Phó Thủ tướng yêu cầu cập nhật vùng nguy hiểm, bảo vệ dân vùng xung yếu trước bão số 3

Phó Thủ tướng yêu cầu cập nhật vùng nguy hiểm, bảo vệ dân vùng xung yếu trước bão số 3
một phút trướcBài gốc
Phát biểu đầu cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ sự chia sẻ sâu sắc tới gia đình các nạn nhân bị thiệt hại trong vụ lật tàu trên vịnh Hạ Long, Quảng Ninh, đồng thời nhấn mạnh: Mặc dù triển khai các biện pháp cứu hộ trong điều kiện rất khó khăn, đến nay, các lực lượng chức năng đã cơ bản hoàn thành công tác trục vớt tàu và tìm kiếm nạn nhân nhưng vẫn còn một số trường hợp mất tích. Các lực lượng chức năng đang tích cực huy động nhân lực, phương tiện nhằm tiếp tục tìm kiếm.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chuyên môn đánh giá chính xác quy mô, cường độ, phạm vi ảnh hưởng của bão; huy động đầy đủ lực lượng Trung ương và địa phương, thống nhất hành động khẩn cấp để kịp thời phòng, tránh và ứng phó hiệu quả với bão.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, dự báo sáng 21/7 cơn bão đi vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 10 - 11, giật cấp 14; đổ bộ vào đất liền Bắc Bộ đến Nghệ An trong ngày 22/7. Từ 21/7 đến 23/7, khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-350mm, cục bộ có nơi trên 600mm.
Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn Hoàng Đức Cường
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: Tính đến 9h sáng nay (20/07) thì bão còn cách đất liền Quảng Ninh, Hải Phòng là 670 km và gió hiện nay là đang càng ngày càng tăng lên và đến thời điểm này thì rõ cấp 11, giật cấp 13. Sáng ngày mai (21/07) bão sẽ đi vào vịnh Bắc Bộ di chuyển nhanh hơn dự báo trước đây: "Quan ngại nhất là các địa phương dọc tuyến biển từ Quảng Ninh cho Hà Tĩnh, gió thì có thể không to như bã YAGI, chỉ cấp 8, cấp 9, tâm bão khoảng cấp 10, tính đến thời điểm này là dự báo như thế. Tuy nhiên, với gió này là cây sẽ đổ hết. Như hôm qua, mới cấp 7 mà Hà Nội đã đổ 400 cây. Tôi đề nghị các địa phương dọc ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh là phải rất lưu ý, cắt tỉa cành cây có các giải pháp để phòng chống. Đặc biệt là cành cây không để cây đổ, vì cây đổ nó liên quan đến dây điện, nó liên quan đến xe cộ, phương tiện…"
Toàn cảnh cuộc họp
Tính đến 6h30 sáng nay (20/7), đã thông báo kiểm đếm, hướng dẫn cho 54.300 phương tiện, trên 227.000 người biết diễn biến, hướng đi của Bão để chủ chủ động phòng tránh.
Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn Hoàng Đức Cường cho biết: "Vào khoảng 8h sáng ngày mai thì tâm bão sẽ bắt đầu đi vào vịnh Bắc Bộ nhưng hoàn lưu của bão ảnh hưởng từ sớm hơn từ 3-4 giờ sáng có thể đã bắt đầu ảnh hưởng rồi, vùng gió mạnh của cơn bão đi trước và phía Nam cơn bão thế thì như vậy chắc chắn là trong ngày mai là các tỉnh ven biển vịnh Bắc Bộ là phải có hành động cấm biển trước. Trong sáng ngày mai là phải cấm biển Bắc Bộ sớm hơn khoảng trước 10 giờ, còn trung bộ thì có thể cấm biển trước 13h - 14 h chiều".
Các đại biểu tham dự cuộc họp
Thảo luận tại cuộc họp, Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng tham mưu Trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam nhấn mạnh: "Quân đội đã chủ động, triển khai đồng bộ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện và tổ chức chỉ huy từ Trung ương đến địa phương để ứng phó kịp thời với bão số 3. Đồng thời đề nghị các địa phương khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự theo Luật Phòng thủ dân sự năm 2023 và Nghị định quy định chi tiết Luật Phòng thủ dân sự năm 2023 nhằm nâng cao hiệu quả chỉ đạo, hiệp đồng, thông tin liên lạc và xử lý tình huống nhanh, chính xác, đặc biệt trong bối cảnh thời tiết cực đoan ngày càng phức tạp".
Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn đề nghị: "Tôi đề nghị với các địa phương cùng chúng tôi tiếp tục theo dõi chặt chẽ hướng di chuyển diễn biến của bão lũ và đặc biệt thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện. Thứ hai là chúng tôi cũng yêu cầu các quân khu, Bộ chỉ huy các tỉnh tham mưu cho địa phương. Cũng đề nghị các đồng chí trong những chỉ đạo để chủ động rà soát phương án, kế hoạch kiểm tra các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra lũ ống, ngập lụt, sạt lở, nhất là việc sau hoàn lưu bão, thực hiện tốt 4 tại chỗ".
Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn cho khách du lịch, người dân, tài sản và hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao, di tích lịch sử. Các địa phương được đề nghị chủ động xem xét hoãn hoặc hủy các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí tập trung đông người. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình bão và biện pháp ứng phó thông qua các cơ quan báo chí và hệ thống truyền thanh cơ sở, phát huy vai trò của loa phường, xã trong truyền thông đến người dân.
Tại cuộc họp lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình... đã thông tin về công tác chuẩn bị lực lượng ứng phó với cơn bão số 3; công tác thông tin đến các tàu bè, di dân tới nơi an toàn.
Phó Chủ UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ cho biết: "Trên toàn tỉnh tàu thuyền đã liên lạc hoàn toàn, không thể nào mất kết nối. Các thông đến các cơ quan, người dân thông báo về cơn bão số 3 để các chủ hộ nuôi trồng thủy sản cũng chủ động và biện pháp để chủ động thu hoạch, để phòng chống bão số 3 sắp tới, với phương 4 tại chỗ. Trong khi bão số 3 sẽ nguy hiểm mà đặc biệt là khi vùng miền núi phía Bắc, cho nên là các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn và Quế Phong, khả năng lực sẽ có nguy hại nguy cơ thì việc sạt lở núi, tỉnh cũng nên tập trung chỉ đạo. Chiều nay thì tôi trực tiếp sẽ đi một số nơi để kiểm tra để cho công tác phòng, chống bão".
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm cho biết: "Thanh Hóa đã có công điện và 4 đoàn của Sở Nông nghiệp Môi trường trực tiếp đi vào nắm tình hình. Chúng tôi xác định trước mắt là phải tập trung ngay phía tuyến các xã ven biển, xác định các khu neo đậu tàu. Đối với Thanh Hóa trên tổng số 6.555 phương tiện, phần mà đang còn hoạt động trên biển thì chỉ còn có 162 phương tiện, tức là đến 9 h sáng hôm nay, chúng tôi tổng hợp số liệu đấy. Ở khu vực Vịnh Bắc Bộ lại nhiều nhất là 156 phương tiện với 835 lao động. Sau cuộc họp này thì tỉnh sẽ tiếp tục họp trực tuyến đến 166 xã, phường và sẽ quyết định giờ cấm biển trong trong chiều nay hoặc là đầu giờ sáng mai".
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận và đánh giá cao tinh thần chủ động, quyết liệt, thực chất, sát cơ sở của các địa phương, đặc biệt là việc tổ chức điều hành theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm tính mạng và tài sản nhân dân trong mọi tình huống thiên tai. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: bão số 3 rất mạnh, diễn biến phức tạp, tốc độ di chuyển nhanh, nhưng lại có thời gian dừng lâu ở gần đất liền càng làm tăng nguy cơ thiệt hại khi đổ bộ vào đất liền.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu: Các địa phương rà soát ngay khu vực trọng điểm có nguy cơ ảnh hưởng của bão, sớm cập nhật, điều chỉnh phương án ứng phó. Đồng thời, khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp tỉnh, phân công từng thành viên phụ trách khu vực xung yếu. Tại Trung ương, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Quốc phòng và các cơ quan truyền thông cập nhật liên tục thông tin cảnh báo vùng nguy hiểm trên biển, đảm bảo thông tin kịp thời để ngư dân di chuyển đến nơi an toàn; kiểm tra hệ thống đê điều tại các khu vực trọng yếu như Ninh Bình, Thanh Hóa, Nam Định - nơi có nhiều tuyến đê chưa hoàn thành, cần tu bổ, sửa chữa gấp. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ:
"Trên cơ sở dự báo thì Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Quốc phòng và các cơ quan truyền thông phải đưa các thông tin cập nhật, trong đó thông tin vùng nguy hiểm trong khi bão chưa vào vịnh Bắc Bộ để cho tàu thuyền lựa chọn khu vực an toàn. Các đồng chí cùng với quá trình dự báo này thì cần phải dự báo được các vấn đề một là vấn đề trên biển, 2 là vấn đề khi bão cập vào đất liền. Tại thời điểm này thì dự báo về triều cường ở các khu vực biển là hết sức quan trọng. Bộ Nông nghiệp và các địa phương là phải khoanh được vùng các khu vực xung yếu trên cơ sở này. Đê chỉ cấp 6-7 mà bão đổ bộ vào cấp cao hơn lại vào lúc triều cường, nhân lên gấp mấy lần nữa thì cái này phải rất cập nhật. Tôi đề nghị giao cho các đài khí tượng thủy văn là phải làm vấn đề này", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chia sẻ.
Tại các vùng nuôi trồng thủy sản, nhà bè đơn sơ, Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương tính toán kỹ lưỡng phương án cưỡng chế sơ tán nếu cần thiết, bảo vệ tính mạng người dân là ưu tiên hàng đầu. Cấp ủy, chính quyền xã phải chịu trách nhiệm nếu không thực hiện nghiêm yêu cầu và để xảy ra thiệt hại về người, tài sản.
Về tổ chức chỉ huy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò công tác điều hành tại chỗ thông qua cơ chế rõ ràng, linh hoạt của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp xã, tỉnh. Những khu vực vượt quá khả năng, địa phương cần chủ động báo cáo sớm, đầy đủ, trung thực về thực trạng đê điều, vật tư, lực lượng, cơ sở hạ tầng để có phương án điều phối từ Trung ương.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ, các doanh nghiệp viễn thông (Viettel, VNPT...) khẩn trương kiểm tra kết nối hệ thống thông tin tại các khu vực nguy cơ cô lập cao như các đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa… không để lặp lại tình trạng mất liên lạc hay đứt gãy thông tin chỉ đạo như trong các tình huống thiên tai trước đây, đặc biệt tại các khu vực miền núi Nghệ An, Thanh Hóa và vùng ven biển.
Phương Thoa/VOV1
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/pho-thu-tuong-yeu-cau-cap-nhat-vung-nguy-hiem-bao-ve-dan-vung-xung-yeu-truoc-bao-so-3-post1216108.vov