Rà soát, quy định cụ thể hơn việc sử dụng, thải bỏ và xử lý hóa chất nguy hiểm
Các đại biểu đánh giá cao nội dung dự thảo Luật bên cạnh tập trung vào các quy định mới về phát triển công nghiệp hóa chất còn sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời, đặc biệt là đối với hóa chất cần kiểm soát đặc biệt.
Quan tâm đến quy định về quản lý hóa chất nguy hiểm, ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình) nêu thực tế, Luật Hóa chất năm 2007 cũng như Nghị định số 113/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất mặc dù đã có những quy định về việc mua bán chất xyanua phải có phiếu kiểm soát nhưng pháp luật lại không quy định cụ thể về việc cá nhân, tổ chức phải đáp ứng các điều kiện nào thì mới được mua và sử dụng loại hóa chất nguy hiểm này.
Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
“Trong Nghị định số 113/2017/NĐ-CP không có quy định chất xyanua là hóa chất cấm, mà chỉ quy định các hợp chất xyanua trong danh mục hóa chất nguy hiểm, phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố và trong danh mục hóa chất phải khai báo. Các quy định hiện hành cũng không có quy định về việc người bán phải kiểm tra điều kiện người mua mới được bán. Điều kiện này dẫn đến tình trạng bán chất xyanua diễn ra phổ biến, tràn lan trên thị trường”. Nêu thực tế này, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị, cần rà soát, xem xét các loại hóa chất/hỗn hợp chất cần kiểm soát đặc biệt, hóa chất cấm, hóa chất nguy hiểm trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất, sử dụng có nguy cơ gây mất an toàn và ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, sức khỏe của con người nếu xảy ra sự cố để đưa vào danh mục hóa chất cấm, hóa chất nguy hiểm. Đồng thời, cần có những quy định chặt chẽ trong hoạt động nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, bảo quản, sử dụng và điều kiện doanh nghiệp được phép nhập khẩu.
Đại biểu Trần Khánh Thu cũng đề nghị, bổ sung các quy định nhằm tăng cường công tác quản lý sử dụng hóa chất cũng như các biện pháp kiểm soát, truy xuất nguồn gốc của hóa chất, đặc biệt là các hóa chất nhập khẩu; thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc nhằm theo dõi toàn bộ quá trình nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng hóa chất và yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện đánh giá rủi ro chi tiết đối với tất cả các loại hóa chất mới trước khi đưa vào sử dụng. Cùng với đó, cần áp dụng các biện pháp quản trị rủi ro tương ứng dựa trên kết quả đánh giá rủi ro và tăng cường chế tài xử phạt đối với những hành vi vi phạm về an toàn hóa chất. Theo đại biểu Trần Khánh Thu, cần áp dụng mức phạt cao nhất đối với các vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe con người và môi trường.
Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Quan tâm tới các quy định về quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa, ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) đánh giá, Chương V dự thảo Luật được soạn thảo công phu và toàn diện, nhằm theo kịp xu thế các nước trên thế giới về quản lý hóa chất trong sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm tiêu dùng có nguy cơ phơi nhiễm hóa chất nguy hiểm đối với người sử dụng. Điều này nhằm tăng cường bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng, ngăn chặn việc nhập khẩu vào Việt Nam các hàng hóa, sản phẩm kém chất lượng, có chứa hàm lượng hóa chất nguy hiểm cao đã bị hạn chế sử dụng ở các quốc gia khác trên thế giới, giảm nguy cơ phát thải ra môi trường...
Tại khoản 3, Điều 57 dự thảo Luật quy định “tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm, hàng hóa hóa chất chứa chất nguy hiểm quy định tại khoản 2 Điều 56 của Luật này có nghĩa vụ thực hiện các quy định về sử dụng, tồn trữ, vận chuyển, thải bỏ, xử lý hóa chất”. Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh nhận thấy, quy định này chưa thật rõ ràng. Bởi lẽ, tại khoản 1, khoản 2 Điều 19 có đề cập đến việc vận chuyển hóa chất nguy hiểm; điểm b, khoản 1 Điều 20 có đề cập đến tồn trữ hóa chất nguy hiểm. Ngoài hai điều khoản trên, trong dự thảo Luật không có điều khoản nào quy định về việc sử dụng, thải bỏ và xử lý, hóa chất nguy hiểm mà chỉ có quy định về sử dụng, thải bỏ và xử lý hóa chất.
“Như vậy, việc sử dụng, thải bỏ và xử lý hóa chất nguy hiểm sẽ được thực hiện giống như quy định đối với việc thải bỏ, xử lý hóa chất?”. Đặt câu hỏi này, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cũng đề nghị, cần xem xét, rà soát quy định cụ thể hơn về việc sử dụng, thải bỏ và xử lý hóa chất nguy hiểm. Bên cạnh đó, cần đặt quy định này trong tổng thể mối quan hệ với quy định của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.
Quy định rõ trách nhiệm quản lý của từng bộ, ngành, địa phương
Tại Chương VIII dự thảo Luật quy định trách nhiệm của 8 Bộ, trong đó, quản lý nhà nước về hóa chất có 7 điều dẫn đến nội dung quản lý nhà nước, quy định từ khoản 1 đến khoản 7, Điều 78 dự thảo Luật và yêu cầu trách nhiệm phối hợp quản lý nhà nước.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Góp ý vào nội dung này, ĐBQH Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) cho rằng, quy định như dự thảo Luật "vừa thừa lại vừa thiếu" và "dễ bị trùng lặp" với các quy định của luật khác. Đại biểu nêu ví dụ, dự thảo Luật quy định về đào tạo nguồn nhân lực nhưng trong dự thảo Luật lại không quy định trách nhiệm của các Bộ liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực như Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội…
Dự thảo Luật cũng không quy định trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải liên quan đến việc ban hành quy định về trình tự vận chuyển hóa chất nguy hiểm bằng đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, đường hàng không, đường hàng hải… cũng như trong việc xây dựng bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về vận chuyển hóa chất nguy hiểm. Trong khi đó, các nhiệm vụ này đều đã được quy định trong các luật về giao thông và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh lưu ý, việc vận chuyển hóa chất nguy hiểm trên đường bộ hiện nay còn chịu sự điều chỉnh bởi Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ với vai trò chủ trì của Bộ Công an. Nếu liệt kê như dự thảo Luật thì sẽ không đầy đủ và xung đột với khoản 2, Điều 39 Luật Tổ chức Chính phủ.
Từ những vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đề nghị, cơ quan soạn thảo chỉnh lý tại Chương VIII nhằm bảo đảm phù hợp và thống nhất với Luật Tổ chức Chính phủ và các luật có liên quan.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH quan tâm. Ảnh: Hồ Long
Giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, với tính đa dụng, hóa chất có thể được sử dụng trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau. Do đó, một loại hóa chất có thể có nhiều bộ, ngành cùng quản lý tùy theo mục đích sử dụng. Xuất phát từ thực tế này, cơ quan soạn thảo đã áp dụng triệt để nguyên tắc tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý hóa chất. Dự thảo Luật đã quy định rõ trách nhiệm quản lý của từng bộ, ngành, địa phương và đơn vị chức năng.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu về vấn đề quản lý nhà nước với hóa chất, Bộ trưởng cho biết, để bảo đảm tính linh hoạt trong điều hành và tính ổn định lâu dài của luật, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu tiếp thu theo hướng chỉ đưa vào luật những điều khoản quy định thuộc thẩm quyền của Quốc hội, những nội dung chi tiết sẽ giao Chính phủ quy định, đồng thời, tiếp tục rà soát, đánh giá, quy định trách nhiệm quản lý rõ ràng của các cơ quan quản lý trong sản xuất, vận chuyển, tồn trữ hóa chất. Cùng với đó, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá nguồn lực của các cơ quan quản lý nhà nước tại trung ương, địa phương để bảo đảm việc phân cấp và thực hiện phân cấp, phân quyền hiệu quả.
Nhật An