Quốc hội chính thức thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành cao

Quốc hội chính thức thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành cao
7 giờ trướcBài gốc
Theo đó, Luật Điện lực (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội thông qua với 439/463 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 91,65%).
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) với tỉ lệ tán thành cao. (Ảnh: Quốc hội)
Luật Điện lực (sửa đổi) thay thế cho Luật Điện lực năm 2004 (đã được sửa đổi, bổ sung 4 lần vào các năm 2012, 2018, 2022, 2023).
Có hiệu lực kể từ ngày 01/02/2025, Luật Điện lực (sửa đổi) đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Luật sẽ tạo hành lang pháp lý toàn diện, mở ra giai đoạn phát triển mới trong lĩnh vực năng lượng, nhất là trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số, chuyển dịch năng lượng theo xu hướng xanh đang diễn ra mạnh mẽ, tác động rất lớn đến sự phát triển của lĩnh vực năng lượng nói riêng và kinh tế - xã hội nước ta nói chung.
Luật Điện lực (sửa đổi) bao gồm 06 chính sách lớn: (i) Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước. (ii) Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới. (iii) Hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực. (iv) Quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường. (v) Quản lý, vận hành hệ thống điện; chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm; tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện; (vi) An toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.
Với 06 nhóm chính sách lớn, Luật Điện lực (sửa đổi) được cấu trúc thành 09 Chương, 130 Điều. Cụ thể như sau:
- Chương I. Quy định chung, có 08 Điều. Nội dung chủ yếu: (i) Chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, chuyển dịch năng lượng và các cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. (ii) Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về giá điện, áp dụng cơ chế giá điện phù hợp với các nhóm khách hàng sử dụng điện và trạm sạc điện phục vụ phương tiện giao thông xanh; chính sách phát triển điện phục vụ vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (iii) Bổ sung giải thích từ ngữ một số khái niệm liên quan đến hoạt động điện lực.
- Chương II. Quy hoạch phát triển điện lực và đầu tư dự án điện lực, có 04 Mục, 22 Điều. Nội dung chủ yếu: (i) Yêu cầu đặc thù của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và Phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong Quy hoạch tỉnh; (ii) Bổ sung cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nguồn điện, theo dõi tiến độ và cơ chế xử lý các dự án nguồn điện chậm tiến độ; (iii) Bổ sung quy định việc đầu tư, xây dựng công trình điện khẩn cấp nhằm bảo đảm an ninh cung cấp điện.
- Chương III. Phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, có 2 Mục, 16 Điều. Đây là Chương được bổ sung mới nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Chính phủ về phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới, đặc biệt là điện tự sản, tự tiêu và điện gió ngoài khơi, điện hạt nhân và hydrogen.
- Chương IV. Giấy phép hoạt động điện lực bao gồm 13 Điều quy định cụ thể việc cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện theo phân cấp giữa cấp trung ương và cấp địa phương.
- Chương V. Hoạt động mua bán điện, có 03 Mục, 29 Điều. Nội dung sửa đổi, bổ sung trong Chương này chủ yếu về: (i) Hợp đồng kỳ hạn điện; (ii) Mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện; (iii) Quyền và nghĩa vụ của đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh; (iv) Giá điện và giá các dịch vụ về điện theo các cấp độ thị trường điện cạnh tranh.
- Chương VI. Vận hành, điều độ Hệ thống điện quốc gia, có 13 Điều. Nội dung sửa đổi, bổ sung trong Chương này chủ yếu về vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia, liên kết lưới điện với nước ngoài và quản lý nhu cầu điện.
- Chương VII. Bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện, có 03 Mục, 22 Điều. Nội dung chủ yếu: (i) Bảo vệ an toàn công trình nguồn điện; (ii) Kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện; (iii) Yêu cầu chung về an toàn điện; đồng thời, bổ sung 01 mục mới (với 06 Điều) về an toàn theo đặc thù trong lĩnh vực thủy điện mà Luật Thủy lợi và Luật Tài nguyên nước hiện hành chưa quy định.
- Chương VIII. Trách nhiệm quản lý nhà nước về điện lực, có 04 Điều, quy định về trách nhiệm và nội dung quản lý nhà nước về điện lực theo nguyên tắc phân cấp, bảo đảm cụ thể, công khai và minh bạch.
- Chương IX. Điều khoản thi hành, có 03 Điều, trong đó bổ sung 01 Điều quy định chuyển tiếp nhằm bảo đảm việc áp dụng luật được thống nhất, không có khoảng trống pháp lý khi Luật này có hiệu lực.
Luật Điện lực (sửa đổi) được thông qua sẽ giúp khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật Điện lực được ban hành năm 2004, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống luật, góp phần thúc đẩy ngành điện lực phát triển bền vững, hiệu quả, đạt mục tiêu tăng gấp đôi công suất lắp đặt toàn hệ thống vào năm 2030 và thay đổi căn bản cơ cấu các nguồn điện để có thể đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội và đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân.
Hoàng Phương - Huyền My
Nguồn Tạp chí Công thương : https://tapchicongthuong.vn/quoc-hoi-chinh-thuc-thong-qua-luat-dien-luc--sua-doi--voi-ty-le-tan-thanh-cao-130500.htm