dẫn đến sản xuất thiếu đồng bộ, chất lượng chưa đảm bảo, tiêu thụ khó khăn. Do đó, những năm qua, Thái Nguyên đã quy hoạch thêm các vùng sản xuất tập trung để dễ kiểm soát dịch bệnh, áp dụng đồng bộ các kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, góp phần gia tăng năng suất, chất lượng nông sản.
Tuy vậy, đến nay, vùng sản xuất tập trung của tỉnh vẫn còn khá ít ỏi với trên 2.700ha lúa đặc sản, có thương hiệu; trên 2.000ha cây ăn quả và hơn 1.200ha cây rau. Trong khi đó, diện tích cấy lúa cả năm của tỉnh lên đến hơn 67 nghìn héc-ta, diện tích trồng rau là trên 15 nghìn héc-ta và cây ăn quả là gần 14 nghìn héc-ta. Thực tế này đòi hỏi, các cấp, ngành chức năng nên quan tâm tới công tác quy hoạch các vùng sản xuất tập trung nhiều hơn, bài bản hơn nữa.
Để không còn điệp khúc “được mùa mất giá”, việc phát triển ngành Nông nghiệp theo chuỗi giá trị sản phẩm cũng rất cần được quan tâm. Trong đó, lấy doanh nghiệp làm hạt nhân liên kết với các chủ thể kinh tế trong vùng sản xuất có quy mô phù hợp. Đồng thời, liên kết chặt chẽ chuỗi đầu vào - sản xuất - chế biến - phân phối.
Thực tế cho thấy, việc liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi ở Thái Nguyên còn rất khiêm tốn. Minh chứng rõ nét nhất là trong 5 năm (2020-2024), Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản mới xác nhận và cấp giấy chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 60 cơ sở với 61 chuỗi, trong đó lĩnh vực trồng trọt có 48 chuỗi chè và chỉ có 5 chuỗi rau.
Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng cần siết chặt hơn nữa việc thực hiện các quy định về an toàn thực vật và kiểm dịch thực vật. Hiện, lượng nông sản, trong đó có rau xanh, các loại củ, quả lưu thông trên địa bàn tỉnh khá lớn nhưng do kinh phí còn ít ỏi nên việc lấy mẫu kiểm định chưa được nhiều. Đơn cử, năm 2024, dự ước sản lượng rau xanh của tỉnh trên 288 nghìn tấn, nhưng mỗi năm, chỉ thực hiện phân tích từ 300 đến 400 mẫu nông sản (bao gồm cả sản phẩm chăn nuôi; trồng trọt như chè, các loại quả, rau xanh).
Ngoài ra, để không còn vòng quay “trồng - chặt”, tỉnh nên có chính sách đầu tư về cơ sở hạ tầng logistics, chế biến vận chuyển và khuyến khích doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến. Việc đầu tư hệ thống vận tải lạnh, kho bảo quản đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo quản nông sản.
Đã đến lúc, người nông dân có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của chất lượng nông sản cũng như sản xuất theo định hướng của tỉnh. Để làm được điều này, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh nên tiếp tục tăng cường, hướng dẫn và nâng cao nhận thức cho bà con. Đặc biệt, giúp nông dân hiểu được họ cần làm gì, tìm ai, cần đầu tư kinh phí, vật tư, trang thiết bị ra sao cho đổi mới công nghệ, cây trồng… để có thu nhập cao hơn.
Càng ngày, thị trường càng khắt khe hơn. Trong khi đó, muốn tạo ra giá trị kinh tế lớn hơn, nông sản Thái Nguyên thay vì chỉ nội tiêu, bắt buộc phải gia nhập “sân chơi lớn”. Thực tế này đòi hỏi các cấp, ngành chức năng và nông dân không có cách nào khác ngoài việc phải tự điều chỉnh và thích nghi.
Nhóm P.V
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/kinh-te/202411/phat-trien-truoc-tieu-thusaunong-dan-chiu-thiet-ky-2-loi-giai-cho-bai-toan-duoc-mua-mat-gia-6460831/