Quản lý an toàn thực phẩm tại chợ truyền thống

Quản lý an toàn thực phẩm tại chợ truyền thống
4 giờ trướcBài gốc
Đồ ăn được bày bán tại chợ Văn Khê, quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: V.B
Nỗi lo thực phẩm không đảm bảo
Theo số liệu thống kê, TP Hà Nội hiện có 455 chợ, đảm nhận khoảng 40% nhu cầu mua sắm của người dân các quận nội thành và 70% tại các khu vực ngoại thành. Tại đây, người dân có thể dễ dàng tìm mua đa dạng mặt hàng, từ thực phẩm tươi sống như thịt, cá, hải sản, rau củ, trái cây đến các loại đồ khô, gia vị và thực phẩm chế biến sẵn. Hiện, đã có 310/454 chợ trên địa bàn TP được phê duyệt phương án bố trí sắp xếp ngành hàng, 144 chợ chưa được phê duyệt phương án sắp xếp ngành hàng.
Tại các chợ truyền thống, các cơ quan chức năng TP cũng đã triển khai các hoạt động kiểm nghiệm nhanh về an toàn thực phẩm. Theo chị Hoàng Thị Sinh (quận Hà Đông, Hà Nội), việc cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm tra chất lượng thực phẩm tại các chợ truyền thống là việc làm quan trọng, thiết thực nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, hoạt động tại các chợ truyền thống vẫn còn nhiều mối lo. Nhiều chợ dân sinh hiện đang đối mặt với tình trạng xuống cấp, không đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Theo quan sát của PV, tại một số chợ dân sinh trên địa bàn TP Hà Nội, không khó để bắt gặp cảnh các mặt hàng như hải sản, rau củ, hoa quả, thịt gia cầm… đều được các tiểu thương bày bán ngay sát nền đất hoặc trên những chiếc sạp cũ kỹ, ọp ẹp. Một số khu vực thực phẩm chế biến sẵn như giò chả, nem chua hay các món ăn vặt cũng thiếu những dụng cụ bảo quản đạt chuẩn. Các mặt hàng thực phẩm này thường được bày trần trên sạp trước khói bụi từ xe cộ và môi trường xung quanh. Đáng lo ngại, tại một số chợ, nhiều quầy thực phẩm chế biến sẵn nằm sát ngay các quầy hàng bán đồ sống, làm gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn chéo.
Chị Hoàng Thị Sinh cũng cho rằng, chợ truyền thống rất nhiều hàng hóa, chủng loại và ngay nhà nên tôi thường mua tại đây. Tuy nhiên tôi thấy nhiều mặt hàng thực phẩm tại chợ không nhãn mác, thương hiệu nên tôi chỉ biết nguồn gốc qua lời giới thiệu của người bán hàng. Thực tế, thực phẩm được bán ở siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch tuy có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bao bì nhãn mác đầy đủ nhưng giá thành cao lại là yếu tố khiến nhiều gia đình, đặc biệt là những hộ có thu nhập thấp không thể tiếp cận.
Rau, củ, quả được các tiểu thương bán tại vỉa hè bên ngoài chợ Văn La, quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: V.B
Cải thiện điều kiện an toàn thực phẩm
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, thời gian qua, TP Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm cải thiện điều kiện an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống. Đến tháng 10/2024, TP đã cải tạo 19/38 chợ và dự kiến xây mới thêm 4 chợ (đạt 8/21 chợ) vào cuối năm. Đến hết năm 2025, dự kiến sẽ hoàn thành xây thêm 2 chợ mới trên địa bàn các quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm, đồng thời hoàn thành cải tạo thêm 10 chợ khác.
Song song với việc nâng cấp hạ tầng, TP đã giải tỏa 176/213 tụ điểm kinh doanh tự phát và tiếp tục xử lý 37 tụ điểm còn lại trong thời gian tới. Đặc biệt, một trong những bước tiến quan trọng là Hà Nội đặt ra chỉ tiêu cụ thể trong năm 2025: 100% các chợ được giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm và cơ bản đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm. TP Hà Nội phấn đấu 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ đáp ứng yêu cầu tại Đề án và được cấp biển nhận diện cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
TP Hà Nội cũng thiết lập đường dây nóng và công khai thông tin các cơ sở vi phạm; nghiên cứu xây dựng, lắp đặt nhà trạm xét nghiệm nhanh thực phẩm tại chợ và tổ chức vận hành.
Đồng thời tổ chức thanh kiểm tra, hậu kiểm việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ theo phân công, phân cấp; xử lý nghiêm vi phạm theo quy định. TP Hà Nội cũng tăng cường lấy mẫu giám sát chất lượng, cảnh báo nguy cơ về an toàn thực phẩm, tập trung vào các sản phẩm rủi ro cao, tiêu thụ nhiều (rau, củ, quả, thịt gia súc, thịt gia cầm, thủy sản...).
Sử dụng có hiệu quả xe kiểm nghiệm chuyên dụng và các thiết bị test nhanh để kiểm nghiệm an toàn thực phẩm tại chợ. Đồng thời, các sở, ngành TP, các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu trong năm 2024 và phấn đấu đến hết năm 2025, 100% cơ sở kinh doanh thực phẩm tại chợ trên địa bàn TP được cấp biển nhận diện. Từ đó góp phần phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân.
Văn Biên
Nguồn PL&XH : https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/quan-ly-an-toan-thuc-pham-tai-cho-truyen-thong-404085.html