Quốc hội thông qua Luật Điện lực ( sửa đổi)
Trước yêu cầu cấp bách của thực tế khi việc triển khai các dự án nguồn điện theo Quy hoạch Điện 8 gặp khó khăn, có khả năng ảnh hưởng tới việc đảm bảo an ninh năng lượng điện và mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, chiều nay trong phiên họp cuối của kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) ngay trong 1 kỳ họp, tại kỳ họp này.
Với 439/463 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, đạt 91,65%, Quốc hội đã bấm nút thông qua Luật Điện lực (sửa đổi).
Theo báo cáo giải trình tiếp thu của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, trên cơ sở thực hiện theo đa số ý kiến Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã không quy định nội dung chuyển tiếp đối với các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên trong nước và sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đã lựa chọn được chủ đầu tư theo quy định của pháp luật.
Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật đã được rút ngắn từ 130 điều xuống còn 81 điều (giảm 49 điều so với dự thảo Luật được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8; chỉ bổ sung 11 điều so với Luật Điện lực hiện hành.
Luật Điện lực (sửa đổi) đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Luật có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2025.
Luật Điện lực năm 2024 đã bao quát được các chính sách lớn như quy hoạch điện lực, thị trường điện và phát triển năng lượng tái tạo, bảo đảm đồng bộ với các luật liên quan, bổ sung nhiều quy định để tháo gỡ những điểm nghẽn đã tồn tại trong thời gian dài, như cơ chế thực hiện các dự án điện khẩn cấp; làm rõ cơ chế xử lý, thay thế đối với các dự án điện chậm tiến độ.
Trong quá trình soạn thảo và lấy ý kiến rộng rãi, nhiều chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi Luật Điện lực là vấn đề mang tính cấp bách và cần sớm được thông qua nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế, xã hội theo những mục tiêu chiến lược mà Đảng và Chính phủ đã đề ra, đồng thời phù hợp với định hướng zero carbon toàn cầu mà Việt Nam đã cam kết.
Trước đó, theo nội dung tại Nghị quyết số 203/NQ-CP ngày 01 tháng 12 năm 2023, Chính phủ yêu cầu: “Bộ Công Thương hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo hướng trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại một kỳ họp (Kỳ họp thứ 8, tháng 10 năm 2024). Bộ trưởng Bộ Công Thương trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi), tập trung tối đa nguồn lực, khẩn trương tổ chức soạn thảo dự án Luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng”.
Để đảm bảo tiến độ Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã chủ động thành lập Tổ nghiên cứu xây dựng Luật. Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi) đã được thành lập theo Quyết định số 462/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương, gồm 47 thành viên đến từ một số Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương; các Bộ, ngành, địa phương và chuyên gia đến từ một số hiệp hội, Sở Công Thương và doanh nghiệp.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội cũng đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), có 104 lượt ĐBQH phát biểu ý kiến ở Tổ và 32 lượt ĐBQH có ý kiến (25 lượt ĐBQH phát biểu ý kiến tại Hội trường và 07 lượt góp ý bằng văn bản gửi qua Tổ Thư ký). Nhiều ý kiến của ĐBQH tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo.
Huy Tùng