Phó Thủ tướng: Cần thông tin đầy đủ, chính xác mức độ của bão Wipha

Phó Thủ tướng: Cần thông tin đầy đủ, chính xác mức độ của bão Wipha
5 giờ trướcBài gốc
Kịp thời phòng tránh, ứng phó với bão Wipha
Sáng 20/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với các điểm cầu tại trụ sở UBND các tỉnh miền Bắc, Bắc Trung bộ, và hơn 1.700 xã, phường về công tác chủ động ứng phó cơn bão số 3 (bão Wipha).
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, bên cạnh việc công khai số liệu chuyên môn, các thuật ngữ kỹ thuật về bão cần được giải thích một cách dễ hiểu, giúp người dân nắm được ảnh hưởng cụ thể như: gió mạnh tới mức nào có thể khiến cây đổ, mái nhà cấp bốn bị tốc, người ra đường bị cuốn hoặc phương tiện giao thông bị thổi bay… Từ đó, người dân mới hình dung được mức độ nguy hiểm và chủ động có phương án phòng tránh hiệu quả.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, các tỉnh, thành phố sau khi kiện toàn bộ máy chính quyền cần rà soát và đánh giá thực chất mức độ sẵn sàng ứng phó thiên tai - Ảnh: VGP/MK.
Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chuyên môn đánh giá chính xác quy mô, cường độ và phạm vi ảnh hưởng của bão, đặc biệt bão có thể tác động mạnh ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, lan rộng từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi, thậm chí xa hơn do hoàn lưu sau bão. Trước diễn biến cấp bách của bão số 3, cần huy động đầy đủ lực lượng Trung ương và địa phương, thống nhất hành động khẩn cấp ngay sau cuộc họp để kịp thời phòng, tránh và ứng phó hiệu quả với bão.
Phó Thủ tướng lưu ý, sau khi kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, các tỉnh, thành phố cần rà soát và đánh giá thực chất mức độ sẵn sàng ứng phó thiên tai, đặc biệt là trước cơn bão sắp tới, nhằm bảo đảm bộ máy sau sáp nhập hoạt động hiệu quả, đồng bộ trên mọi lĩnh vực, trong đó có công tác phòng, chống lụt bão.
"Chúng ta cần tận dụng cuộc họp liên ngành và tình huống ứng phó bão số 3 để đánh giá, kiện toàn tổ chức bộ máy chỉ đạo phòng thủ dân sự ở cả Trung ương và địa phương, bảo đảm phân công rõ ràng, phối hợp hiệu quả giữa các lực lượng trong triển khai nhiệm vụ", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Dự báo về tình hình bão những ngày tới
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vào lúc 9 giờ sáng ngày 20/7, tâm bão số 3 cách khu vực Quảng Ninh – Hải Phòng khoảng 670 km về phía Đông, với sức gió mạnh cấp 11. Bão đang di chuyển nhanh với vận tốc trung bình 20 km/h, hoàn lưu lệch xuống phía Nam và phía Tây. Ngay khi bão tiến vào vịnh Bắc Bộ, các khu vực trên đất liền đã bắt đầu xuất hiện mưa lớn.
Dự báo cho thấy vào chiều ngày 21/7, bão sẽ đi vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 10–11, giật cấp 14, và sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực từ Bắc Bộ đến Nghệ An trong ngày 22/7/2025.
Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), cùng với Bộ đội Biên phòng các địa phương đã thực hiện việc thông báo, kiểm đếm và hướng dẫn cho 54.300 phương tiện với 227.194 người nắm bắt diễn biến, hướng di chuyển của bão nhằm chủ động ứng phó.
Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi bão và mưa lũ tại các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An là 148.834 ha. Trong đó gồm 55.204 ha nuôi tôm nước lợ, 21.735 ha nuôi nhuyễn thể và 72.836 ha nuôi thủy sản nước ngọt; ngoài ra còn có 20.154 lồng bè và 3.743 chòi canh.
Hiện các hồ chứa lớn như Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà vẫn ở mức thấp hơn mực nước cao nhất trước lũ chính vụ. Trong khi đó, mực nước trong các hồ thủy lợi từ Bắc Bộ đến Hà Tĩnh đạt khoảng 55–87% dung tích thiết kế.
Hệ thống đê biển và đê cửa sông tại các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa hiện còn 20 điểm xung yếu và 7 công trình đang thi công, tiềm ẩn nguy cơ cao khi bão đổ bộ.
Ông Hoàng Đức Cường, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn, cho biết trong khoảng thời gian từ 20–21/7, các khu vực như Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ gió mạnh cấp 10–11, giật cấp 13–14; sóng biển có thể cao từ 3–5 mét.
Từ tối 21/7, vùng biển ven bờ các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa dự báo có gió mạnh cấp 7–9, sóng cao từ 3–5 mét. Tình trạng sóng lớn kết hợp với triều cường ở mức cao có thể gây ngập úng cục bộ tại các khu vực trũng thấp ven biển Quảng Ninh – Hải Phòng, đặc biệt vào thời điểm trưa và chiều từ ngày 21 đến 23/7.
Do phạm vi ảnh hưởng của bão số 3 rộng và lệch về phía Tây – Nam, nhiều khu vực ở Đông Bắc Bộ, một số nơi ở Tây Bắc Bộ cùng các tỉnh Bắc Trung Bộ sẽ chịu tác động. Những khu vực dự báo chịu ảnh hưởng nặng nhất là Quảng Ninh, Hải Phòng, các vùng ven biển thuộc Hưng Yên, Ninh Bình và Thanh Hóa. Từ tối và đêm 21/7, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa sẽ có gió mạnh cấp 7–9, giật cấp 10–11; sâu trong đất liền gió mạnh cấp 6–7, giật cấp 8–9; vùng gần tâm bão có thể đạt cấp 10–11, giật cấp 14.
Cục Khí tượng Thủy văn đã kiến nghị các tỉnh ven biển Bắc Bộ thực hiện lệnh cấm biển từ 10 giờ ngày 21/7, và khu vực Bắc Trung Bộ từ 14 giờ cùng ngày. Việc triển khai các biện pháp bảo vệ lồng bè, khu vực nuôi trồng thủy sản cần hoàn tất trước đêm 21/7 hoặc rạng sáng 22/7.
Bão số 3 dự kiến gây mưa lớn diện rộng trên khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Hà Tĩnh từ ngày 21/7. Tại Đông Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An, mưa tập trung trong các ngày 21–23/7 với lượng mưa phổ biến từ 200–350 mm, nơi cao nhất có thể vượt 600 mm; các khu vực còn lại có lượng mưa từ 100–200 mm. Mưa lớn cường độ cao có thể đạt 150–200 mm chỉ trong vòng 3 giờ.
Từ ngày 21 đến 24/7, trên các sông thuộc khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 3–6 m. Cần đặc biệt cảnh giác nguy cơ ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, đô thị và khu dân cư tập trung.
Để đáp ứng yêu cầu cảnh báo kịp thời, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã tăng tần suất bản tin bão số 3 lên mỗi giờ một lần kể từ 6 giờ sáng 20/7/2025.
Song song với hoạt động giám sát thường xuyên, Cục Khí tượng Thủy văn đã triển khai tăng cường quan trắc 30 phút/lần tại các trạm đảo ở vịnh Bắc Bộ từ chiều 20/7; tại các trạm ven biển và nội địa khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh từ chiều 21/7. Đồng thời, bổ sung các trạm đo di động tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên và trang bị điện thoại vệ tinh cho một số trạm trọng điểm nhằm đảm bảo thông tin thông suốt khi có sự cố đứt gãy hệ thống viễn thông thông thường.
Cần diễn giải số liệu rõ ràng để người dân dễ nắm bắt
Kết thúc buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh rằng bão số 3 là một cơn bão mạnh, có diễn biến phức tạp và di chuyển nhanh. Đáng lo ngại là thời gian lưu lại gần bờ kéo dài, khiến nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng càng gia tăng khi bão đổ bộ vào đất liền.
Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương phải lập tức rà soát các khu vực trọng điểm có nguy cơ chịu tác động của bão, sớm cập nhật và điều chỉnh phương án ứng phó - Ảnh: VGP/MK.
Trước tình hình này, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chuyên môn cần cung cấp thông tin một cách đầy đủ, chính xác, đánh giá đúng mức độ nguy hiểm và tính chất phức tạp của bão. Cần phải loại bỏ tâm lý chủ quan trong công tác phòng chống thiên tai. Các bộ, ngành, địa phương cần duy trì chế độ trực ban 24/24 giờ, theo sát các bản tin cập nhật liên tục từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia để kịp thời chỉ đạo, điều hành ứng phó.
Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương phải lập tức rà soát các khu vực trọng điểm có nguy cơ chịu tác động của bão, sớm cập nhật và điều chỉnh phương án ứng phó. Những vùng đặc biệt xung yếu, công trình có nguy cơ cao cần được xác định rõ dựa trên bản đồ cảnh báo sạt lở, lũ quét, lũ ống.
Đồng thời, các tỉnh cần nhanh chóng kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp tỉnh, phân công cụ thể cho từng thành viên phụ trách khu vực xung yếu. Phó Thủ tướng đánh giá cao mô hình tổ chức ở một số tỉnh như Thanh Hóa, Ninh Bình khi đã khoanh vùng trọng điểm tới cấp xã và xây dựng được cơ chế điều phối liên xã về nhân lực, vật tư.
Ở cấp Trung ương, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng cùng các cơ quan thông tin truyền thông đảm bảo cập nhật liên tục cảnh báo về vùng nguy hiểm trên biển, nhất là tại khu vực có tàu thuyền hoạt động, giúp ngư dân kịp thời di chuyển đến nơi an toàn. Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương kiểm tra, đánh giá hệ thống đê điều tại các địa bàn trọng yếu như Ninh Bình, Thanh Hóa, Nam Định, những nơi còn nhiều tuyến đê đang thi công dở dang hoặc cần tu bổ gấp.
Phó Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho các đài khí tượng thủy văn khu vực cần dự báo cụ thể về vùng có khả năng chịu ảnh hưởng của triều cường, khu vực có mưa lớn, ngập úng, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là phía Tây Thanh Hóa và Bắc Nghệ An, để làm cơ sở cho các địa phương vạch rõ khu vực nguy hiểm trên bản đồ thực địa, chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý rằng công tác dự báo phải dựa trên cơ sở khoa học, luôn trong tư thế sẵn sàng và tuyệt đối không được chủ quan. Cục Khí tượng Thủy văn cần chỉ đạo các đài khu vực công bố đầy đủ số liệu dự báo và phối hợp chặt chẽ với địa phương nhằm triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống bão.
"Ngoài việc đưa ra các số liệu chuyên môn và thuật ngữ kỹ thuật, cần diễn giải rõ ràng, dễ hiểu để người dân nắm được cụ thể. Nếu gió mạnh đến mức nào thì cây có thể đổ, mái nhà cấp bốn có thể bị tốc mái, người ra đường có thể bị gió cuốn, phương tiện giao thông có thể bị thổi bay... có như vậy người dân mới hình dung rõ mức độ nguy hiểm để chủ động phòng tránh", Phó Thủ tướng lưu ý", Phó Thủ tướng lưu ý thêm.
Với các khu vực nuôi trồng thủy sản, nhà bè đơn sơ, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tính toán kỹ lưỡng và sẵn sàng phương án cưỡng chế sơ tán nếu cần thiết, đặt an toàn tính mạng người dân lên hàng đầu. Chính quyền cấp xã, cấp ủy địa phương phải chịu trách nhiệm nếu không thực hiện nghiêm các chỉ đạo và để xảy ra thiệt hại.
Về công tác chỉ huy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ chế linh hoạt, rõ ràng tại chỗ thông qua Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp xã và cấp tỉnh. Những khu vực nằm ngoài khả năng xử lý của địa phương phải được báo cáo sớm, đầy đủ và trung thực để Trung ương có hướng hỗ trợ, điều phối nguồn lực về đê điều, vật tư, nhân lực, cơ sở hạ tầng.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT khẩn trương rà soát hệ thống thông tin liên lạc, đặc biệt tại những khu vực nguy cơ cô lập như đảo xa, miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhằm ngăn ngừa tình trạng mất kết nối, đứt gãy thông tin điều hành như đã từng xảy ra trong các đợt thiên tai trước, nhất là tại các địa bàn miền núi tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và vùng ven biển.
Đức Bách
Nguồn Kinh tế Môi trường : https://kinhtemoitruong.vn/pho-thu-tuong-can-thong-tin-day-du-chinh-xac-muc-do-cua-bao-wipha-100487.html