Quốc hội thảo luận dự án Luật Công nghiệp công nghệ số

Quốc hội thảo luận dự án Luật Công nghiệp công nghệ số
6 giờ trướcBài gốc
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng làm rõ nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Thảo luận về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, các ĐBQH nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật để khắc phục những bất cập của pháp luật hiện hành. Thực hiện chủ trương của Đảng về công nghệ số, ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế xã hội, góp phần hình thành, phát triển phương thức sản xuất số, làm thay đổi căn bản cách thức tương tác giữa Nhà nước và công dân. Từng bước chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp sản xuất làm chủ công nghệ lõi, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội.
Một trong những điểm mới của dự án Luật Công nghiệp công nghệ số là nội dung liên quan đến tài sản số. Bởi đây là vấn đề mới cần có sự đầu tư nghiên cứu, rà soát kỹ hơn. nếu không có khuôn khổ pháp lý cho hình thức sở hữu này thì sẽ bỏ qua một mảng rất quan trọng của kinh tế số. Do vậy, cần thiết quy định về tài sản số trong dự án Luật này. Trong đó cần chú ý đến một số điểm như cần có sự phân loại cụ thể tài sản số để có những phương án quản lý khác nhau như phân loại tài sản số thành tiền mã hóa, tài sản số đại diện, tài sản ảo trong hệ sinh thái kỹ thuật số… Pháp luật các nước cũng đã có những quy định phân loại cụ thể để có những hình thức quản lý tài sản số phù hợp. Bên cạnh đó, dự án Luật còn thiếu các quy định làm rõ trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ tài sản số để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng…
Đối với nguyên tắc quản lý tài sản số được quy định, đại biểu cho rằng, cần làm rõ các giai đoạn của vòng đời tài sản số (ví dụ như tạo lập, giao dịch, lưu trữ, hủy bỏ) và trách nhiệm pháp lý tại từng giai đoạn. Điều này giúp cơ quan quản lý có cơ sở theo dõi và kiểm soát hiệu quả hơn.
Giải trình, làm rõ ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Công nghệ số là sự phát triển tiếp theo của công nghệ thông tin nhưng có tính cách mạng. Công nghệ số sinh ra chuyển đổi số. Công nghệ số là lực lượng sản xuất mới thực sự mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên số cho sự phát triển của nhân loại. Việt Nam muốn trở thành nước Xã hội Chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao thì phải đi trong nhóm đầu về công nghệ số, công nghiệp công nghệ số. Thực hiện chủ trương về đổi mới công tác lập pháp, những vấn đề mới đang trong quá trình vận động thì luật quy định những nguyên tắc chung về quản lý và phát triển, đảm bảo quản lý phải theo kịp và kiến tạo phát triển. Sau đó, giao cho Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo sự linh hoạt. Luật Công nghiệp công nghệ số đã tiếp cận theo cách này để xử lý các nội dung tài sản số và trí tuệ nhân tạo.
Các dự án luật, nghị quyết được Quốc hội bấm nút thông qua với tỷ lệ tán thành cao gồm: Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Dữ liệu; Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng; Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam./.
Triệu Tuyên
Nguồn Bắc Kạn : https://baobackan.vn/quoc-hoi-thao-luan-du-an-luat-cong-nghiep-cong-nghe-so-post67771.html