Gió giật cấp 13 - 14, sóng biển cao 3 - 5m
Sáng 20/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với các điểm cầu tại trụ sở UBND các tỉnh miền bắc, Bắc Trung bộ, và hơn 1.700 xã, phường về công tác chủ động ứng phó cơn bão số 3 (bão Wipha).
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp. Ảnh VGP
Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn quốc gia, hồi 9h sáng 20/7, bão số 3 cách Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 670 km về phía Đông, mạnh cấp 11. Bão số 3 đang di chuyển nhanh, trung bình 20 km/h, hoàn lưu lệch về phía Nam và phía Tây.
Dự báo, chiều 21/7 bão đi vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 10 - 11, giật cấp 14; đổ bộ vào đất liền Bắc Bộ đến Nghệ An trong ngày 22/7.
Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn Hoàng Đức Cường cho biết, từ khoảng ngày 20 - 21/7, các đặc khu Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải... có khả năng chịu ảnh hưởng lớn của gió mạnh cấp 10 - 11, giật cấp 13 - 14, sóng biển cao 3 - 5m do bão số 3.
Từ khoảng tối 21/7, vùng biển ven bờ khu vực từ Quảng Ninh - Thanh Hóa có gió mạnh cấp 7 - 9, sóng biển cao 3 - 5m. Sóng lớn kết hợp triều cường ở mức cao có thể gây ngập úng những khu vực trũng, thấp tại ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng, đặc biệt vào thời điểm trưa và chiều các ngày 21 - 23/7.
Cục Khí tượng Thủy văn kiến nghị các tỉnh ven biển Bắc Bộ cấm biển từ 10 giờ ngày 21/7, khu vực Bắc Trung bộ từ 14 giờ ngày 21/7; đêm 21/7, rạng sáng 22/7 cần hoàn thành các biện pháp phòng, chống bão ở khu vực lồng bè nuôi trồng thủy sản.
Tại cuộc họp, Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam cho biết, quân đội đã chủ động, triển khai đồng bộ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện và tổ chức chỉ huy từ Trung ương đến địa phương để ứng phó kịp thời với bão số 3.
Ông đề nghị các địa phương khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự theo Luật Phòng thủ dân sự năm 2023 và Nghị định quy định chi tiết Luật Phòng thủ dân sự năm 2023 nhằm nâng cao hiệu quả chỉ đạo.
Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn tại cuộc họp. Ảnh: VGP
Trong khi đó, lãnh đạo Bộ Công an khẳng định, luôn sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án để tham gia phòng chống thiên tai, lụt bão khi có lệnh điều động của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho biết, các xã đã lên phương án di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm, huy động lực lượng tại chỗ sẵn sàng hỗ trợ các xã có nguy cơ cao. Công tác kiểm tra, rà soát các công trình xung yếu, trạm điện, khu vực có nguy cơ mất an toàn được triển khai đồng bộ.
Tại Quảng Ninh, tỉnh đã ban hành lệnh cấm biển từ 11h ngày 20/7, yêu cầu các tàu thuyền, tàu du lịch khẩn trương vào nơi tránh trú an toàn. Địa phương đặc biệt lưu ý công tác đảm bảo an toàn cho khách du lịch, khu nuôi trồng và khai thác thủy sản...
Cập nhật liên tục diễn biến bão số 3
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, bão số 3 rất mạnh, diễn biến phức tạp, tốc độ di chuyển nhanh, nhưng lại có thời gian dừng lâu ở gần đất liền, càng làm tăng nguy cơ thiệt hại khi đổ bộ vào đất liền.
Do đó, các cơ quan chuyên môn phải thông tin đầy đủ, chính xác, đánh giá đúng tính chất phức tạp, nguy hiểm của bão, tránh tâm lý chủ quan trong công tác phòng, chống.
Các bộ, ngành, địa phương phải duy trì chế độ trực 24/24h, căn cứ vào các bản tin cập nhật liên tục của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia để chỉ đạo điều hành kịp thời.
Bão chưa đổ bộ nhưng nhiều tỉnh thành đã thiệt hại nặng nề.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương rà soát ngay khu vực trọng điểm có nguy cơ ảnh hưởng của bão, sớm cập nhật, điều chỉnh phương án ứng phó. Đặc biệt, cần xác định rõ khu vực đặc biệt xung yếu, những công trình có nguy cơ cao, dựa trên bản đồ cảnh báo sạt lở, lũ ống, lũ quét.
Đồng thời, ông cũng yêu cầu khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp tỉnh, phân công từng thành viên phụ trách khu vực xung yếu.
Ngoài đưa ra các số liệu chuyên môn, Phó Thủ tướng lưu ý, cần diễn giải rõ ràng, dễ hiểu để người dân nắm được cụ thể. "Nếu gió mạnh đến mức nào thì cây có thể đổ, mái nhà cấp bốn có thể bị tốc mái, người ra đường có thể bị gió cuốn, phương tiện giao thông có thể bị thổi bay... có như vậy người dân mới hình dung rõ mức độ nguy hiểm để chủ động phòng tránh", Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng lưu ý, dù bão chưa đổ bộ, nhưng trong ngày hôm qua, nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội, thời tiết cực đoan đã gây mưa dông, lốc xoáy, để lại nhiều thiệt hại nặng nề, điển hình là tại Quảng Ninh. Một lần nữa, Phó Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, động viên, chia buồn sâu sắc tới các nạn nhân đang điều trị; người đã thiệt mạng cũng như thân nhân, gia đình các nạn nhân.
Luân Dũng