Khu phố mới 8 năm vẫn chưa xong
Dự án Phát triển bất động sản khu phố mới Phước An (thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) được UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2015, do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng Quảng Nam làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, sau 8 năm triển khai, dự án vẫn chưa hoàn thành vì vẫn còn vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Đến nay, dự án cơ bản đã khớp nối hạ tầng, song đến nay Dự án Khu phố mới Phước An vẫn chưa hoàn thành chưa tái định cư người dân, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng Quảng Nam đã có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi đến UBND tỉnh Quảng Nam.
Theo đó, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng Quảng Nam cho biết, dự án đã triển khai đã 8 năm, song nhiều người dân nằm trong vùng dự án đã bàn giao đất từ năm 2016-2021, nhưng đến nay vẫn chưa được di dời, bố trí tái định cư, nhà cửa xuống cấp khiến cuộc sống vô cùng khó khăn, vất vả.
“Nhiều năm qua, một số hộ gia đình đã tháo dỡ nhà cửa, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư, phải đi thuê nhà ở hoặc ở trong nhà tạm. Một số hộ ở tại chỗ bị trũng thấp, thường xuyên bị ngập úng, nhà cửa xuống cấp có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào”, chủ đầu tư nêu rõ và đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo sớm giải quyết dứt điểm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án, thực hiện bố trí tái định cư cho người dân.
Những vướng mắc cần được giải quyết
Theo báo cáo của UBND huyện Tiên Phước, đến nay, UBND tỉnh Quảng Nam đã thực hiện 4 đợt giao đất cho Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng Quảng Nam, với tổng diện tích 6,78 ha/6,88 ha, đạt 98,6%.
Chủ đầu tư đã nộp tiền sử dụng đất đối với diện tích 65.171,65 m2 với tổng số tiền hơn 58 tỷ đồng. Chủ đầu tư đã thi công hoàn thành khoảng 85% khối lượng dự án, cơ bản khớp nối hạ tầng.
Người dân nằm trong vùng dự án sống thấp thỏm vì nhà cửa xuống cấp nhưng chưa được bồi thường, tái định cư.
UBND huyện Tiên Phước cho hay, tồn tại lớn nhất trong công tác thực hiện Dự án Khu phố mới Phước An chủ yếu là công tác tái định cư không kịp thời, đến nay, người dân vẫn chưa được giao đất để làm nhà ở. Ngoài ra, hầu hết các hộ dân bị ảnh hưởng có nguồn thu nhập chính từ nông nghiệp, nhưng sau khi thu hồi đất vẫn chưa có chính sách chuyển đổi nghề nghiệp hợp lý, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp vẫn tập trung thực hiện hỗ trợ bằng tiền, người mất đất không có việc làm sau khi bị thu hồi đất.
UBND huyện Tiên Phước thừa nhận dự án kéo dài trong nhiều năm gây ảnh hưởng lớn đến nhiều hộ dân. Việc chậm trễ trong quá trình thực hiện dự án do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan nhưng phần lớn là do lỗi của các cơ quan nhà nước.
Theo UBND huyện Tiên Phước, nguyên nhân dẫn đến tình trên là do huyện không có quỹ đất sạch để bố trí tái định cư cho người dân kịp thời tại thời điểm thu hồi đất, do đó, quỹ đất dùng để bố trí tái định cư cho các hộ dân được lấy từ quỹ đất của Dự án. Đây là vấn đề mấu chốt, cốt lõi dẫn đến việc không thể lập phương án tái định cư, giao đất tái định cư cho người dân có đất thu hồi theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.
UBND huyện Tiên Phước cho rằng, vướng mắc hiện nay là nếu hủy quyết định bồi thường và các quyết định thu hồi đất trước đây để thực hiện xác định giá đất tái định cư, giá bồi thường tại thời điểm hiện nay thì phát sinh nhiều bất cập, thất thoát ngân sách Nhà nước.
Do đó, UBND huyện Tiên Phước đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương thống nhất áp dụng giá đất tính tiền sử dụng đất tái định cư tại thời điểm có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ để tính tiền sử dụng đất tái định cư cho các hộ gia đình đã nhận tiền bàn giao mặt bằng theo phương án bồi thường đã được phê duyệt.
Đồng thời, thống nhất việc giao đất tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân đã nhận tiền bàn giao mặt bằng, giao đất để thực hiện dự án mà UBND huyện Tiên Phước đã thống nhất với hộ dân về vị trí, số lô, diện tích và giá tái định cư nơi đến đảm bảo theo quy định hiện hành và phù hợp với nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của hộ dân…
Thanh Chung