Hát cho nhau nghe trong không gian đủ điều kiện cách âm để không làm ảnh hưởng người khác là điều nên khuyến khích (Ảnh minh họa)
“Trời” sinh cái loa kẹo kéo kể cũng vui, nhưng cũng từ lúc “trời” sinh cái loa kẹo kéo mà nhiều nhà đảo điên, khốn khổ theo nó. Đơn cử như cái xóm nơi cô em tôi ở, đất chật người đông, nhà cửa mỗi ngày mỗi nhiều, cư dân càng lúc càng thêm lắm. Mà nhiều nhà thì nhiều việc, hôm nay nhà này kỵ giỗ, ngày mai nhà kia sinh nhật, thôi nôi… sau màn xị xô chúc mừng, y rằng sẽ có màn loa kẹo kéo. Vài ba hôm có một đám đã khổ, đằng này có nhiều khi rất dày.
Tiệc tùng cưới xin đã ngao ngán, đùng cái ngay giữa xóm bỗng nảy nòi cái quán nhậu mới… khốn nạn. Người ta hay nói rượu vào lời ra, ở quán nhậu kia cũng vậy, đám thanh niên trai tráng khề khà chén chú chén anh, rồi soạn loa kẹo kéo ra giải sầu, giải rượu. Giải dai dẳng thông tầm, hôm gặp nhóm có giọng còn đỡ, vô phúc gặp nhóm nhạc đi đằng, lời đi nẻo mới điên loạn. Không ai dám nói vì nể mất lòng xóm giềng, lại cũng ngại phải đụng vào cái đám đã nốc bia nốc rượu, nhỡ chúng hỗn, chúng liều thì chờ vạ má sưng. Cho nên ai cũng bấm bụng chịu đựng, và tất nhiên, “thảm trạng” làm sao có chuyển biến?!
Chợt nhớ như cái xóm T.L nơi bạn tôi ở, cả xóm đang yên đang lành, bỗng một hôm có cặp vợ chồng chuyển đến. Cặp này trông vẻ xênh xang có tiền, nhưng nghe đâu xuất thân dân anh chị. Đến ở vừa ấm chỗ là lập tức làm náo loạn cả xóm với bộ loa công suất lớn của mình mà không ai dám phàn nàn, bởi ai cũng sợ gặp phải dân “gấu”. Thế là mọi người buộc phải bấm bụng thọ nạn, ngoại trừ bạn tôi. Ấy là bởi lẽ, do đặc thù công việc, hôm nào bạn tôi cũng nửa đêm mới trở về nhà, lúc đó, “chương trình âm nhạc” từ gia đình nọ đã “tạm nghỉ”. Nên bạn tôi không hề biết cái nỗi khổ từ trên trời rơi xuống của xóm mình.
Riết rồi chịu hết nổi, dân trong xóm tìm cách gặp để “méc” với bạn tôi, vì họ biết anh là người khí khái, cũng là người từng một thời “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Nghe bà con kêu cầu, bạn tôi phán: Để đó! Nhẹ nhàng thôi, chỉ là mỗi khuya đi làm về, anh lại đến ngồi ở ngôi mộ cạnh cửa sổ phòng ngủ của đôi vợ chồng nọ lặng lẽ hút thuốc (quên thưa là xóm T.L nguyên là xứ cồn mồ, sau người sống lên “tấn chiếm”, vậy nên hiện vẫn còn nhiều ngôi lăng mộ của bá tánh xen lẫn với nhà cửa của dân cư). Trở lại chuyện bạn tôi, anh cứ ngồi vậy lặng lẽ hút thuốc, cho đến khi đôi vợ chồng nọ chuẩn bị chìm vào giấc nồng, cũng là lúc anh bắt đầu… lên cơn, nhảy nhót hú hét loạn xị. Chưa tới ba bữa, cặp đôi kia đã kéo ra… xin hàng. Đổi lại, họ cũng buộc phải hứa “tha ngay và luôn” cho xóm. Tiếc là đâu phải xóm nào cũng có người như bạn tôi. Thế cho nên, hoặc là bấm bụng chịu đựng, hoặc là tức nước vỡ bờ, dẫn đến gây lộn, ẩu đả. Đó là còn nhẹ, chứ ở Huế đã từng có trường hợp “quá điên” do nhạc mở lớn từ một quán cà phê bên cạnh, một thanh niên đã vác AK sang quất một lúc mấy mạng. Vụ việc xảy ra ở đường Lê Lợi, ngay trước mặt khách sạn Hương Giang mà người lớn tuổi có lẽ nhiều người còn nhớ.
Thế nên khỏi phải nói nỗi mừng vui, hài lòng của người dân Cố đô khi được tin ngay sau khi chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Phương đã có chỉ thị gửi lãnh đạo 40 phường, xã yêu cầu thực hiện ngay một số công việc, trong đó có việc xây dựng khung giờ yên tĩnh, hạn chế tiếng ồn ở các khu dân cư. “Cái này thì dân ủng hộ cả 2 tay, và cần phải làm nhanh, làm ngay!”. Nếu hỏi mười người, chúng tôi tin chắc, hơn 9 người sẽ trả lời như vậy. Với chính quyền số, với Hue-S, và với sự tuần tra, kiểm soát tích cực của chính quyền nhiều phường, xã (mới) ngay sau khi thành lập, rất tin tưởng chỉ thị của Chủ tịch UBND thành phố sẽ được triển khai và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Về lâu dài, không chỉ là “khung giờ yên tĩnh” mà phải tiến đến “quyền được yên tĩnh”. Không ai cấm anh hát hò nhảy múa, nhưng ngược lại cũng không ai được phép quấy động không gian sống của những người chung quanh. Trong không gian ấy, có thể có người đang dưỡng bệnh, đang học hành, nghiên cứu, viết lách, cầu nguyện… Do vậy, quyền được yên tĩnh phải là quyền “trời cho”, quyền “mặc định”, cần được pháp luật bảo hộ. Điều này không phải là cái gì quá mới mẻ, quá lạ lẫm. Dân ta có dịp đi du lịch, thăm thân ở các nước tiên tiến về, không hiếm người vẫn trầm trồ thán phục: Ở xứ người ta, nuôi con gà mà gáy làm ồn hàng xóm, cũng liệu hồn với “pô-lít”. Có đâu mà quá thể như mình…
Thượng Bích