Sáng 20-7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với các điểm cầu tại trụ sở UBND các tỉnh miền bắc, Bắc Trung bộ, và hơn 1.700 xã, phường về công tác chủ động ứng phó cơn bão số 3 (bão Wipha).
Thực hiện phương châm "một người chỉ huy thống nhất tại chỗ"
Thảo luận tại cuộc họp, Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng, đề nghị các địa phương khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự nhằm nâng cao hiệu quả chỉ đạo, hiệp đồng, thông tin liên lạc và xử lý tình huống nhanh trong bối cảnh thời tiết cực đoan ngày càng phức tạp.
Đồng tình với ý kiến này, Trung tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an, cho rằng cơ chế lãnh đạo, chỉ huy trong phòng chống thiên tai phải thực hiện theo phương châm "một người chỉ huy thống nhất tại chỗ", các lực lượng làm nhiệm vụ, kể cả từ trung ương tăng cường cũng phải đặt dưới sự điều hành trực tiếp của chính quyền địa phương.
Bộ Công an luôn sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án để tham gia phòng chống thiên tai, lụt bão khi có lệnh điều động của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Còn Thứ trưởng Thường trực Bộ VH, TT&DL Lê Hải Bình nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn cho khách du lịch, người dân, tài sản và hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, di tích lịch sử. Các địa phương được đề nghị chủ động xem xét hoãn hoặc hủy các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí tập trung đông người.
Để chủ động ứng phó bão số 3, Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương tính toán phương án cưỡng chế sơ tán vùng nuôi trồng thủy sản nếu cần thiết. Ảnh: VGP
Không để tình trạng mất liên lạc hay đứt gãy thông tin
Báo cáo Phó Thủ tướng, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cho biết địa phương sẵn sàng phương án di dời gần 170.000 dân khi có báo động đỏ, thành lập 166 tổ xung kích tại 166 xã, kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền và vùng nuôi trồng thủy sản. Hệ thống hồ đập, ngầm tràn, thiết bị cứu hộ đã được rà soát, bố trí theo từng cung chặng.
Còn Nghệ An đã kiểm soát toàn bộ tàu thuyền trên biển, bảo đảm an toàn 1.061 hồ đập, chuẩn bị phương án phòng sạt lở ở vùng núi và đảm bảo thông tin thông suốt tại 121 xã.
Tại Quảng Ninh, tỉnh đã ban hành lệnh cấm biển từ 11 giờ ngày 20-7, yêu cầu các tàu thuyền, tàu du lịch khẩn trương vào nơi tránh trú an toàn. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã phân công các đồng chí lãnh đạo tỉnh trực tiếp xuống các địa bàn xung yếu. Địa phương đặc biệt lưu ý công tác đảm bảo an toàn cho khách du lịch, khu nuôi trồng và khai thác thủy sản, khu vực sông suối và các mỏ than.
Cập nhật liên tục, đầy đủ dự báo bão số 3
Nhấn mạnh bão số 3 rất mạnh, diễn biến phức tạp, tốc độ di chuyển nhanh, lại có thời gian dừng lâu ở gần đất liền, càng tăng nguy cơ thiệt hại. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chuyên môn phải thông tin đầy đủ, chính xác, đánh giá đúng tính chất của bão.
Các bộ, ngành, địa phương phải duy trì chế độ trực 24/24h, căn cứ vào các bản tin cập nhật liên tục của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia để chỉ đạo điều hành kịp thời.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương rà soát ngay khu vực trọng điểm có nguy cơ ảnh hưởng của bão, cập nhật, điều chỉnh phương án ứng phó. Đặc biệt, cần xác định rõ những công trình có nguy cơ cao, dựa trên bản đồ cảnh báo sạt lở, lũ ống, lũ quét.
Đồng thời, khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp tỉnh, phân công từng thành viên phụ trách.
Phó Thủ tướng giao Bộ: NN&MT, Quốc phòng và các cơ quan truyền thông cập nhật liên tục thông tin cảnh báo vùng nguy hiểm trên biển, đặc biệt là khu vực tàu thuyền hoạt động, đảm bảo thông tin kịp thời để ngư dân di chuyển đến nơi an toàn.
Cùng với đó, kiểm tra hệ thống đê điều tại các khu vực trọng yếu như Ninh Bình, Thanh Hóa, Nam Định - nơi có nhiều tuyến đê chưa hoàn thành, cần tu bổ, sửa chữa gấp.
Các đài khí tượng thủy văn khu vực phải dự báo cụ thể khu vực chịu ảnh hưởng của triều cường; cảnh báo khu vực có mưa lớn, nguy cơ ngập úng, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất cao để địa phương chủ động phương án sơ tán dân.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh công tác dự báo phải diễn giải để người dân nắm được mức độ nguy hiểm mà phòng, tránh. Ảnh: VGP
Nhấn mạnh công tác dự báo phải luôn sẵn sàng, chủ động, tuyệt đối không chủ quan, Phó Thủ tướng yêu cầu Cục Khí tượng Thủy văn chỉ đạo các đài khu vực công bố đầy đủ số liệu dự báo, tổ chức thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống bão số 3.
"Ngoài việc đưa ra các số liệu và thuật ngữ kỹ thuật, cần diễn giải rõ ràng, dễ hiểu để người dân nắm được cụ thể. Nếu gió mạnh đến mức nào thì cây có thể đổ, mái nhà cấp bốn có thể bị tốc mái, người ra đường có thể bị gió cuốn, phương tiện giao thông có thể bị thổi bay... Có như vậy người dân mới hình dung rõ mức độ nguy hiểm để chủ động phòng tránh" - Phó Thủ tướng lưu ý.
Tại các vùng nuôi trồng thủy sản, nhà bè đơn sơ, Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương tính toán kỹ lưỡng phương án cưỡng chế sơ tán nếu cần thiết, bảo vệ tính mạng người dân là ưu tiên hàng đầu. Cấp ủy, chính quyền xã phải chịu trách nhiệm nếu không thực hiện nghiêm yêu cầu và để xảy ra thiệt hại về người, tài sản.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&CN, các doanh nghiệp viễn thông khẩn trương kiểm tra hệ thống thông tin tại khu vực nguy cơ cô lập cao, không để lặp lại tình trạng mất liên lạc hay đứt gãy thông tin chỉ đạo.
MINH TRÚC