Phổ điểm tiếng Anh đẹp: Vì sao lại thấy bất ổn và đáng lo?

Phổ điểm tiếng Anh đẹp: Vì sao lại thấy bất ổn và đáng lo?
5 giờ trướcBài gốc
Bất ổn?
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT nhận định phổ điểm môn Tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 nhìn bề ngoài có vẻ cân đối, nhưng ẩn chứa nhiều bất ổn, điểm trung bình chỉ 5,38, trung vị 5,25 và gần 50% thí sinh dưới trung bình.
Trong khi đó, môn Vật lý đạt điểm trung bình 6,99, chỉ 9,8% thí sinh dưới 5 điểm; môn Hóa học cũng ở mức 6,06, thấp hơn đáng kể so với Tiếng Anh.
Điều này đặt ra một nghịch lý: thí sinh chọn Tiếng Anh đang chịu thiệt thòi rõ rệt khi xét tuyển vào đại học, chỉ vì độ khó và phân bố điểm thấp hơn. Cùng năng lực học tập nhưng chọn khác môn thi có thể dẫn đến chênh lệch tới 1–1,5 điểm, điều không công bằng trong môi trường tuyển sinh cạnh tranh.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp
Theo ông Vinh, chúng ta không thể khen phổ điểm “đẹp” nếu chưa trả lời được: thí sinh ở khu vực nào có tỷ lệ điểm thi dưới trung bình là bao nhiêu?
Nếu phần lớn là học sinh vùng khó khăn – Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ thì rõ ràng phổ điểm cụ thể ở các vùng miền hoặc tỉnh có khó khăn sẽ gia tăng bất bình đẳng.
"Có lẽ còn quá sớm để dành lời khen cho phổ điểm thi tốt nghiệp năm nay khi chưa rõ dữ liệu theo vùng miền, loại hình trường học, nhóm đối tượng, thì mọi lời khen về “đề thi chuẩn hóa” hay “phân phối hợp lý” đều thiếu nền tảng đánh giá công bằng"-Ông Vinh nói.
Ông Vinh cho rằng, một kỳ thi quốc gia không chỉ cần phân hóa, mà còn phải bảo đảm công bằng giữa các vùng, các nhóm thí sinh và giữa các lựa chọn môn học. Nếu không có cơ chế chuẩn hóa điểm hoặc đổi mới phương thức đánh giá, tình trạng thiệt thòi do lựa chọn môn thi sẽ còn kéo dài và tiếp tục tăng tính chuyên nghiệp của đội ngũ ra đề thi là việc làm cấp bách.
Ông Lê Hoàng Phong
Tại sao phổ điểm đẹp lại thấy… lo?
Ông Lê Hoàng Phong, Giám đốc học thuật Tổ chức Tư vấn Giáo dục & Đào tạo YOUREORG cho biết phổ điểm tiếng Anh năm nay đẹp mà ông lại thấy… lo.
Ông Phong phân tích, từ góc nhìn kỹ thuật, phổ điểm môn tiếng Anh năm 2025 là một bước tiến rõ rệt. Thay vì tiếp tục xu hướng lệch phải như các năm trước, phổ điểm năm nay đạt hình chuông chuẩn, điểm trung bình 5,38 gần trùng với trung vị 5,25, và độ lệch chuẩn chỉ còn 1,45.
Về mặt khảo thí, ông Phong cho rằng đây là một phổ điểm lý tưởng khi không có "đuôi lệch" cực đoan, không bị vỡ trận bởi quá nhiều điểm 10, cũng không rơi đáy do những câu hỏi đánh đố. Chỉ có 2 bài thi đạt điểm 0 và chỉ 141 học sinh đạt điểm 10 trong tổng số hơn 351.000 bài thi - tương đương 0,04%, mức thấp kỷ lục trong nhiều năm.
“Nói cách khác, đề thi 2025 được thiết kế chặt chẽ, kiểm soát tốt phân hóa, đặc biệt ở nhóm điểm cao”- ông Phong nhấn mạnh.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn giáo dục, đặc biệt là công bằng giáo dục, ông Phong cho rằng, chính sự chuẩn hóa quá hoàn hảo ấy lại đặt ra một dấu hỏi lớn.
Khi phổ điểm được nén mạnh quanh vùng trung bình và độ lệch chuẩn thu hẹp xuống 1,45, không gian phát triển cho học sinh ở hai đầu phổ năng lực, đặc biệt là những em học đúng, học đủ chương trình đã bị rút ngắn một cách đáng lo ngại.
So sánh với năm 2024 - năm có phổ điểm lệch phải nhẹ nhưng vẫn mang tính phân tầng thì khoảng không gian điểm cao năm nay bị "rút gọn" rõ rệt.
Mặc dù năm 2025 có tổng số thí sinh thi môn tiếng Anh giảm mạnh (chỉ còn khoảng 39% so với năm 2024), do môn tiếng Anh trở thành môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhưng những biến động trong phổ điểm vẫn hé lộ nhiều tín hiệu đáng lưu tâm về cách thiết kế đề thi và triết lý phân hóa.
Điểm trung bình giảm nhẹ từ 5,51 xuống 5,38, cho thấy mức độ khó của đề tăng lên ở mức vừa phải. Tuy nhiên, sự thay đổi này không đủ lớn để gây tranh cãi, nếu chỉ nhìn ở mặt bằng chung.
Độ lệch chuẩn giảm mạnh, từ 1,88 xuống 1,45, cho thấy phổ điểm đã bị "nén" về vùng trung bình. Hiện tượng này phản ánh rõ một điều: đề thi đã kiểm soát rất chặt việc phân hóa theo chiều sâu, đồng thời hạn chế khả năng bứt phá của học sinh khá – giỏi.
Tỷ lệ học sinh đạt từ 7 điểm trở lên giảm từ 25,2% xuống còn 15,1%, tức giảm gần 40% về mặt tuyệt đối, dù tổng số bài thi cũng giảm. Nếu quy đổi, năm 2024 có khoảng 228.450 học sinh đạt từ 7 điểm trở lên; năm 2025, con số này chỉ còn 53.114 học sinh - tương đương mức giảm hơn 175.000 thí sinh khá - giỏi, một sự sụt giảm đáng báo động về khả năng phân loại nhóm học sinh ở đầu trên.
Số học sinh đạt điểm tuyệt đối (10 điểm) giảm từ 565 xuống 141, tức giảm 75%, nhưng nếu tính theo tỷ lệ trên tổng số thí sinh, năm 2024 là 0,062%, còn năm 2025 là 0,04% - một mức cực kỳ nhỏ, cho thấy đề thi đã gần như "khóa" cánh cửa vào điểm tuyệt đối.
Trong khi đó, tỷ lệ học sinh dưới trung bình chỉ giảm nhẹ, từ 42,7% xuống 38,2%, tức vẫn còn hơn 134.000 thí sinh năm 2025 không đạt điểm trung bình, gần bằng một nửa tổng số bài thi. Điều này cho thấy đề thi năm 2025 chưa thực sự hỗ trợ nhóm học sinh yếu tiến bộ rõ rệt, dù phổ điểm đã được điều chỉnh theo hướng kỹ thuật.
Trong kỳ thi năm nay, nổi lên một nghịch lý đáng suy ngẫm: nhiều học sinh đạt trình độ B1, tức đã học đúng, học đủ và đạt chuẩn đầu ra của chương trình phổ thông lại không thể đạt điểm cao như kỳ vọng. Không phải vì các em chưa đủ năng lực, mà vì đề thi đã âm thầm dịch chuyển sang cấp độ B2, thậm chí chạm ngưỡng C1, với mật độ dày đặc của từ vựng học thuật, văn phong báo chí, và cấu trúc ngôn ngữ vượt khỏi chương trình chính khóa.
Ngay cả những học sinh có nền tảng vững chắc theo sách giáo khoa, nếu không được tiếp cận trước với định dạng đề thi mang tính học thuật như IELTS, thì vẫn dễ "gãy" ở phần cuối bài. Những câu hỏi này không chỉ đòi hỏi vốn ngôn ngữ vượt chuẩn B1, mà còn yêu cầu kỹ năng phân tích, đối chiếu thông tin … những thứ mà chương trình phổ thông chưa trang bị một cách hệ thống và phổ quát.
Hệ quả là, nhóm học sinh nghiêm túc theo đúng chuẩn đầu ra lại không có đủ không gian để thể hiện năng lực thật, thậm chí bị kìm hãm khỏi cơ hội bứt phá.
Bản chất của một kỳ thi quốc gia như thi tốt nghiệp THPT không nằm ở việc chọn lọc học sinh giỏi theo tiêu chí ngoài chương trình, mà ở việc đảm bảo mọi học sinh, dù đến từ trung tâm thành phố hay vùng sâu xa đều có cơ hội thể hiện năng lực thật của mình.
Rõ ràng, phổ điểm tiếng Anh năm 2025 là một biểu đồ đẹp, cân đối, kiểm soát tốt độ lệch và cực trị. Nhưng công bằng giáo dục không hiện diện trong hình dáng của một phổ điểm.
“Tôi cho rằng bản chất một kỳ thi quốc gia không nằm ở chọn lọc học sinh giỏi theo tiêu chí ngoài chương trình. Một đề thi được gọi là tốt, không phải vì nó cho ra một phổ điểm "đẹp", mà vì nó mở ra không gian phát triển cho toàn bộ phổ người học"- ông Phong nêu quan điểm.
“Điều đáng nói là, đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT - nghĩa là xét điều kiện hoàn thành phổ thông, không hẳn là cuộc thi tuyển chọn vào đại học của một hoặc một số trường nào đó. Nếu học sinh học đúng chương trình, nắm vững kiến thức cơ bản nhưng vẫn không thể đạt điểm khá, thì lỗi không nằm ở các em mà ở cách hệ thống đang thiết kế bài kiểm tra vượt khỏi vùng năng lực được giảng dạy”- ông Phong nói.
Đỗ Hợp
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/pho-diem-tieng-anh-dep-vi-sao-lai-thay-bat-on-va-dang-lo-post1760806.tpo