Phố đi bộ ở Hà Nội: Nhiều nhưng vẫn thiếu sức hút

Phố đi bộ ở Hà Nội: Nhiều nhưng vẫn thiếu sức hút
18 giờ trướcBài gốc
Được đưa vào hoạt động từ năm 2016, đến nay, phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm vẫn “hút khách” hơn cả. Ảnh: Đức Quang.
Phố đìu hiu, vắng khách
Có tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng từ quận Ba Đình (cũ), phố đi bộ hồ Ngọc Khánh chính thức mở cửa từ tháng 10/2024, với quy mô lớn, gồm hệ thống vỉa hè, cảnh quan, nhất là thiết kế tái hiện nét kiến trúc của Giảng Võ Trường, nơi luyện tập võ thuật, rèn binh pháp của các triều đại phong kiến xưa... Từ sự đầu tư bài bản, không gian đi bộ này hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Thế nhưng, sau hơn nửa năm đi vào hoạt động, khu phố lại không thu hút được người dân, du khách bởi không có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao hay giải trí như kỳ vọng. Thay vào đó, các dịp cuối tuần, phố đi bộ chỉ lác đác vài người tập thể dục hay đi dạo trên vỉa hè, hoàn toàn không tạo được sức hút.
Chị Trần Thu Hằng (người dân ở phố Chùa Láng, phường Láng) cho biết: “So với trước, khu vực này đã được sửa sang, chỉnh trang sạch đẹp hơn, khang trang hơn. Thế nhưng vào dịp cuối tuần, rất ít người đến khu phố này sinh hoạt văn hóa, không biết thời gian tới đây thay đổi gì không chứ nếu vẫn ít hoạt động giải trí như này thì chắc vẫn ít người lui tới”.
“Mặc dù nhà ở phố Giảng Võ, gần phố đi bộ hồ Ngọc Khánh nhưng cuối tuần tôi lại thích đi lên phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm cho dù xa hơn, vì ở đó có sầm uất hơn, có nhiều hoạt động hơn. Các tuyến phố mới không thể so sánh bằng phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm về quy mô hay sức hút, tuy nhiên, theo tôi khi triển khai một tuyến phố mới, điều cần thiết là phải có sự đầu tư và yếu tố sáng tạo trong tổ chức, vận hành mới thực sự trở thành không gian công cộng hấp dẫn, thu hút được người dân” - Nguyễn Minh Trung, sinh viên Trường Đại học Thương mại chia sẻ.
Cũng mới được mở khoảng gần 1 năm trở lại đây, song phố đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã cũng rơi vào tình trạng tương tự. Khi đưa vào khai thác, khu phố cũng được đầu tư khá bài bản, kết hợp không gian đi bộ với ẩm thực. Vậy nhưng không đạt được như kỳ vọng ban đầu, khu phố đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã vẫn ảm đạm vào dịp cuối tuần, chỉ có một số ít khách đến thưởng thức cà phê và ẩm thực, trong khi hầu như không thấy bóng dáng khách đi bộ tham quan.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thùy Mai (trú phường Yên Hòa) cho biết, từng đến phố ẩm thực Nguyễn Văn Tuyết khi nghe phố này khai trương thế nhưng chị mới đến một lần và chưa quay lại lần thứ hai vì khu phố này không có gì hấp dẫn, chỉ có một vài quán ăn, hoàn toàn vắng bóng các loại hình giải trí...
Tương tự, phố đi bộ Trịnh Công Sơn, phường Tây Hồ từng được kỳ vọng trở thành điểm nhấn du lịch, không gian biểu diễn nghệ thuật và ẩm thực đường phố của quận Tây Hồ (cũ). Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động kém hiệu quả, đến cuối năm 2023, quận Tây Hồ (cũ) đã phải thu gọn quy mô và chuyển đổi không gian này thành không gian văn hóa sáng tạo.
Phố đi bộ Trịnh Công Sơn vắng người dân, du khách.
Cần xác định được “cái riêng”, sáng tạo
Theo nhận định của các chuyên gia, khi triển khai các tuyến phố đi bộ với mong muốn tạo thêm nhiều không gian sinh hoạt văn hóa công cộng cho người dân, du khách, song nếu cứ mở ra mà không có sự cải thiện, đổi mới, sáng tạo, không gian thiếu liên kết, không có điểm nhấn thì chắc chắn khó thu hút được du khách, người dân, đồng nghĩa với việc phố đi bộ sẽ mất dần sức sống và không phát huy được vai trò là không gian văn hóa công cộng đúng nghĩa.
Vậy nên, để phố đi bộ thực sự trở thành không gian văn hóa công cộng đúng nghĩa, cần có chiến lược đầu tư bài bản và dài hạn. Trước hết, việc thiết kế không gian phải đảm bảo tính thẩm mỹ, hài hòa, có bản sắc riêng và phù hợp với văn hóa địa phương. Bên cạnh đó, cần thường xuyên tổ chức các hoạt động nghệ thuật, văn hóa, lễ hội theo mùa hoặc theo chủ đề để tạo sự mới mẻ, thu hút. Đồng thời, việc kết nối các không gian văn hóa lân cận, quy hoạch hợp lý hệ thống dịch vụ (ẩm thực, giải trí, nghỉ chân...) cũng góp phần tạo nên trải nghiệm phong phú cho người dân và du khách.
Trao đổi về vấn đề này, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, việc tổ chức các tuyến phố đi bộ là xu hướng chung mà nhiều quốc gia đã triển khai. Đây cũng là một trong những định hướng trong quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội đến năm 2030. Riêng với khu vực Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, chủ trương này đang nhận được sự quan tâm đặc biệt.
Lý giải nguyên nhân khiến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm vẫn “hút khách” hơn cả, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho hay, đây là khu vực có sức hút lớn vì nơi đây sở hữu không gian cảnh quan đô thị dễ tiếp cận đối với người dân. Về mặt kiến trúc, đây là khu vực hiếm hoi hội tụ sự giao thoa giữa nhiều thời kỳ, nhiều thế hệ, tạo nên chiều sâu lịch sử và tính đa dạng hấp dẫn, không chỉ với người dân Thủ đô mà cả với du khách quốc tế.
Bên cạnh đó là các không gian văn hóa đan xen, phù hợp với các tiêu chí thiết lập tuyến phố đi bộ, từ diện tích, cảnh quan, đến yếu tố tiếp cận đa dạng về văn hóa. Xung quanh Hoàn Kiếm hội tụ đầy đủ những yếu tố cốt lõi để trở thành không gian công cộng điển hình của Hà Nội, kể cả đối với mô hình tuyến phố ẩm thực - nơi cũng đòi hỏi các điều kiện đặc thù.
Trong khi đó, một số tuyến phố đi bộ kết hợp ẩm thực hiện nay dù được đánh giá là giàu tiềm năng, nhưng thực tế lại rơi vào tình trạng ảm đạm, thiếu sức sống. Ông Nghiêm nêu lý do chính là bởi không gắn kết được ẩm thực với cảnh quan cụ thể. Có những điểm đến như quán café, quán phở, bún chả... vốn hấp dẫn, nhưng thiếu sự tổ chức không gian hợp lý để người dân và du khách dễ tiếp cận.
“Sự thiếu liên kết giữa điểm nhấn ẩm thực với môi trường, cảnh quan xung quanh khiến trải nghiệm bị rời rạc. Ngoài ra, công tác tuyên truyền cũng chưa được triển khai sâu rộng, rõ ràng, khiến người dân và du khách thiếu thông tin để tìm hiểu và chủ động tham gia” - ông Nghiêm nhấn mạnh đồng thời cho rằng, không gian văn hóa - ẩm thực là thế mạnh đặc biệt của Hà Nội. Tuy nhiên, mỗi khu vực đều có bản sắc riêng, nét độc đáo riêng, và để các tuyến phố đi bộ thực sự phát huy hiệu quả, cần xác định được “cái riêng” đó là gì để tôn vinh và khai thác. Nếu không làm rõ và phát huy được giá trị đặc thù, thì sẽ khó tạo được sức hấp dẫn.
Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, thành phố hiện có 9 tuyến phố đi bộ và ẩm thực, gồm: Không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội; Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; Không gian văn hóa, nghệ thuật và ẩm thực phố đi bộ Trịnh Công Sơn; Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây; Khu phố ẩm thực kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã; Không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông và khu vực phụ cận; Khu phố kinh doanh dịch vụ, đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh; Phố ẩm thực Tống Duy Tân; Tuyến phố ẩm thực Nguyễn Văn Tuyết.
Minh Khang
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/pho-di-bo-o-ha-noi-nhieu-nhung-van-thieu-suc-hut-10310642.html