Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng: Quyết liệt tạo ra cuộc cách mạng thúc đẩy kinh tế tư nhân

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng: Quyết liệt tạo ra cuộc cách mạng thúc đẩy kinh tế tư nhân
2 ngày trướcBài gốc
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng được Thủ tướng Phạm Minh Chính giao trực tiếp chỉ đạo xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân (KTTN), triển khai Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về KTTN mà Tổng Bí thư Tô Lâm mới ký ban hành.
Nói với Pháp Luật TP.HCM, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Mục tiêu cốt lõi của nghị quyết là tháo gỡ các điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực còn đang bị kìm hãm, loại bỏ các rào cản đang tồn tại để khu vực KTTN phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp hiệu quả hơn vào sự phát triển chung của đất nước trong kỷ nguyên mới”.
Nghiên cứu chế tạo chất bán dẫn phục vụ trong vật liệu thông minh tại Trung tâm đào tạo Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: HOÀNG QUÂN
Tháo gỡ điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực bị kìm hãm
. Phóng viên: Phó Thủ tướng từng nhận định KTTN như chiếc lò xo bị nén lại một thời gian dài và Nghị quyết 68 làm bật các chốt kìm hãm để KTTN bung ra…
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng.
+ Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng: Đúng vậy! Vì dù đã được hình thành, phát triển nhưng KTTN Việt Nam vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng cả về số lượng, chất lượng và quy mô, nhất là với sứ mệnh của mình, với kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, của dân tộc.
Từ Đổi mới 1986 đến nay, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế để thúc đẩy KTTN phát triển nhưng một số chính sách chưa thực sự trúng, đúng và đủ mạnh, chưa được tổ chức thực hiện tốt. Đó là chưa kể các chính sách thường được thiết kế thiên về hướng làm sao thuận tiện cho công tác quản lý, với việc trao cho Nhà nước rất nhiều quyền. Quyền cho làm gì, cho ai làm, làm ở đâu, làm như thế nào… Rồi tư duy “không quản được thì cấm”, tư duy “xin-cho”, tình trạng “quyền anh, quyền tôi” khi thiết kế các luật đã tạo ra thủ tục và quyền lực. Từ đó, nảy sinh quyền lợi, lợi ích nhóm và lợi ích cá nhân lồng vào. Điều này làm cản trở sự phát triển của đất nước.
Trong khi đó, các doanh nghiệp (DN) chỉ có một quyền là quyền không làm. Khi các DN thực hiện quyền không làm thì KTTN giảm đi cơ hội phát triển, dẫn đến giảm công ăn việc làm cho người dân, giảm thu ngân sách nhà nước và cơ hội phát triển quốc gia.
. Thưa Phó Thủ tướng, vậy Nghị quyết 68 nhìn nhận, đánh giá những tồn tại này ra sao?
+ Nghị quyết đã mạnh dạn nêu ra thiếu sót, nhận định chính sách quan tâm nhưng chưa thực sự đúng mức; nhiều chính sách chưa đi vào cuộc sống, chưa đủ sức lan tỏa; DN chủ yếu vẫn tự xoay xở và gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khi tiếp cận các nguồn lực đất đai, vốn, lao động, dữ liệu...
Hệ thống thể chế còn nhiều vướng mắc, thủ tục còn rườm rà, chi phí tuân thủ cao, công tác thanh tra, kiểm tra còn nặng nề. Đặc biệt, định kiến, thành kiến với khu vực KTTN khiến niềm tin bị thu hẹp, DN không mạnh dạn đầu tư dù năng lực, nguồn lực còn rất lớn. Vai trò, tiềm năng, nội lực của khu vực này chưa được phát huy tương xứng.
Vì vậy, mục tiêu cốt lõi của Nghị quyết 68 là tháo gỡ các điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực còn đang bị kìm hãm, loại bỏ các rào cản đang tồn tại, để khu vực KTTN có thể phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp hiệu quả hơn vào sự phát triển chung của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Việc thể chế hóa những định hướng quan trọng của Nghị quyết 68 vào các luật chắc chắn sẽ kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, bình đẳng, minh bạch, bảo đảm các quyền tự do của người dân, doanh nghiệp, trong đó có quyền tự do kinh doanh.
Cuộc cách mạng về tư duy và thể chế
. Nghị quyết 68 trao quyền, đúng hơn là tôn trọng quyền tự do kinh doanh Hiến định của người dân và DN một cách triệt để. Xin ông làm rõ hơn về quan điểm này.
+ “KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế quốc gia”, Nghị quyết 68 đã nâng cấp quan điểm, nhận thức đầy đủ như vậy. Từ nhận thức này, các quyền Hiến định của người dân và DN về kinh doanh, tài sản, cạnh tranh, tiếp cận các nguồn lực… sẽ được thể chế hóa để bảo đảm thực chất hơn.
Hiến pháp 2013 cũng như các luật về kinh doanh đã khẳng định người dân và DN được tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Hay cao hơn, Hiến pháp 2013 đã khẳng định “quyền con người, quyền công dân chỉ được hạn chế bằng luật”. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại không ít rào cản, gây hạn chế quyền tự do này.
Khi quyền tự do kinh doanh bị hạn chế thì cũng là lúc các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết nảy sinh, làm giảm đi sự năng động, sáng tạo của DN. Khi đó mới có những chuyện mà Thủ tướng nhắc nhiều lần là thời gian thực hiện dự án chỉ sáu tháng mà thủ tục mất ba năm, hay chuyện một chiếc bánh chocolate cõng 13 giấy phép, hay chuyện thời gian nuôi gà còn ngắn hơn thời gian làm thủ tục cho một quả trứng…
Tôi chia sẻ nhiều lần, ở Trung Quốc, một tỉnh làm được 2.000 km cao tốc chỉ trong vòng ba năm; một nhà máy ô tô điện từ lúc cấp phép đến khi đi vào hoạt động chỉ mất 11 tháng, một trung tâm thương mại từ lúc làm thủ tục đến lúc đi vào hoạt động chỉ mất 68 ngày. Hay TP Dubai, 500 tòa nhà trị giá 20 tỉ USD được xây dựng chỉ trong vòng năm năm, trong khi nếu với các thủ tục ở ta thì phải mất… 1.500 năm.
. Vậy với Nghị quyết 68, liệu Việt Nam có thể khắc phục được những câu chuyện cười ra nước mắt mà Phó Thủ tướng thường chia sẻ, phát biểu ở các diễn đàn, kể cả ở QH không?
+ Nghị quyết 68 không còn đặt nặng vấn đề quản lý theo cung cách cũ và tôi khẳng định Nghị quyết 68 là một cuộc cách mạng về tư duy và thể chế. Nghị quyết 68 được thể chế hóa đầy đủ sẽ tạo ra những thay đổi rất lớn, rất căn bản. Những tuyên bố mạnh mẽ trong nghị quyết như bỏ cơ chế “xin-cho”, bỏ tư duy “không quản được thì cấm” sẽ thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội.
Trước đây, chúng ta tự tạo ra những rào cản, rồi tháo gỡ và coi đó là cải cách, đổi mới. Nhưng lần này, chúng ta đổi mới từ gốc, từ tư duy và nhận thức. Cốt lõi của thay đổi chính là định hướng chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.
Nghị quyết đã nói rõ: “Chuyển việc quản lý điều kiện kinh doanh từ cấp phép, chứng nhận sang thực hiện công bố điều kiện kinh doanh và hậu kiểm”. Theo định hướng này, Nhà nước sẽ công khai các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong mọi lĩnh vực để người dân, DN biết, tuân thủ và áp dụng.
Khi không cần phải xin phép ai, không cần ai cho phép và thực hiện các quyền tự do kinh doanh thì DN sẽ không còn gặp khó khăn gia nhập thị trường, giảm được chi phí tuân thủ, giảm thời gian triển khai và tận dụng được mọi cơ hội.
Hoạt động sản xuất may mặc tại một công ty ở huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI
Không hồi tố bất lợi cho doanh nghiệp
. Định hướng “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự” cũng đã được các lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhắc đến trong nhiều nhiệm kỳ. Nghị quyết 68 khẳng định dứt khoát hơn.
+ Định hướng “không hình sự hóa các quan hệ dân sự - kinh tế” từ trước tới nay và trong Nghị quyết 68 là hết sức rõ ràng. Tại kỳ họp thứ 9 của QH, Chính phủ đang trình QH xem xét sửa đổi, bổ sung nhiều luật, trong đó có luật liên quan trực tiếp đến định hướng này là BLHS.
Nghị quyết cũng khẳng định lại nguyên tắc không hồi tố bất lợi, áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, xét xử các vụ việc liên quan đến DN.
Những nguyên tắc này sẽ quyết định quá trình khởi tố, điều tra, truy tố doanh nhân, kéo theo việc kê biên, định giá tài sản, phân định tài sản hợp pháp, tài sản hình thành do hành vi phạm tội… phải tuân theo các yêu cầu tố tụng công minh.
Việc thể chế hóa những định hướng quan trọng của Nghị quyết 68 vào các luật chắc chắn sẽ kiến tạo một môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, bình đẳng, minh bạch, sẽ bảo đảm được các quyền tự do của người dân, DN, trong đó có quyền tự do kinh doanh.
. Xin cảm ơn Phó Thủ tướng.•
Ý Kiến
Ông ĐẬU ANH TUẤN, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Công nghiệp và thương mại Việt Nam:
Trở thành động lực của chính quyền các cấp
Để Nghị quyết 68 thực sự đi vào cuộc sống, điều cốt lõi là mức độ thực thi ở tất cả các cấp. Tôi kỳ vọng tinh thần chủ động, kiến tạo của nghị quyết sẽ trở thành động lực của chính quyền các cấp.
Các bộ, ngành cần tự hỏi: Trong chức năng, nhiệm vụ của mình đã có chính sách nào thực sự thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của khu vực KTTN chưa. Các địa phương cũng cần chủ động thu hút DN tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN tại địa phương phát triển bền vững.
Quan trọng hơn, thành tích hỗ trợ, phát triển DN tư nhân cần được xem là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của chính quyền các cấp. Chỉ khi tư duy đổi mới ấy được biến thành hành động cụ thể và đồng bộ, Nghị quyết 68 mới thực sự trở thành bước ngoặt phát triển của khu vực KTTN - một động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước.
Đại biểu QH PHAN ĐỨC HIẾU, Ủy ban Kinh tế - Tài chính:
Phải tinh giảm luật pháp
Chính phủ đang tích cực chuẩn bị dự thảo Nghị quyết của QH về một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển KTTN để thể chế hóa những quan điểm, chủ trương đột phá, phù hợp thông lệ trong Nghị quyết 68. Ủy ban Thường vụ QH cũng mới cho ý kiến bước đầu về dự án BLHS (sửa đổi) ngay trong chiều 10-5.
Trong thể chế hóa chủ trương, đường lối của Nghị quyết 68 điều quan trọng nhất vẫn là “tinh giảm luật pháp”. Luật pháp rất đắt đỏ vì bản chất của luật pháp là điều chỉnh các quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tự do kinh doanh. Một quy định được ban hành nếu chi phí xây dựng là một thì chi phí tuân thủ có thể gấp hàng trăm, hàng triệu lần.
Ở nhiều nước, các thiết chế “cắt xén” luật pháp để tạo ra con đường thông thoáng nhất cho mọi người cùng đi, bảo vệ các chủ thể trong xã hội khỏi những rủi ro pháp lý là thường trực. Chẳng hạn ban hành một quy định mới thì phải bỏ hai quy định cũ.
Ở Việt Nam, sửa đổi luật pháp cũng luôn được tiến hành. Nghị quyết 68 vừa ban hành, nhiều DN, chuyên gia, đại biểu QH đã kiến nghị bỏ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, bỏ hoặc thu hẹp hơn nữa danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư. Những đề xuất này là xác đáng và cần được QH xem xét.
Luật pháp hiện nay cần được cắt xén vì Nghị quyết 68 đã rất rõ ràng, quyết liệt. Cùng với tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế thì tinh giảm luật pháp sẽ là yếu tố quyết định khơi thông mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước trở nên thịnh vượng.
Đại biểu QH HOÀNG MINH HIẾU, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp:
Cần giám sát tối đa quá trình thể chế hóa Nghị quyết 68
Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển KTTN có rất nhiều tư tưởng rất đột phá, tiến bộ. Trọng tâm thể chế chủ trương này là cần cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không cần thiết, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.
Danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục IV của Luật Đầu tư trong thời gian gần đây đang có xu hướng tăng lên và chặt chẽ hơn. Tư duy quản lý này cần phải được thay đổi để phù hợp với tinh thần kiến tạo hơn là quản lý, tạo thuận lợi tối đa cho khu vực KTTN.
Điều quan trọng nhất là cần giám sát tốt quá trình thực hiện khuôn khổ pháp lý phát triển KTTN để tạo niềm tin cho người dân, DN, từ đó họ yên tâm đầu tư vốn vào kinh doanh.
QH nên có cơ chế để các DN gửi các kiến nghị trực tiếp về những điểm nghẽn thể chế để kịp thời điều chỉnh, đáp ứng đúng yêu cầu của cuộc sống. Hai luật cần được nghiên cứu và sửa đổi tổng thể theo tinh thần của Nghị quyết 68 là Luật DN và Luật Đầu tư.•
CHÂN LUẬN
Nguồn PLO : https://plo.vn/pho-thu-tuong-nguyen-chi-dung-quyet-liet-tao-ra-cuoc-cach-mang-thuc-day-kinh-te-tu-nhan-post849219.html