Chiếc thuyền công suất nhỏ của gia đình anh Bùi Văn Đông, phường Hải An, thị xã Nghi Sơn đủ cho 2 người lênh đênh trên biển.
Một chuyến biển gần bờ
11 giờ đêm, trong ngôi nhà nhỏ dưới chân sóng, anh Bùi Văn Đông, phường Hải An, thị xã Nghi Sơn, thức dậy chuẩn bị đồ nghề đi biển. Từ xa, anh thấy người bạn đi cùng đã đợi ở chân đê từ lúc nào. Thường, mỗi thuyền nhỏ chỉ có khoảng 1 - 2 lao động, thuyền lớn từ 3 - 4 người. “Đi bạn” chủ yếu là anh em, người thân trong các gia đình vùng biển. Tiếng máy nổ vang lên, chiếc thuyền hướng thẳng ra biển, bắt đầu chuyến hành trình mưu sinh trong ngày. Mỗi chuyến biển thường kéo dài từ 8 - 10 giờ.
Thuyền chạy khoảng hơn 10 hải lý ra đến nơi đã định. Lúc này, đồng hồ đã gần 1 giờ sáng, anh Đông giảm ga cho thuyền chạy chậm lại. Mắt nhìn hướng gió, anh bắt đầu thả lưới. Dàn lưới dài hơn 2km, thả xuống độ sâu hàng chục mét. Hai đầu lưới gắn đèn pin nhấp nháy báo hiệu cho các thuyền khác biết nơi này đã có người thả lưới. Xong xuôi, anh Đông thả neo đợi đến thời điểm những đàn cá mắc lưới để thu thành quả.
Theo lời anh Đông, thuyền công suất nhỏ khoảng dưới 15CV, thường chỉ đánh bắt vùng lộng và gần bờ. Ngư trường đánh bắt tùy thuộc vào từng loại thủy hải sản ví như đánh bắt mực lá, mực nang, ốc biển... thường xa bờ hơn, còn đánh bắt cá khoai, cá trích thì gần bờ. Tầm tháng 10, tháng 11 âm lịch đánh bắt cá trích, qua tháng 12 âm lịch trở đi đánh bắt cá khoai, tôm bạc...
Khi những mét lưới cuối cùng kéo lên khỏi mặt nước, anh nhổ neo, nổ máy cho thuyền vào bờ. Về đến bến thuyền cũng là lúc mặt trời đã ló rạng. Vợ anh và vài người phụ nữ khác đã đón ở bến từ bao giờ. Họ đến chiếc thuyền, tay thoăn thoắt gỡ cá để kịp bán cho phiên chợ. Chuyến biển này, thuyền anh thu về gần 20kg cá trích tươi rói và khoảng 10kg cá tạp các loại, thu gần 2 triệu đồng. “Mùa này chỉ sợ những ngày giông bão thôi. Chứ thời tiết thuận lợi thì không lo gì không có cá” - anh Đông chia sẻ.
Trước kia gia đình anh Đông có tàu lớn ra vào Hoàng Sa và Trường Sa như cơm bữa. Tuy nhiên, năm 2018, anh bán tàu lớn, sắm chiếc thuyền nhỏ có công suất 12CV để đánh bắt gần bờ. Dù biết ra khơi mùa này thường gặp nhiều bất trắc bởi sóng to, gió lớn nhưng vì miếng cơm manh áo nên ngư dân vùng biển vượt sóng ra khơi. Anh Đông chia sẻ: “Ra khơi mùa này ngư dân phải gan dạ và có sức khỏe tốt. Không chỉ phải vượt qua những cơn sóng cao từ 1 - 2m, mà trong quá trình đánh bắt trên biển, ngư dân còn phải đối mặt với giông lốc bất ngờ xảy ra. Nếu phán đoán và quyết định sai thì hậu quả sẽ khó lường”.
Để những chuyến biển an toàn, bội thu
Hơn 11 giờ trưa, cửa biển Lạch Trường, xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) rộn ràng đón những chiếc thuyền đánh bắt trở về. Những ngày này, biển đã vào mùa cá khoai. Theo lời ngư dân Nguyễn Văn Tư, thôn Hải Sơn, cứ sau các đợt mưa lạnh có nắng nhẹ, nước biển hơi đục ngầu cùng sóng to là cá khoai xuất hiện. Cá khoai thường đi theo đàn, theo luồng gần bờ, rất thuận lợi cho ngư dân thả lưới. “Bình quân mỗi chuyến biển, chúng tôi đánh bắt được khoảng 10 - 20kg cá khoai cùng nhiều loại thủy, hải sản khác. Giá cá khoai hiện tại đang dao động từ 25.000 - 40.000 đồng/kg” - anh Tư vui vẻ chia sẻ.
Anh Bùi Văn Đông, phường Hải An, thị xã Nghi Sơn cùng bạn thuyền gỡ những con cá trích đang mắc vào tấm lưới vừa thả.
Xưa nay, ngư dân các huyện, thị xã, thành phố ven biển của tỉnh Thanh Hóa chủ yếu tập trung đóng tàu đánh bắt công suất lớn để vươn khơi dài ngày. Những người không có điều kiện về kinh tế thì đóng thuyền công suất nhỏ đánh bắt gần bờ. Những năm gần đây, nhiều người lại chọn hướng đầu tư khoảng dăm, bảy chục triệu đồng đóng thuyền máy, mua sắm ngư lưới cụ để tranh thủ đánh bắt thủy, hải sản gần bờ trong những ngày biển động.
Dù vậy, gần bờ cũng không có nghĩa là các lao động luôn được đảm bảo an toàn. Anh Tư chia sẻ: “Mùa này, thời tiết thay đổi thất thường. Trời đang nắng ráo, chỉ lát sau giông gió nổi lên chạy vào không kịp là chuyện thường. Chưa kể, sóng lớn và dòng hải lưu gần bờ thỉnh thoảng cuốn trôi cả dàn lưới, thiệt hại có khi lên đến hàng chục triệu đồng. Nghề biển chẳng biết đâu mà lần, trời thương thì được no, không thương thì đói. Nếu không may thuyền chìm, lưới mất thì cũng đành chịu vì miếng cơm manh áo, tiền mua sách vở cho các con trông chờ cả vào mớ cá đánh bắt được từ biển mà ra, không ra biển thì biết làm gì?".
Theo anh Phạm Ngọc Dương, Trưởng Trạm Kiểm soát Lạch Trường, Đồn Biên phòng Hoằng Trường, đánh bắt gần bờ thường là những tàu, thuyền công suất nhỏ. Trong đó, nhiều tàu đã cũ, độ an toàn thấp, chỉ chịu được sức gió từ cấp 5, cấp 6 trở xuống. Vì vậy, các vụ tai nạn, rủi ro xảy ra trên biển chủ yếu do bị sóng đánh, giông lốc gây hư hỏng tàu thuyền hoặc thiết bị, máy móc đã cũ, không thể vận hành an toàn trong mỗi chuyến vươn khơi. Để đảm bảo an toàn trong khai thác thủy sản, nhất là vùng ven biển bãi ngang, đơn vị thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, nhắc nhở ngư dân kiểm tra, bảo dưỡng máy móc, trang bị đầy đủ áo phao, phao cứu sinh để đề phòng sự cố xảy ra trên biển. Đồng thời, thường xuyên thông báo diễn biến thời tiết, nhất là các cơn bão cho ngư dân trên biển nắm bắt tình hình. “Để đảm bảo an toàn trong mùa biển động, trước khi ra khơi ngư dân nên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết để chủ động trong đánh bắt. Tuyệt đối không được ra khơi khi có bão, áp thấp nhiệt đới, khi biển động mạnh từ cấp 5, cấp 6 trở lên. Trong quá trình hoạt động trên biển phải mặc áo phao” - anh Dương lưu ý thêm.
Bài và ảnh: Tăng Thúy