Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà hôm nay chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với các điểm cầu tại trụ sở UBND các tỉnh miền bắc, Bắc Trung bộ, và hơn 1.700 xã, phường về công tác chủ động ứng phó cơn bão số 3 (bão Wipha).
Bão số 3 đang di chuyển nhanh, trung bình 20km/h, hoàn lưu lệch về phía Nam và phía Tây. Dự báo, chiều 21/7 bão đi vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 10-11, giật cấp 14. Đổ bộ vào đất liền Bắc Bộ đến Nghệ An trong ngày 22/7.
Chịu ảnh hưởng trực tiếp gồm các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, ven biển tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa được dự báo chịu tác động của bão mạnh nhất.
Cục Khí tượng Thủy văn kiến nghị các tỉnh ven biển Bắc bộ cấm biển từ 10h ngày 21/7, khu vực Bắc Trung bộ từ 14h ngày 21/7; đêm 21/7, rạng sáng 22/7 cần hoàn thành các biện pháp phòng, chống bão ở khu vực lồng bè nuôi trồng thủy sản.
Dự báo bão số 3 sẽ gây ra đợt mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa-Hà Tĩnh từ ngày 21/7. Trong đó ở khu Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, thời gian mưa từ ngày 21-23/7, lượng mưa 200-350mm, có nơi trên 600mm, các nơi khác 100-200mm. Có thể xảy ra mưa cường suất lớn, 150-200mm/3 giờ.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, bão số 3 rất mạnh, diễn biến phức tạp, tốc độ di chuyển nhanh, nhưng lại có thời gian dừng lâu ở gần đất liền càng làm tăng nguy cơ thiệt hại khi đổ bộ.
Các cơ quan chuyên môn phải thông tin đầy đủ, chính xác, đánh giá đúng tính chất phức tạp, nguy hiểm của bão, tránh tâm lý chủ quan trong công tác phòng, chống. Các bộ, ngành, địa phương phải duy trì chế độ trực 24/24h, căn cứ vào các bản tin cập nhật liên tục của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia để chỉ đạo điều hành kịp thời.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương rà soát ngay khu vực trọng điểm có nguy cơ ảnh hưởng của bão, sớm cập nhật, điều chỉnh phương án ứng phó; cần xác định rõ khu vực đặc biệt xung yếu, những công trình có nguy cơ cao, dựa trên bản đồ cảnh báo sạt lở, lũ ống, lũ quét.
Đồng thời, khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp tỉnh, phân công từng thành viên phụ trách khu vực xung yếu. Mô hình tổ chức ở một số địa phương như Thanh Hóa, Ninh Bình... được đánh giá tốt khi xác định rõ địa bàn trọng điểm cấp xã, liên kết giữa các xã để điều phối nhân lực, vật tư hợp lý.
Tại Trung ương, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Quốc phòng và các cơ quan truyền thông cập nhật liên tục thông tin cảnh báo vùng nguy hiểm trên biển, đặc biệt là khu vực tàu thuyền hoạt động, đảm bảo thông tin kịp thời để ngư dân di chuyển đến nơi an toàn.
Đồng thời, cần kiểm tra hệ thống đê điều tại khu vực trọng yếu như Ninh Bình, Thanh Hóa, Nam Định - nơi có nhiều tuyến đê chưa hoàn thành, cần tu bổ, sửa chữa gấp.
Dự báo hướng di chuyển của bão số 3. Nguồn: Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam
Các đài khí tượng thủy văn khu vực phải dự báo cụ thể khu vực chịu ảnh hưởng của triều cường; cảnh báo khu vực có mưa lớn, nguy cơ ngập úng, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất cao (đặc biệt là phía tây Thanh Hóa, bắc Nghệ An), làm căn cứ để địa phương xác định cụ thể trên bản đồ hiện trạng, chủ động phương án sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, công tác dự báo phải luôn sẵn sàng, chủ động trên cơ sở khoa học, tuyệt đối không chủ quan. Cục Khí tượng Thủy văn chỉ đạo các đài khu vực công bố đầy đủ số liệu dự báo, phối hợp với địa phương để chủ động tổ chức thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống bão số 3.
"Ngoài việc đưa ra các số liệu chuyên môn và thuật ngữ kỹ thuật, cần diễn giải rõ ràng, dễ hiểu để người dân nắm được cụ thể. Nếu gió mạnh đến mức nào thì cây có thể đổ, mái nhà cấp bốn có thể bị tốc mái, người ra đường có thể bị gió cuốn, phương tiện giao thông có thể bị thổi bay... Có như vậy người dân mới hình dung rõ mức độ nguy hiểm để chủ động phòng tránh", Phó Thủ tướng lưu ý.
Tại các vùng nuôi trồng thủy sản, nhà bè đơn sơ, Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương tính toán kỹ lưỡng phương án cưỡng chế sơ tán nếu cần thiết, bảo vệ tính mạng người dân là ưu tiên hàng đầu. Cấp ủy, chính quyền xã phải chịu trách nhiệm nếu không thực hiện nghiêm yêu cầu và để xảy ra thiệt hại về người, tài sản.
Về tổ chức chỉ huy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò công tác điều hành tại chỗ thông qua cơ chế rõ ràng, linh hoạt của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp xã, tỉnh.
Những khu vực vượt quá khả năng, địa phương cần chủ động báo cáo sớm, đầy đủ, trung thực về thực trạng đê điều, vật tư, lực lượng, cơ sở hạ tầng để có phương án điều phối từ Trung ương.
Trần Thường